Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống của mỗi người dân
04/01/2024 09:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chính sách BHYT ra đời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm hướng tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Với trên 93% dân số có thẻ BHYT, có thể khẳng định rằng: Chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, đây là thành quả của toàn ngành BHXH Việt Nam, toàn xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người tham gia chính sách BHYT.
Điểm tựa vững chắc cho người tham gia
Thành công của việc thực hiện chính sách BHYT trong thời gian qua đã khẳng định vai trò của chính sách này trong đời sống xã hội và cuộc sống của Nhân dân.... Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm.
Ngành BHXH Việt Nam phối hợp hiệu quả với Bộ Y tế nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người đi KCB BHYT.
Đến nay, độ bao phủ BHYT đã đạt khoảng 93,35% dân số, tương ứng hơn 93,3 triệu người tham gia, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Việc người dân tham gia BHYT được xem là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành để dành khi ốm", nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật, kể cả những bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn. Tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" không thể thiếu của mỗi người.
Người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới
Những năm qua, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng BHYT. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm hỏi người bệnh, thị sát công tác KCB BHYT tại một số bệnh viện trên cả nước.
Theo đó, danh mục thuốc được Quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Mặc dù các thuốc điều trị cho các bệnh hiểm nghèo đều là các thuốc đắt tiền, có giá lên đến hàng chục triệu đồng cho một liều sử dụng nhưng vẫn được Quỹ BHYT thanh toán. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.
Ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với trên 10.000 dịch vụ), vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật bằng robot, phẫu thuật thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim… Đáng chú ý, một số loại vật tư y tế được quỹ BHYT thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, Quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị Quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,5 triệu/lượt.
Đối với các trường hợp phải chăm sóc đặc biệt sẽ được Quỹ BHYT thanh toán lên tới hàng chục triệu đồng/một đợt điều trị, thậm chí có trường hợp số tiền giường được thanh toán lên đến hằng trăm triệu đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB BHYT
Nhằm triển khai hiệu quả công tác khám chữa bệnh BHYT bằng Căn cước công dân gắn chíp, thời gian qua, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đến nay, toàn quốc toàn quốc đã có 100% cơ sở KCB BHYT (tương ứng với 12.851 cơ sở) triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với trên 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Toàn ngành cũng đã kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; gần 1 triệu doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH thông qua cổng thông tin điện tử.
Ngành BHXH Việt Nam không ngừng đi trước xu thế, ứng dụng CNTT hiệu quả nhằm phục vụ người thụ hưởng ngày càng tốt hơn.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi KCB BHYT, đồng thời giúp quản lý tốt quỹ BHYT, BHXH Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ cho triển khai, đồng thời tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT. Hiện công tác thí điểm cho người tham gia BHYT làm thủ tục KCB BHYT bằng công nghệ quét dấu vân tay, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chíp đang được triển khai tại một số cơ sở KCB BHYT trên cả nước. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện và bổ sung các tính năng hữu ích trên ứng dụng VssID - BHXH số.
Có thể thấy, hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính của Ngành BHXH Việt Nam đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng sách BHYT. Việc thực hiện trên không gian số cũng giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin. Những lợi ích đó cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người thụ hưởng, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
BHYT giảm gánh nặng cho bệnh nhân nghèo
Chính sách BHYT thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Lợi ích của việc tham gia BHYT là trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi tham gia tùy theo đối tượng (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên…); được lựa chọn cơ sở KCB gần địa chỉ nơi đang sinh sống để đăng ký KCB ban đầu và có thể thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu. Khi KCB đúng quy định được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí KCB tùy từng đối tượng. Đồng thời, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí KCB khi không may ốm đau, tai nạn, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài...
Chị Vũ Thị Hường, trú tại tổ 4, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La tham gia BHYT bao năm nay: Từ những năm 2000 chị là công nhân nhà máy xi măng Chiềng Sinh và tham gia BHYT theo diện bắt buộc; năm 2012 nhà máy dừng hoạt động; các chế độ như BHXH, BHYT của chị không được Nhà máy đảm bảo nữa; song nhận thức được tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT chị đã tham gia BHYT hộ gia đình. Năm 2016, chị Hường bị mắc bệnh suy tủy xương, bao lần chạy chữa, mỗi hành trình từ thành phố Sơn La xuống các bệnh viện tuyến trung ương, kinh tế kiệt quệ, bệnh không thuyên giảm và chị cần phải ghép tế bào gốc. Sức khỏe, tiền bạc, tương lai như đổ xuống trước mặt chị và gia đình, như một phép màu, em gái chị Hường có tế bào tương thích và BHYT khi đó chính là chìa khóa giúp gia đình chị vững vàng hơn để đấu tranh với bệnh tật (thay vì phải chi trả hơn 1 tỷ thì nhờ có thẻ BHYT với quyền lợi 5 năm liên tục chị chỉ phải đồng chi trả 300 triệu). Vì vậy, dù kinh tế gia đình cũng chẳng mấy dư dả, nhưng hàng năm chị đều trích ra khoản kinh phí để tham gia BHYT cho cả gia đình”, chị Hường chia sẻ.
Đến với ngôi nhà cuối cùng của một con ngõ nhỏ, gia đình em Tô Thị Thanh Huệ, trú tại tổ 4, phường Quyết Tâm, tôi thấy rõ hơn những khó khăn của gia đình, khi cùng em chống chọi với bệnh tật trong gần 20 năm qua và càng thấy rõ hơn lợi ích mà BHYT đã mang lại cho người bệnh. Dáng người bé nhỏ, khuân mặt thiếu sắc, hiện rõ sự mệt mỏi nhưng qua câu chuyện về hành trình gần 20 năm qua bên cạnh sự đồng hành, động viên của bố mẹ thì BHYT chính là sự hỗ trợ lớn nhất về kinh tế giúp em ổn định sức khỏe. 11 tuổi Huệ bị chẩn đoán mắc bệnh quái ác Lupus ban đỏ; không có cách chữa trị nên Huệ và gia đình xác định sống chung với bệnh và chạy chữa các biến chứng từ bệnh; năm 2017 Huệ bị thiên đầu thống và phải mổ mắt, sau đó em mắc chứng teo dây thần kinh thị giác và một mắt mất hoàn toàn thị lực mắt còn lại còn 2/10. Sức khỏe giảm sút, cuộc sống chỉ còn lại những gam màu tối với những tháng ngày dài chiến đấu với căn bệnh quái ác, song BHYT vẫn luôn đồng hành và hỗ trợ đắc lực cho em và gia đình trong suốt 20 năm qua. Nếu không có BHYT chắc em và gia đình không thể chống chọi được ngần ấy thời gian, Huệ nghẹn ngào nói.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, công tác phát triển người tham gia BHYT vẫn còn một số khó khăn như tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, vẫn còn một số người dân chưa chủ động tham gia do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa ý thức được hết tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Để khắc phục những khó khăn và đảm bảo tính bền vững của tỷ lệ bao phủ cần có những giải pháp đồng bộ và tích cực. Điều đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của Ngành BHXH Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, để BHYT thực sự là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình./.
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động