Kính chào Quý cơ quan. Tôi muốn nhờ Quý cơ quan giải đáp giúp 02 thông tin sau ạ: 1. Hộ khẩu gốc của tôi ở Quảng Bình, hiện tại có sổ tạm trú ở Quy Nhơn, vậy tôi có thể thực hiện chốt sổ BHXH và nhận thụ hưởng 1 lần tại phòng BHXH TP. Quy Nhơn không? 2. Vì chuyển công tác nên tôi có nhiều đơn vị đóng bảo hiểm trước đó mà chưa chốt được sổ, vậy tôi có bắt buộc phải chốt hết các khoản đóng đó trước khi chốt sổ với Quý cơ quan bảo hiểm không? Nếu nhu cầu tôi chỉ muốn nhận các khoản đã chốt thôi thì có được không ạ? Rất mong nhận được thông tin giải đáp từ Quý cơ quan. Kính chúc sức khỏe. Trân trọng!
Về vấn đề bạn hỏi, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định xin trả lời như sau:
1. Điều kiện hưởng BHXH một lần và chốt sổ bảo hiểm xã hội:
1.1.Về điều kiện và hồ sơ hưởng BHXH một lần:
Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP:“Điều 8. Bảo hiểm xã hội một lần
1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;”
Như vậy, trường hợp của bạn được nhận tiền BHXH một lần khi đáp ứng các điều kiện sau:
+ Chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội;
+ Nghỉ được ít nhất 1 năm;
+ Không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội.
Trường hợp của bạn đóng bảo hiểm xã hội chưa được 20 năm, nếu bạn không có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội; 1 năm sau khi bạn nghỉ việc bạn có thể nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần;
1.2. Về hồ sơ nhận BHXH một lần:
Căn cứ quy định tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 , hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
+ Đơn đề nghị hưởng BHXH một lần (mẫu 14 – HSB);
+ Sổ bảo hiểm xã hội (kèm chứng minh nhân dân);
+ Sổ hộ khẩu (nếu nộp hồ sơ tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi có hộ khẩu), sổ tạm trú (nếu nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi tạm trú).
Hồ sơ bạn nộp tại Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố nơi bạn có sổ hộ khẩu hoặc nơi bạn có sổ tạm trú. Thời gian giải quyết là 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
2.Việc chốt sổ bảo hiểm xã hội
Căn cứ Điều 47 Bộ luật lao động 2012 thì, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng có nghĩa vụ:“Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Đồng thời, căn cứ theo khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động thì:“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trách nhiệm chốt sổ bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động.
12855 lượt xem
5467 lượt xem
4894 lượt xem
2319 lượt xem
2039 lượt xem
1755 lượt xem
1310 lượt xem