Em tham gia BHXH từ tháng 10-2020 đến hết tháng 03-2023. Hiện tại e đang bầu và đã nghỉ việc tại công ty. Em dự sinh ngày 22-08-2023. Vậy cho em hỏi trường hợp của e sau khi sinh có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản không ạ. Với lại cho e hỏi là hiện e đang chốt sổ bảo hiểm. Vậy sau khi chốt sổ xong, tháng 4 này e muốn làm hồ sơ để hưởng chế độ thất nghiệp được không. Nếu vậy thì giờ làm hồ sơ hưởng chế độ thất nghiệp, sau khi sinh làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản được không ạ. Hay là chỉ được làm 1 trong 2 cái này.
* Theo quy định tại điểm b, khoản 1, khoản 2 và khoản 4, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về Điều kiện hưởng chế độ thai sản, cụ thể như sau:
“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Như vậy, trường hợp của Bạn nếu có tham gia BHXH bắt buộc và đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
* Ngoài ra, căn cứ tại khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 quy định về hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể như sau:
“1. Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.”
- Đồng thời, theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 49 Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 về Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, cụ thể như sau:
“Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này.”
Đối chiếu với quy định trên, thì trường hợp của Bạn nếu có tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và đáp ứng đủ điều kiện nêu trên thì Bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
* Theo quy định tại khoản 4, Điều 3 Luật việc làm 2013 khái niệm: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp”.
- Khoản 1, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 khái niệm: “Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, chế độ BHTN được chi trả dựa trên Quỹ BHTN, hình thành từ nguồn đóng BHTN trên cơ sở quy định tại khoản 2, Điều 57 Luật việc làm năm 2013. Còn chế độ thai sản được chi trả dựa trên Quỹ BHXH bắt buộc hình thành từ nguồn đóng BHXH bắt buộc trên cơ sở người lao động có tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, việc hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ không ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ thai sản và ngược lại.
14858 lượt xem
6242 lượt xem
4940 lượt xem
2379 lượt xem
2145 lượt xem
2116 lượt xem
1712 lượt xem