BHXH tự nguyện “cứu cánh” người lao động tự do

20/09/2019 03:56 PM


Không nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa…là những rủi ro, thiệt thòi của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều này không ít người trong số họ đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng trợ cấp, có lương hưu, ổn định cuộc sống...

“Điểm tựa” của nhiều người

Theo chân đoàn công tác của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam xuống từng gia đình tại nhiều khu, xóm của tỉnh Bắc Ninh tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, chúng tôi thực sự hiểu và cảm nhận rằng không phải BHXH tự nguyện vẫn bị người dân “lạnh nhạt, thờ ơ” như lâu nay nhiều người vẫn nghĩ.

Về nơi đây, không chỉ những hộ gia đình thuộc diện hoàn cảnh chính sách mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện mà ngay cả những hộ khá giả có thu nhập ổn định như những hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, lẻ đều lựa chọn loại hình bảo hiểm này như “điểm tựa, cứu cánh” cho bản thân khi về già. Bởi khi tham gia BHXH tự nguyện họ chỉ phải lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Với mức tham gia thấp nhất chỉ hơn 100.000 đồng/1 tháng, khi tới tuổi nghỉ hưu, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ nhận lương hưu hàng tháng gấp hơn 4 lần mức đóng.

Nếu như BHXH bắt buộc có các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất thì BHXH tự nguyện chỉ gồm có hai chế độ: Hưu trí và tử tuất. Tức là, nếu đóng BHXH tự nguyện, người tham gia có thể sẽ được hưởng lương hưu; đồng thời, được trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất theo quy định…Tuy vậy, loại hình này vẫn được coi là sự lựa chọn đúng đắn đối với những người lao động tự do, công việc không ổn định.

Có mặt tại khu 6 phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi gặp gỡ gia đình anh Trần Minh Tuấn - một trong những hộ điển hình làm kinh tế giỏi những vẫn quyết tâm tham gia BHXH tự nguyện để tránh rủi ro khi về già.

Chia sẻ với chúng tôi anh Tuấn cho biết, sinh năm 1985 là người lao động tự do, anh đã phải rất nỗ lực chịu khó vừa buôn bán nhỏ vừa mở trung tâm dạy thêm toán, lý hóa để gia đình có cuộc sống ổn định như hôm nay. Thế nhưng theo anh, cuộc sống nhiều biến cố, không lường hết được điều gì sẽ xảy ra. Nếu như một ngày nào đó sức khỏe yếu đi, không còn đủ khả năng lao động để nuôi sống bản thân và gia đình thì biết bấu víu vào đâu? Hiểu được điều này, anh đã lựa chọn hình thức tham gia BHXH tự nguyện để ổn định cuộc sống lâu dài.

Anh Tuấn chia sẻ, trước nghe loáng thoáng có cán bộ bảo hiểm về phường tuyên truyền về BHXH tự nguyện, anh cũng muốn tham gia nhưng vì bận chưa tìm hiểu nên không biết đóng ở đâu, hình thức đóng thế nào? Tuy nhiên sau lần đi làm hồ sơ cho công việc riêng của gia đình tại phường, anh được biết phường có đại lý thu mua bảo hiểm theo chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. “Được tư vấn tỉ mỉ, tôi quyết định tham gia. Vì không có thời gian nên tôi chọn hình thức đóng một năm một lần, mỗi lần đóng là khoảng 6 triệu đồng/năm, tính ra 1 tháng hơn 500 ngàn đồng. Sau khi tham gia tôi thấy thủ tục rất đơn giản, dễ hiểu, thuận tiện cho người dân. Hiện giờ tham gia được 7 năm rồi, tôi tính sẽ tham gia hơn 50 năm để được hưởng trọn chính sách của loại hình bảo hiểm này”, anh Tuấn cho biết.

Khẳng định lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại cho những người lao động tự do như mình, anh Tuấn chia sẻ thêm: Tham gia BHXH tự nguyện sau này tới tuổi nghỉ hưu sẽ có lương hưu, hoặc nếu chết người thân sẽ được nhận tiền tuất. Đặc biệt, mức đóng hàng tháng cũng thấp hơn một số loại bảo hiểm nhân thọ, chưa kể còn được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí đóng. Đây là giải pháp mà người lao động tự do nên chọn để “cứu cánh” cho mình lúc về già.


Anh Trần Minh Tuấn chia sẻ về việc tham gia BHXH tự nguyện. (Ảnh: BL)

Không khá giả hơn trường hợp gia đình anh Tuấn, nhưng chị Trần Thị Quyên sinh năm 1974, ở phố Ba Huyện, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh nhận thức rất sớm những lợi ích mà BHXH tự nguyện mang lại cho những người lao động tự do.

Chia sẻ về việc quyết định tham gia BHXH tự nguyện, chị Quyên cho biết, trước đây chị làm công nhân đã có 10 năm tham gia BHXH bắt buộc và sau khi nghỉ việc chị không còn được tham gia nữa. Nghỉ việc ở nhà, chị chuyển sang bán hàng ăn để mưu sinh hàng ngày. Công việc vất vả, thức khuya dậy sớm khiến sức khỏe chị ngày một yếu đi. Lúc này chị bắt đầu nghĩ tới và tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến nay chị đã đóng được 5 năm, mỗi lần đều đóng theo quý, mỗi quý hơn 600 ngàn đồng. Không những tham gia BHXH tự nguyện, chị còn tham gia cả BHYT hộ gia đình.

Nói về lợi ích của việc tham gia những loại hình bảo hiểm trên, chị Quyên xúc động cho hay: Tôi cũng vừa mới mổ u được vài tháng. Đến khi bị bệnh tôi mới thấy sự hữu ích của những loại hình bảo hiểm này. Cứ hoàn cảnh như hiện nay, khi hết tuổi lao động mà không tham gia các loại hình bảo hiểm của nhà nước sẽ không biết lấy gì nuôi thân nếu như không có nguồn thu ổn định. Từ thực tế cuộc sống của bản thân, tôi đã chia sẻ cho anh em họ hàng và một số người cùng khu xóm là thành phần lao động tự do như mình để họ tham gia và cùng được hưởng quyền lợi như tôi”.

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, nhiều trường hợp lao động tự do như trên, đặc biệt là các hộ ở nông thôn khi đã qua tuổi lao động rất mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định. Với lý do, hiện giờ còn có sức khỏe, có thể sản xuất hoặc được con cháu chu cấp, có nguồn tích lũy, nhưng nếu khi mất sức lao động hoặc không may gặp phải bệnh tật, nằm viện lâu dài thì có một nguồn thu nhập hàng tháng sẽ giúp họ phần nào ổn định được cuộc sống.

Chị Trần Thị Quyên (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ về lợi ích của BHXH tự nguyện. (Ảnh: Bích Liên)

Không chỉ có người đang trong độ tuổi lao động, khi được hỏi nhiều người cao tuổi trên địa bàn TP Bắc Ninh cũng cho biết, họ muốn tham gia BHXH tự nguyện là để có thể chủ động về kinh tế, không phải phụ thuộc vào con cháu trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện đã trở thành nhu cầu bức thiết của không ít người dân.

“Bám làng, bám dân” đưa chính sách về từng khu, xóm

Rõ ràng nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người dân là có. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều người dân, nhất là đối tượng lao động tự do lại chưa có điều kiện tìm hiểu rõ về BHXH tự nguyện do thiếu thông tin. Bởi việc tuyên truyền cho những đối tượng này gặp tương đối khó khăn, kể cả khi cán bộ BHXH dốc lòng, dốc sức đưa chính sách về từng khu, xóm.

Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn này, Phó Giám đốc BHXH TP Bắc Ninh Hoàng Văn Hiển cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2019, TP Bắc Ninh đã tuyên truyền được trên 500 người tham gia BHXH tự nguyện. Con số  này vẫn còn khiêm tốn và phải cố gắng nhiều. Bởi thực tế việc tuyên truyền, phát triển các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại đây là rất khó. Mặc dù, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền nhưng số hộ tham gia chưa được nhiều, thậm chí nếu có tham gia thì họ cũng chỉ chọn mức đóng thấp nhất là hơn 100 ngàn/tháng.  “Để tuyên truyền phát triển nhiều đối tượng tham gia, chúng tôi phải đi rất xa đến từng khu xóm, nhiều khi phải đi cả buổi tối, cả ngày nghỉ mới gặp được các đối tượng cần tuyên truyền. Bởi ban ngày họ đi làm, chỉ có nhà vào buổi tối. Nhiều khi tuyên truyền một lần, họ cũng chưa nghe, chưa hiểu được, đặc biệt là những người làm xây dựng họ nay đây mai đó, thậm chí còn không biết chữ. Nếu không kiên trì thì không thể làm được”, Phó Giám đốc BHXH cho biết.

Cũng theo ông Hoàng Văn Hiển, một trong những khó khăn nữa mà cán bộ BHXH gặp phải là người dân hay nhầm lẫn giữa BHXH tự nguyện và Bảo hiểm thương mại. Bởi đã có nhiều vụ việc tham gia Bảo hiểm thương mại khiến người dân mất lòng tin. “Khi họ chưa hiểu, chưa phân biệt được các loại hình bảo hiểm khác nhau thì việc tuyên truyền là rất khó. Mặc dù khó như vậy nhưng những người làm BHXH chúng tôi vẫn quyết phải đi, phải đến để giải thích một cách “thấu tình đạt lý” cho họ hiểu về những lợi ích mà chính sách an sinh xã hội của Nhà nước mang lại chứ không phải như những loại hình bảo hiểm kinh doanh”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho hay.

Theo nhận định của Phó chánh Văn phòng BHXH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Việt Châu, thực tế việc triển khai phát triển BHXH tự nguyện hiện vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn như đối tượng cần vận động chủ yếu làm nông nghiệp, lao động tự do…có thu nhập thấp và không ổn định, nhiều người chưa có thói quen tham gia BHXH khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi về già. Trong khi đó, chính sách quy định thời gian để được thụ hưởng dài sau 20 năm tham gia BHXH do vậy chưa đủ sức hấp dẫn; nhận thức nhiều người dân về chính sách BHXH còn hạn chế…"Để vận động các đối tượng này tham gia đầy đủ phải quyết liệt "bám làng, bám dân" đưa chính sách về từng khu, xóm; kiên trì vận động họ mới có kết quả tốt", Phó chánh Văn phòng BHXH tỉnh cho biết.

Câu chuyện “kích cầu” đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho đến nay vẫn là một bài toán khó, luôn được ngành bảo hiểm quan tâm nhiều năm nay. Rõ ràng là thực tế hiện nay, việc mở rộng đối tượng tham gia lĩnh vực này vẫn gặp không ít thách thức. Quan trọng vẫn cần sự quyết liệt và tích cực của ngành, của từng địa phương trong việc tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người tham gia trước lợi ích thiết thực của loại hình bảo hiểm này mang lại./.

Bích Liên (dangcongsan.vn)

 

Hình ảnh hoạt động