Thực hiện tốt chính sách BHXH cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/01/2024 04:46 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau Hội nghị Đối thoại giữa BHXH Việt Nam và DN FDI Nhật Bản, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã chia sẻ về những định hướng phát triển BHXH, BHYT tại các DN FDI nói chung và DN FDI Nhật Bản nói riêng.
Phóng viên: Kính Thưa Phó Tổng Giám đốc, cuối tháng 10 vừa qua, BHXH Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Đối thoại với các DN FDI Nhật Bản khu vực phía Bắc. Phó Tổng Giám đốc có thể chia sẻ cụ thể hơn về những đấu ấn nổi bật từ sự kiện này?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, đây là sự kiện được BHXH Việt Nam tổ chức nhằm góp phần vào dấu ấn đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023); tiếp tục góp phần vun đắp cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản lên một tầm cao mới.
Hội nghị đối thoại có sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức chứng năng từ phía Nhật Bản; tiêu biểu như: ông Yamada Takio- Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Sasaki Shohei- Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; ông Kinoshita Tadahiro- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Yoshida Susumu- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; ông Ueda Masaya- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM; ông Tokuaki Shobayashi- chuyên gia Cố vấn chính sách y tế, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của đại diện 130 DN FDI Nhật Bản tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Qua Hội nghị, nhiều vấn đề về tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đã được giải đáp thỏa đáng với các DN FDI Nhật Bản. Cũng từ các nội dung trao đổi, BHXH Việt Nam sẽ tiếp thu, hoàn thiện để trong quá trình triển khai chính sách để phục vụ người dân, NLĐ, DN ngày một tốt hơn.
Đặc biệt, tại sự kiện này, BHXH Việt Nam chính thức cho ra mắt ứng dụng VssID phiên bản tiếng Nhật. Đây là công cụ để giúp cho các doanh nghiệp, người lao động Nhật Bản đang làm việc và tham gia BHXH tại Việt Nam có thể theo dõi cập nhật các thông tin về quá trình đóng, hưởng BHXH một cách thường xuyên liên tục. Qua ứng dụng này, một số thủ tục hành chính về BHXH cũng có thể được thực hiện một cách đơn giản, nhanh chóng ngay từ điện thoại smartphone. Hiện đã có khoảng 32 triệu người lao động đăng ký cài đặt và sử dụng VssID.
Phóng viên: Được biết, đây là lần thứ 2, BHXH Việt Nam tổ chức đối thoại với các DN FDI Nhật Bản. Phó TGĐ có thể chia sẻ thêm về tầm quan trọng của sự kiện này?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Đúng vậy, năm 2022, cũng vào tháng 10, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đối thoại tương tự với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại khu vực phía Nam, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh.
Với sự thành công của Hội nghị năm trước, BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức Hội nghị năm nay. Điều này cũng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH và cũng bởi vì hoạt động sản xuât kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có quy mô rất lớn.
Không chỉ là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam, Nhật Bản hiện còn là quốc gia có số lượng lớn nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với hơn 5.000 dự án đầu tư, tổng số vốn đạt gần 70,97 tỷ USD. Đặc biệt, hiện có hơn 2.100 doanh nghiệp với 547.100 lao động tham gia BHXH, trong đó có 545.500 người lao động Việt Nam, 1.600 lao động nước ngoài. Số thu BHXH tại các đơn vị này chiếm hơn 13% tổng thu của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Từ các số liệu thống kê nói trên, có thể thấy, nhu cầu thực tế về đối thoại, trao đổi thông tin về BHXH, BHYT tại các DN FDI Nhật Bản là rất lớn. Hội nghị đối thoại lần này được tổ chức nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu đó, lan tỏa và tiếp tục tạo thuận lợi cho việc thực hiện BHXH, BHYT cho NLĐ tại hơn 2.100 doanh nghiệp FDI Nhật Bản.
Bên cạnh đó, như đã nói ở phần đầu, năm 2023 còn là năm ghi dấu mốc đặc biệt trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023). Đúng như tinh thần đã được Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam đã nhấn mạnh về quan hệ giữa 2 quốc gia là: “Chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả”.
Với việc tổ chức thành công Hội nghị đối thoại nói trên, BHXH Việt Nam mong muốn cụ thể hóa tinh thần ấy. Đây là minh chứng sinh động thiết thực, góp phần tô đậm thêm mối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, đem lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là những người lao động đang tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Ngành BHXH Việt Nam nỗ lực thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ tại các doanh nghiệp FDI.
Phóng viên: Sau hội nghị đối thoại này, BHXH Việt Nam sẽ có định hướng như thế nào để tiếp tục tăng cường hợp tác về BHXH, BHYT với các tổ chức đối tác của Nhật Bản?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Trong xu thế toàn cầu hóa nói chung và quan hệ song phương ngày càng gắn kết giữa Việt Nam - Nhật Bản nói riêng, người lao động có xu hướng dịch chuyển ngày càng nhiều hơn. Thực tế hiện nay, đang có khoảng 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản; gần 24.000 người Nhật Bản sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Trong xu thế đó, đòi hỏi việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT phải được triển khai theo hướng hợp tác liên quốc gia. Cụ thể, các hiệp định song phương về BHXH, cần được ký kết để bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động.
Thực tế là từ năm 2018 đến nay, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tổ công tác về Hiệp định BHXH Việt Nam- Nhật Bản; thường xuyên trao đổi thông tin và tình hình thực hiện chính sách BHXH tại mỗi nước. Bước đầu đã dự kiến lộ trình, xây dựng hiệp định mẫu và các thủ tục tiếp theo trước khi hai nước chính thức khởi động đàm phán Hiệp định song phương về BHXH.
Có thể khẳng định rằng, đây sẽ là một mốc mới trong quan hệ hợp tác về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân hai quốc gia.
Phóng viên: Xin được mở rộng vấn đề hơn một chút. Được biết, trong những năm gần đây, không chỉ là với doanh nghiệp của Nhật Bản, BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp FDI. Vậy thông điệp mà BHXH Việt Nam muốn gửi gắm qua những sự kiện này là gì?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Theo xu hướng toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài các mục tiêu cùng phát triển kinh tế, việc đảm bảo an sinh xã hội, nhất là quyền lợi BHXH, BHYT của người lao động Việt Nam cũng như người lao động của các quốc gia khác cũng vô cùng quan trọng.
Cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng, lợi ích về an sinh hay các quyền lợi BHXH, BHYT cho người lao động mới thực sự có ý nghĩa; suy cho cùng đây mới là mục tiêu quan trọng của phát triển kinh doanh sản xuất; là yếu tố để đảm bảo hợp tác kinh tế bền vững cho cả các bên.
Trong tiến trình đó, BHXH Việt Nam - với vai trò là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện BHXH, BHYT, luôn mong muốn được mở rộng quan hệ song phương, đa phương về phát triển BHXH, BHYT.
Ngay như với ứng dụng VssID, không chỉ có phiên bản tiếng Nhật, hiện chúng tôi đã xây dựng phát triển các phiên bản tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Trung. Qua đó đáp ứng các nhu cầu ngày một đa dạng từ quá trình hợp tác song phương, đa phương về BHXH, BHYT.
Việc tổ chức thường xuyên các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp FDI, đây cũng là yêu cầu để cụ thể hóa chiến lược đối ngoại của BHXH Việt Nam. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong muốn tạo diễn đàn để thường xuyên được lắng nghe các ý kiến mang tính tương tác, đa chiều từ phía các doanh nghiệp; qua đó để hoàn thiện hơn, mục tiêu cuối cùng để thực hiện ngày một tốt hơn chính sách BHXH, BHYT cho người lao động, bao gồm cả người lao động của Việt Nam cũng như người lao động của các quốc gia khác.
Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động