GỬI VÀO TƯƠNG LAI
17/04/2020 04:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi. Số năm bà được hưởng lương hưu đến nay đã gần bằng số năm công tác của bà. Ở độ tuổi như bà, nhiều người vẫn phải lao động vất vả mới đủ tiền trang trải cuộc sống bởi họ không có lương hưu.
Trong khi, với mức lương hưu hằng tháng, ngoài chi tiêu hằng ngày, bà vẫn còn dư dả “đồng vào đồng ra” mua quà cho cháu. Trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, mẹ tôi được quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) trả kinh phí để cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh theo BHYT. Cũng theo quy định hiện hành, người có lương hưu khi mất được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất...
Chuyện của mẹ tôi là chuyện của bao người những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước giờ vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong lúc khó khăn của đất nước, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô tan rã, họ phải quyết định chọn nghỉ việc hưởng BHXH một lần hay tiếp tục làm việc để có lương hưu. Đến giờ, tất cả những người quyết định tiếp tục làm việc để có lương hưu đã không ai phải hối tiếc.
Dịch Covid-19 thời gian qua gây khó khăn nhất định với nhiều người lao động (NLĐ). Họ bị cắt giảm lương, việc làm, có người mất việc. Từ thực tế đó, thay vì chờ đủ tuổi để lĩnh lương hưu, đã có nhiều người chọn đăng ký hưởng BHXH một lần. Thậm chí một số người đã bán sổ BHXH của mình để cho người khác trục lợi trên chính sức lao động của mình. Đành rằng, thông cảm và sẻ chia với NLĐ, bởi khó khăn họ mới phải làm thế. Tuy vậy, dù khó khăn nhưng chỉ là nhất thời và không phải không có cách để vượt qua. NLĐ cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc thấu đáo quyết định của mình, bởi phần thiệt thòi lớn sẽ thuộc về họ. Chỉ những người trong cuộc, từng trải qua những biến cố, như: Ốm đau, bệnh tật, tuổi già... mới hiểu hết giá trị của việc có lương hưu.
Hưu trí là một chính sách an sinh xã hội rất nhân văn của Nhà nước, nó cũng thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Hiểu một cách khái quát: Nó là tiền tích lũy cho tuổi già. Qua phép thống kê sẽ thấy người lĩnh BHXH một lần rất thiệt: Bình quân hằng tháng NLĐ đóng 22% mức lương vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương ứng với khoảng 2,64 tháng lương/năm. Nhưng khi nhận BHXH một lần, họ chỉ được 1,5 tháng lương bình quân/năm cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng bình quân/năm cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trong số 22% NLĐ đóng, họ chỉ phải góp vào 8%; 14% còn lại là chủ sử dụng lao động đóng. Điều này không phải NLĐ nào cũng biết.
Khi hưởng BHXH một lần, họ sẽ mất đi rất nhiều quyền lợi khác, như: BHYT, tiền tử tuất, trợ cấp tử tuất cho người thân... Đặc biệt, không có lương hưu, ở tuổi già, NLĐ sẽ đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi viện phí và chi phí điều trị khi mắc bệnh nặng. Lúc đó, họ trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Với một quốc gia, đối mặt với tình trạng đó cũng có nghĩa an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguy hiểm hơn, khi bán sổ BHXH cho người khác, họ chỉ nhận được phần tiền ít hơn nhiều so với quy định chi trả của Nhà nước. Những vụ việc mua bán sổ BHXH thời gian qua cho thấy, không chỉ NLĐ thiệt thòi mà đây còn là việc làm vi phạm pháp luật. Điều này đòi hỏi hành lang pháp luật cần siết lại chặt hơn, tránh sự trục lợi từ kẽ hở này.
Hơn lúc nào hết, chúng ta cần chú trọng tuyên truyền, giải thích, cảnh báo để NLĐ hiểu hết về giá trị của BHXH và những vấn đề liên quan đến pháp luật trong lĩnh vực này. Thực hiện tốt an sinh xã hội của Nhà nước cũng là thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, là bảo vệ cho các thành viên trong xã hội.
NGUYỄN HÀ MY (QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động