Chuyện “đồng, tranh, khéo, kịp” ở Bình Định

19/08/2019 08:37 AM


Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Mai Thanh Thắng, người đặc trách lĩnh vực văn- xã giai đoạn 2011-2016 đã đúc kết với PV Báo BHXH “Tập thể đoàn kết chính là gốc rễ giúp hoạt động BHXH, BHYT trên địa bàn gặt hái nhiều thành tựu”.

Luôn dõi theo lĩnh vực BHXH

 Chuyến thực tế tại miền đất võ Bình Định đã giúp chúng tôi có dịp chuyện trò với những người đã và đang “dệt lưới an sinh”. Thông qua anh Võ Năm- Giám đốc BHXH tỉnh, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Mai Thanh Thắng- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh- người từng phụ trách lĩnh vực văn- xã. Hiện ông Thắng vẫn còn “nặng nợ trên vai” trong vai trò Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị tỉnh.
 

Ông Mai Thanh Thắng trò chuyện với PV Báo BHXH

Hôm gặp chúng tôi ở trụ sở Liên hiệp Các Hội hữu nghị tỉnh, câu đầu tiên mà ông Thắng nói là: “Gặp các em vui quá, được dịp nhớ lại chuyện xưa”. Vốn gốc sư phạm nên chỉ vài lời tâm lý ấy đã giúp xóa nhòa khoảng cách sơ giao, khiến chúng tôi thấy thật gần gũi. “Anh đang dõi theo kỳ họp HĐND tỉnh nè, để xem chỉ tiêu tham gia BHXH như thế nào?”. Ông Thắng “vào đề” khiến chúng tôi cảm thấy rõ “hơi thở BHXH” vẫn vẹn nguyên.

Chuyện là, hồi đầu năm 2019, HĐND tỉnh giao chỉ tiêu tham gia BHXH trên địa bàn phải đạt tỉ lệ 16,5%. Tỉ lệ này được hình thành dựa trên “công thức” chia đều tổng tỉ lệ người NLĐ tham gia BHXH trên địa bàn đến năm 2030 theo Nghị quyết 28-NQ/TW. Gần đây, dựa trên các tính toán và cân đối thực tế, BHXH Việt Nam giao tỉ lệ 14,5% NLĐ tham gia BHXH đối với Bình Định. Do đó, phía BHXH tỉnh đang tích cực tham mưu cùng Sở LĐ-TB&XH “giải trình” giúp các đại biểu HĐND thấu đáo hơn.

 “Đồng, tranh, khéo, kịp”

 Trở lại câu chuyện, ông Thắng nói rằng, giai đoạn ông phụ trách Văn hóa- Xã hội, trong đó có lĩnh vực BHXH, nhìn suốt chiều dài hình thành phát triển là “giai đoạn giữa” nên nhìn lại cũng “dễ thấy cái tổng thể nhờ có trước có sau”. Lúc ông Thắng tiếp nhận phụ trách BHXH hồi năm 2011, toàn tỉnh có hơn 83.500 NLĐ tham gia BHXH, tỉ lệ bao phủ BHYT đạt 63,9%. Đến lúc ông “rời nhiệm sở” năm 2016, cả 2 tỉ lệ này đều tăng (hơn 99.000 NLĐ tham gia BHXH và hơn 1,3 triệu người tham gia BHYT- đạt tỉ lệ bao phủ 85%), cao hơn mức bình quân chung cả nước thời đó (81,8%). Còn đến nay, số NLĐ tham gia BHXH đã gần 113.000 người và tỉ lệ bao phủ BHYT đã vượt ngưỡng 90%. “Đó là những thành tựu rõ nét mà anh em làm BHXH trên địa bàn Bình Định đã gặt hái được, góp sức cùng tỉnh đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn”- ông Thắng nói.

“Sẵn dịp chia sẻ với mấy anh em thế này, sở dĩ gặt hái được những thành tựu ấy, ở góc nhìn lãnh đạo tỉnh, có thể nói là nhờ 4 vấn đề gốc rễ là: Nội bộ đoàn kết, nhất trí, đồng lòng; tham mưu kịp thời; tranh thủ hay và khéo léo vận động”- ông Thắng trải lòng. Rồi ông kể tiếp, tập thể CBCC ở BHXH tỉnh Bình Định rất đoàn kết và nhất trí cùng hành động. “Tôi cho là tập thể đoàn kết chính là cái gốc rễ của vấn đề hoàn thành nhiệm vụ. Chứ anh lãnh đạo giỏi mà vướng cái này cái kia về tập thể thì cũng khó thành sự lắm”- ông Thắng chia sẻ.

Ở góc nhìn của lãnh đạo tỉnh, ông Thắng còn khẳng định rằng, BHXH tỉnh làm rất tốt công tác tham mưu, kịp thời đưa ra những vấn đề khó và đề xuất lãnh đạo tỉnh kịp thời tháo gỡ. “Rõ ràng là các anh chị em bên BHXH tỉnh đã kịp thời nắm bắt những vấn đề ở cơ sở, từ đó mới đề xuất kịp thời, tôi thấy đó là điểm nổi bật”- ông Thắng nói. Đồng thời nhớ lại, có thời điểm, BHXH tỉnh phải “báo cáo khẩn” về việc khó đạt tỉ lệ tham gia BHYT được giao, vì tỉnh giao lúc nào cũng “nhỉnh hơn” Trung ương một chút. “Lãnh đạo tỉnh đã đi thực tế để nhìn nhận lại vấn đề, từ đó có những chỉ đạo quyết liệt đến các địa phương. Bởi vậy mới nói, công tác tham mưu là rất quan trọng”- ông Thắng khẳng định.

Thêm một vấn đề “gốc rễ” nữa, theo ông Thắng, các cán bộ BHXH tỉnh “rất biết tranh thủ”. Trước là tranh thủ chỗ Trung ương là cơ quan phụ trách ngành dọc. Sau là tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyến tỉnh. “Nếu để ý sẽ thấy, nếu cứ lủi thủi làm sẽ không nghe được hết những khó khăn phát sinh, mà đã không nghe được thì làm sao biết mà giúp tháo gỡ”- ông Thắng trải lòng. Điều đáng nói nữa, theo ông Thắng, đó là việc BHXH tỉnh được coi là “chuyên gia” gắn kết các sở, ban, ngành, đoàn thể. “Tôi cho đó là việc rất hay, bởi công tác BHXH không chỉ một mình làm được mà cần ở cộng đồng trách nhiệm. Hoạt động gắn kết ấy thoạt nhìn là hình thức, nhưng nó thực sự tác động đến nội dung cụ thể, giúp anh chị em BHXH thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn”- ông Thắng nói thêm.

“Nói cho gọn là anh chị em BHXH tỉnh đã thực hiện tốt “đồng, tranh, khéo, kịp” để gặt hái nhiều thành tựu. Có điều, để thực hiện được “bí kíp” này có lẽ phải í ới ông suốt ngày qua điện thoại, chắc thời điểm đó ông cũng mệt chớ”- chúng tôi nhìn ông cười hỏi. Tưởng nhận được lời phân bua, nào ngờ ông Thắng chỉ nói gọn đính kèm tiếng cười sảng khoái: “Gọi điện mời đi uống mới mệt, chứ để chia sẻ công việc thì luôn sẵn lòng”.

 

Đỗ Bá (Báo BHXH)

Hình ảnh hoạt động