Bảo đảm quyền của lao động nữ trong Dự thảo Luật BHXH
29/03/2024 09:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cần chính sách khác biệt tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới; nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 - 9 lần; tăng thời gian nghỉ thai sản đối với trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 2 tháng...
Đây là một số kiến nghị được nhấn mạnh tại Hội thảo đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng ngày 27/3, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: Dự án Luật BHXH có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của người lao động. Quá trình tham gia xây dựng dự thảo luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ trì tổ chức và tham gia các hội thảo, nhiều ý kiến đã được Ban soạn thảo tiếp thu.
Tuy nhiên, quá trình tham gia, nghiên cứu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy một số quy định trong Dự thảo Luật BHXH chưa rõ ràng và cần điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm cho lao động nữ thực hiện quyền lợi của mình. Qua hội thảo này, Tổng Liên đoàn mong muốn ý kiến của các đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền của lao động nữ như: quy định về chính sách thai sản, chính sách BHXH một lần, chế độ hưu trí… phân tích những quy định phù hợp, quy định cần thay đổi, chỉnh sửa, bổ sung. Công đoàn cơ sở từ thực tiễn hoạt động đề xuất giải pháp tháo gỡ và triển khai hiệu quả Luật BHXH tới người lao động, hướng tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia là bảo đảm hệ thống BHXH hiện đại để thúc đẩy công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đây sẽ là cơ sở để Tổng Liên đoàn đề xuất với Quốc hội ban hành các chính sách về BHXH phù hợp đối với lao động nữ trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện công đoàn cơ sở, đại diện người lao động đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, liên quan trực tiếp đến quyền lợi người lao động. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi kiến nghị cần có những chính sách khác biệt để tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, khỏa lấp những "khoảng trống" khác biệt giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng BHXH giữa phụ nữ và nam giới; nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện (dự thảo đang để mức hưởng 2.000.000 đồng cho một con khi sinh)…
Đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau (Điều 40 Dự thảo Luật BHXH) theo hướng thời gian hưởng chế độ con ốm đau đối với người lao động có con dưới 10 tuổi và xem xét quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau dựa theo loại bệnh, tình trạng bệnh, mức độ bệnh và xem xét quy định thời gian tính theo số ngày chăm sóc con ốm đau đối với con dưới 15 tuổi; tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 - 9 lần; tăng thêm ngày nghỉ đối với lao động nam khi vợ sinh con được hưởng chế độ thai sản (mỗi trường hợp trên tăng thêm 3 ngày); bổ sung quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản cho các trường hợp hiếm muộn phải nghỉ việc không lương dài ngày để điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền đối với lao động nữ đã có thời gian đóng BHXH 5 năm liên tục trở lên.…
Góp ý về nội dung thời gian nghỉ thai sản, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hải phòng cho rằng: cần tăng thời gian nghỉ thai sản đối với trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 2 tháng (dự thảo quy định là 1 tháng); nghiên cứu tăng thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ mang thai hộ kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ để bảo đảm phục hồi sức khỏe cho người mẹ mang thai hộ...
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường ghi nhận những kiến nghị, đóng góp thiết thực của các đại biểu. Đồng thời làm rõ những thắc mắc của một số ý kiến về thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản; hình thức nghỉ dưỡng thai; mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đối với trường hợp BHXH tự nguyện; tình trạng chậm, nợ đóng BHXH…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận những đóng góp tâm huyết, giá trị từ thực tiễn công tác, nghiên cứu mang tính gợi ý sâu sắc, thiết thực vào Dự thảo Luật BHXH. Đồng thời, nhấn mạnh một số đề xuất góp phần hoàn thiện dự thảo luật như: cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách xã hội; xây dựng luật theo hướng hiện đại, tiến bộ, tránh lạc hậu; có quy định về vấn đề khởi kiện của công đoàn thay cho đoàn viên, người lao động; có chính sách về chậm, nợ đóng BHXH… để bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, đặc biệt với những đối tượng dễ bị tổn thương như lao động nữ.
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động