Nâng mức hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện: Yêu cầu từ thực tiễn

11/09/2020 04:48 PM


Với quan điểm thực hiện BHXH toàn dân, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/05/2018 của Ban Chấp hành Trung ương quán triệt mục tiêu thực hiện BHXH tự nguyện, đến năm 2021, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 01% lực lượng lao động trong độ tuổi, đến năm 2025 đạt 2,5%, năm 2030 đạt 5%.

 

(Ảnh minh họa)

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2008, số tham gia BHXH tự nguyện là 6.000 người; trong đó chủ yếu là số đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó (tiếp tục đóng để đủ điều kiện hưởng lương hưu) và một số ít nông dân tham gia BHXH nông dân tại Nghệ An được chuyển sang tham gia BHXH theo hình thức mới. Qua năm đầu tiên thực hiện, số tham gia tăng lên và đạt 41.000. Các năm tiếp theo, số BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng song không nhiều, luôn được đánh giá là còn rất thấp so với tiềm năng, quy mô lực lượng lao động tự do, nông dân – nhóm thuộc diện tham gia.


Đáng chú ý, năm 2016, do có sự thay đổi theo quy định mới tại Luật BHXH 2014, nhóm cán bộ không chuyên trách cấp xã từ diện tham gia BHXH tự nguyện (được hỗ trợ tham gia) sang thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; số tham gia BHXH tự nguyện giảm xuống so với năm trước đó; từ 218.000 người năm 2015, đến hết năm 2016, giảm xuống còn 204.000 người. Năm tiếp theo, sự tăng trưởng tiếp tục được duy trì trở lại, số tham gia năm 2017 đạt 224.000 người và đến năm 2018 đạt 271.000 người. …

Từ những con số và khái quát quá trình thực hiện BHXH tự nguyện nêu trên, cho thấy những khó khăn mang tính đặc thù trong công tác này. Dù có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng luôn được đánh giá ở mức thấp so với tiềm năng (với khoảng 18 triệu lao động, chưa tính số lao động nông nghiệp); số tham gia chủ yếu là từ BHXH bắt buộc chuyển sang, tiếp tục đóng một thời gian ngắn để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, những năm qua các cấp Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH. BHXH Việt Nam có nhiều đổi mới đột phá trong tổ chức thực hiện như: Tăng cường ứng dụng CNTT; đơn giản thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý, cộng tác viên; đặc biệt từ năm 2019 phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức các Hội nghị với người dân để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.

Từ năm 2018 khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277 nghìn người, tăng 23,6% so với năm 2017. Đặc biệt từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và với những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574 nghìn người, tăng trên 296 nghìn người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018 và đến hết tháng 7/2020, đạt trên 737 nghìn người, tăng trên 163 nghìn người, tương ứng tỷ lệ tăng trên 28% so với năm 2019 và đạt tỷ lệ 1,5% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động.

Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo năm 2018 là 2,93 nghìn người, chiếm 1,05% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện là 4,39 nghìn người, chiếm 1,58% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện; năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ gia đình nghèo là trên 6,5 nghìn người, chiếm 1,13% và số người thuộc hộ gia đình cận nghèo là 9,7 nghìn người, chiếm 1,70% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo thống kê, trong năm 2019 vừa qua, các địa bàn tỉnh, thành phố có số người tham gia BHXH tự nguyện lớn nhất bao gồm: Nghệ An có khoảng 49.410 người; Hà Nội có khoảng 35.000 người; Thanh Hóa, 30.080 người; TP. Hồ Chí Minh 23.500 người; Hải Dương 19.800 người; Hải Phòng 15.290 người… Xét về mức độ hoàn thành kế hoạch giao, BHXH các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất bao gồm: Bình Dương 148,4%; Bình Phước 133,5%; TP. Hồ Chí Minh 126,3%; Đắk Nông 126,2%; Kon Tum 124,9%; Hưng Yên 120,6%... Ngoài ấn tượng từ con số 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 và con số 737.000 tham gia đến thời điểm hiện nay, sự “góp mặt” với nhiều đơn vị BHXH tỉnh, thành phố phân bố ở khắp cả 03 miền Bắc, Trung Nam, từ các tỉnh, thành phố công nghiệp phát triển cho đến đồng bằng, khu vực miền núi, Tây Nguyên….

Tuy nhiên, so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là số người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện 02 năm qua chỉ chiếm dưới 03% so với tổng số người tham gia BHXH tự nguyện. Nguyên nhân là:

- Về chính sách: Mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện thấp (hiện người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30%, tương ứng 46.200 đồng/tháng; hộ cận nghèo được hỗ trợ 25%, tương ứng 38.500 đồng/tháng; các đối tượng còn lại được hỗ trợ 10%, tương ứng 15.400 đồng/tháng. Số tiền hỗ trợ năm 2018 là 25.496 triệu đồng, năm 2019 là 90.467 triệu đồng và dự kiến năm 2020 là 170.000 triệu đồng; thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu còn dài (đủ 20 năm trở lên và đủ 55 tuổi đối với nữ, đủ 60 tuổi đối với nam).

- Về tổ chức thực hiện: Sự quan tâm vào cuộc của một số chính quyền các cấp, các ngành và BHXH tại một số địa phương trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện còn chưa quyết liệt; thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định, trong khi đó hầu hết các địa phương chưa bố trí hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; người dân còn mong muốn Nhà nước có thêm chế độ, chính sách BHXH tự nguyện ngắn hạn khác, như: ốm đau, sinh con, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp để có nhiều lựa chọn khi tham gia BHXH tự nguyện.

Để hoàn thành mục tiêu phát triển BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (đến năm 2021 có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 01%; đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% và đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 05%),cùng với việc nghiên cứu tiếp tục đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện, phối hợp với Bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu; bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, hạn chế số người đang tham gia nhưng vì không có điều kiện tiếp tục tham gia đã phải dừng đóng, hưởng BHXH một lần, cụ thể: Nâng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% đối với hộ nghèo; từ 25% lên 30% đối với hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Theo dự kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Công văn số 2602/UBVĐXH14 ngày 18/3/2020 gửi Chính phủ kiến nghị giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH đối với người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam, cũng như dự kiến của BHXH Việt Nam về kế hoạch tài chính - ngân sách 05 năm, giai đoạn 2021-2025, nếu Nhà nước hỗ trợ theo mức đề nghị này thì số người tham gia BHXH tự nguyện dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 3,6 triệu người; đến năm 2030 dự kiến đạt 8,9 triệu người. Số tiền chi hỗ trợ tăng dần từng năm đến năm 2025 ở mức 1.167 tỷ đồng (chiếm 0,3% tổng chi cho an sinh xã hội) và đến năm 2030 ở mức 3.141 tỷ đồng (chiếm 0,71% tổng chi cho An sinh xã hội).

Dương Văn Hào

Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam)

Hình ảnh hoạt động