Ngành BHXH Việt Nam nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
02/01/2024 04:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai, thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thành tốt trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.
Nhìn lại năm 2023, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có những đánh giá, thông tin về các kết quả nổi bật của Ngành.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh: Ngành BHXH Việt Nam nỗ lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt trách nhiệm đảm bảo an sinh xã hội cho người dân
PV: Là cơ quan thuộc Chính phủ được giao thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã chủ động, phối hợp triển khai nhiệm vụ này như thế nào, thưa Tổng Giám đốc?
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:
Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Hậu quả của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu còn phải khắc phục nhiều năm. Kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng.
Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; giá yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có xu hướng bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết... Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế nói chung và việc triển khai tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội nói riêng của Ngành BHXH Việt Nam.
Trước những khó khăn và thách thức nêu trên, Ngành BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện có hiệu quả, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như độ bao phủ BHXH, BHYT. Cùng với sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, linh hoạt, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Ngành, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất, xác định rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", với phương châm hành động trong toàn Ngành "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người tham gia ngày càng toàn diện.
Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT
BHXH Việt Nam luôn chủ động, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành trong việc đề xuất, xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách, quản lý quỹ BHXH, BHYT và đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện, như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi). Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế giải quyết các vướng mắc trong khám chữa bệnh (khám chữa bệnh) BHYT; đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia.
Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong năm 2023, Ban cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy 63 tỉnh, thành phố về việc tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, trong đó kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã do đồng chí chủ tịch UBND làm trưởng ban, thành viên là các lãnh đạo Sở, ngành. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã ban hành văn bản chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố chủ động, khẩn trương tham mưu cấp ủy, chính quyền kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT đến từng Ban Chỉ đạo và từng thành viên… để thực hiện chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT đến từng thôn, bản. Theo đó, BHXH các địa phương đã tăng cường công tác tham mưu nhằm kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo đến tận cấp xã, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách an sinh xã hội (ASXH) theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng.
Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp xã; 46/63 tỉnh đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, 60/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 22/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện; 62/63 tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT…
Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH, BHYT của cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp xã khẳng định sự quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người dân, để tất cả người dân đều được thụ hưởng chính sách ASXH.
PV: Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, theo Tổng Giám đốc, kết quả nào là nổi bật và ý nghĩa nhất?
BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước, giúp người dân, người lao động khắc phục khó khăn, phòng tránh rủi ro trong cuộc sống. Trong bối cảnh khó khăn, hai chính sách an sinh xã hội này càng phát huy vai trò lớn, là chỗ dựa của người tham gia. Vì vậy, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định công tác thu, phát triển người tham gia là nhiệm vụ chính trị hàng đầu nhằm mở rộng độ bao phủ, tiến tới BHXH, BHYT toàn dân, để không ai bị bỏ lại phía sau. Mục tiêu của Ngành là hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng trưởng bền vững; vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay. Với phương châm “hoàn thành chỉ tiêu độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT; giảm số tiền chậm đóng vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam với nước, với dân”.
Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục duy trì và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành, vượt chỉ tiêu được giao tại các Nghị quyết của Đảng
BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ trong toàn Ngành; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động, linh hoạt triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, thích ứng khó khăn và đã đạt các kết quả tích cực. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục duy trì và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành, vượt chỉ tiêu được giao tại các Nghị quyết của Đảng.
Cụ thể, hết năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 18,259 triệu người, (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), trong đó khoảng 3,92% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương). Tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi với 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).
Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững hằng năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân: năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,01% dân số (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,307 triệu người tham gia.
Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong điều kiện khó khăn, một lần nữa khẳng định sự kiên định, quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành BHXH Việt Nam khi vừa giữ vững kết quả đã đạt được, vừa thực hiện có hiệu quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Toàn Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT
Với nền tảng độ bao phủ BHXH, BHYT không ngừng mở rộng, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đổi mới tác phong làm việc theo hướng phục vụ; đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia theo Luật định. Qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là với người lao động bị mất việc làm, thu nhập; cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh (khám chữa bệnh), chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Kết quả, trong năm 2023, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời cho: 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, (trong đó có 75.230 người hưởng lương hưu, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm 2022); 1.304.203 người hưởng các chế độ trợ cấp BHXH một lần (trong đó có 1.110.422 người hưởng BHXH một lần, tăng 23,73% so với cùng kỳ năm 2022); 8.849.210 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 1.050.028 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 10,92% so với cùng kỳ năm 2022), 19.185 người hưởng hỗ trợ học nghề. Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2023, toàn Ngành đã kịp thời chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới. Theo đó, ngay trong kỳ chi trả tháng 8/2023, từ ngày 14/8/2023 (ngày 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực), toàn Ngành đã tổ chức chi khoảng 20.833 tỷ đồng. Toàn Ngành đã cơ bản hoàn thành việc chi trả đối với 100% người hưởng (tương ứng hơn 1,24 triệu người) đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng (ATM) với tổng số tiền trên 8.801 tỷ đồng.
Năm 2023, nhằm kịp thời đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tham gia BHYT theo Luật định, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 144/NQ-CP, theo đó đã cơ bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT giai đoạn hậu Covid-19.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng kịp thời tham mưu, phối hợp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, góp phần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; nâng mức hưởng BHYT của người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, người phục vụ người có công; quy phạm hoá quy định lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi khám chữa bệnh BHYT để hướng tới sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT hiệu quả và giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của giai đoạn 2019 đến 2022. Chủ động, tích cực cùng Bộ Y tế xây dựng và triển khai thực hiện quy định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh và giải quyết các chế độ liên quan góp phần chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động, phục vụ quyền lợi cho người tham gia BHYT theo Luật định.
Sự chủ động, kịp thời của ngành BHXH Việt Nam trong công tác giải quyết, chi trả chế độ cho người tham gia thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội (ASXH); qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là với người lao động bị mất việc làm, thu nhập, cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân.
Thứ hai, bên cạnh công tác phát triển người tham gia thì công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN của Ngành cũng đạt những kết quả tích cực, góp phần quan trọng để các quỹ luôn tăng trưởng, an toàn, bền vững, đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ cho người tham gia, thụ hưởng.
Hằng tháng, BHXH Việt Nam tổ chức giao ban toàn Ngành đánh giá chi tiết tiến độ thu, chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng để kịp thời có các chỉ đạo phù hợp với đặc thù ở từng tỉnh, thành phố; tổ chức tuyên truyền, đối thoại, đôn đốc đơn vị đóng BHXH kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Ngành làm trưởng đoàn đến nắm bắt tình hình và chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các giải pháp thu, giảm chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN… kịp thời cho từng địa phương.
Ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường đổi mới, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất (Ảnh minh họa)
Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã tăng cường đổi mới, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất các đơn vị SDLĐ và xử phạt nghiêm các vi phạm. Đến hết tháng 12/2023, BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHTN tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định (bằng 186% so với năm 2022). Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn Ngành, hết năm 2023, số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế nước ta tiếp tục khó khăn, công tác thu, thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Do đó, việc tiếp tục duy trì tỷ lệ chậm đóng ở mức thấp là một nỗ lực rất đáng ghi nhận, góp phần đảm bảo quyền lợi cho người lao động; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người SDLĐ trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Thứ ba, công tác quản lý đầu tư quỹ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả, tối ưu hóa phương án đầu tư. Tốc độ tăng trưởng đầu tư quỹ là 10,43% so với năm 2022. Hiện nay, Quỹ BHXH, BHYT, BHTN đã trở thành các quỹ an sinh lớn nhất, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý BHXH. Quy mô các quỹ bảo hiểm tăng qua từng năm, được thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, nhờ đó Nhân dân, người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Tỷ lệ chi từ nguồn quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH ngày càng giảm, khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực tự bảo đảm ASXH.
Bên cạnh việc thực hiện chính sách ASXH, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm về hưu trí, chăm sóc sức khỏe, y tế, giảm thiểu thiệt hại và rủi ro cho người lao động, các quỹ BHXH, BHYT, BHTN còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia. Với cơ cấu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ chiếm trên 80% tổng dư nợ đầu tư, các quỹ bảo hiểm đã góp phần, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước, hỗ trợ Chính phủ trong thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, tiết kiệm chi phí vay ODA, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước”.
BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ"
Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", năm 2023, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ như: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), trong đó 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành được tiếp nhận, giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC phải kiểm tra, thẩm định tại cơ sở; tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản cá nhân… tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí giao dịch cho các cá nhân, tổ chức. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng 3% so với năm 2022 (vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).
Có thể nói, những kết quả tích cực, toàn diện đạt được trên tất cả các lĩnh vực công tác của ngành BHXH Việt Nam đã cho thấy quyết tâm chính trị của toàn Ngành trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của người dân, người lao động, doanh nghiệp đối với các chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước ta.
PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động