• HỎI ĐÁP
Người gửi:
Trần thị thu
Email:
Snowqueen201091gmail.com
Ngày gửi:
14/05/2025
Lĩnh vực:
Bạn đọc đặt câu hỏi
Trạng thái:
Đã trả lời
Nội dung câu hỏi:

E có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khi đi làm và khi không đi làm em vẫn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tầm 10 năm tất cả. Hiện tại e có thai lần 2 Vậy em có được hưởng chế độ thai sản không ạ Nếu là thân nhân công an có chế độ thai sản gì không ạ Ngoài ra nếu được hưởng thai sản thì mức hưởng là bao nhiêu ạ E cảm ơn!

Trả lời bởi:
BHXH tỉnh Bình Định
Ngày trả lời:
14/05/2025
File đính kèm:
Câu trả lời:

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định trả lời câu hỏi của Bạn như sau:

* Theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và khoản 4, Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về Điều kiện hưởng chế độ thai sản, cụ thể như sau:

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

b) Lao động nữ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1, Điều 9 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH  ngày 19/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hướng dẫn như sau:

1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:

a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.

Như vậy, trường hợp của Bạn để được hưởng chế độ thai sản thì Bạn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đã quy định ở trên. Ngoài ra, việc Bạn bắt đầu đóng bảo hiểm dưới dạng thân nhân công an là thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế chứ không phải thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

* Theo quy định tại Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 về tính trợ cấp một lần khi sinh con:“Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.”

* Theo quy định tại Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản: “Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.”

Trên đây là các quy định về cách tính mức hưởng chế độ thai sản khi lao động nữ sinh con. Về việc Bạn hỏi mức hưởng chế độ thai sản của Bạn nếu được hưởng là bao nhiêu, vì Bạn không cung cấp thông tin cụ thể về thời gian tham gia BHXH  bắt buộc, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và thời điểm sinh con là khi nào, nên BHXH tỉnh Bình Định không thể trả lời khi Bạn nghỉ sinh thì được hưởng mức bao nhiêu. Trường hợp cần được tư vấn chi tiết đề nghị Bạn liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú để được cung cấp thông tin cụ thể.