Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo ASXH cho người dân và DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19
09/12/2020 03:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong khuôn khổ Hội nghị ASSA 37, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) đã có bài tham luận “Chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo ASXH cho người dân và DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Theo ông Dương Văn Hào, Việt Nam có số dân trên 96 triệu người, trong đó lực lượng trong độ tuổi lao động là 49,34 triệu người; GDP bình quân đầu người trên 2.700 USD/người. Số người tham gia BHXH hiện 15,89 triệu người, chiếm 32,2% lực lượng lao động; số người tham gia BHYT là 87,05 triệu người, tỷ lệ bao phủ BHYT chiếm 90,1% dân số.
Là cơ quan trực thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam có chức năng tổ chức thực hiện chính sách là thu, quản lý quỹ và chỉ trả các chế BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Thực hiện 7/9 nội dung về ASXH, bao gồm: Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ TNLĐ-BNN; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; chế độ KCB BHYT; trợ cấp thất nghiệp.
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế-xã hội của tất cả các quốc gia và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng, đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Cụ thể: GDP quý I/2020 tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Phát triển DN chịu tác động lớn, hầu hết DN đều thận trọng trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số lượng DN thành lập mới trong 4 tháng đầu năm chững lại. Số DN tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 33,6%).
Dẫn báo cáo của Bộ KH-ĐT về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, ông Hào nhấn mạnh: “Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện ASXH nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nói riêng. Đơn cử: Nguy cơ tăng nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Giảm số người tham gia BHXH, BHYT do NLĐ mất việc làm, số DN thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động…”.
Đồng thời cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Chính phủ khởi động mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo ASXH cho người dân. Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ASXH ứng phó với dịch Covid-19…
Cũng theo ông Dương Văn Hào, BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát tình hình; nghiêm túc chấp hành và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhằm ổn định cuộc sống NLĐ và đảm bảo ASXH đất nước. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; hướng dẫn DN đăng ký đóng BHXH kịp thời khi NLĐ quay trở lại làm việc…
Bên cạnh đó, tổ chức các buổi làm việc, hội nghị trực tuyến với các địa phương; tăng cường ứng dụng CNTT và cải cách TTHC; duy trì đôn đốc, hướng dẫn, thông báo cho các đơn vị, DN, người tham gia BHXH, BHYT thông qua dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử, điện thoại, mạng xã hội. Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội (Zalo, Facebook...). Đồng thời, ứng dụng CNTT trong KCB; đẩy mạnh thanh toán thông qua ngân hàng điện tử và phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…
Vì vậy, tính đến hết ngày 30/11/2020, cả nước có trên 15,88 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 32,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: BHXH bắt buộc có 14,94 triệu người, BHXH tự nguyện có trên 970 nghìn người tham gia; BHYT có trên 86,88 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 90,1% dân số. Tính đến tháng 11/2020, toàn quốc đã giải quyết cho trên 716.000 người hưởng BHXH một lần; trên 6.664.000 lượt hưởng chế độ ốm đau; trên 1.662.000 lượt hưởng chế độ thai sản. Trong 4 tháng đầu năm 2020- giai đoạn Việt Nam công bố dịch trên cả nước, Quỹ BHYT vẫn đảm bảo chi trả cho trên 45 triệu lượt người, bằng khoảng 80% số lượt KCB của 4 tháng đầu năm 2019. Trong 11 tháng của năm 2020, Quỹ BHYT cũng đã đảm bảo chi trả chi phí KCB cho hơn 151 triệu lượt người, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2019… Như vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhu cầu KCB- một trong những chính sách ASXH cơ bản của người dân Việt Nam vẫn được đảm bảo giải quyết đầy đủ, kịp thời.
Cùng với đó, giữa tháng 11/2020, BHXH Việt Nam công bố ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số”- là một sản phẩm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số trên thiết bị di động, phục vụ người dân. Đây là kết quả quá trình và quyết tâm xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ số trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Nhóm PV (Tạp chí BHXH)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động