BHXH tự nguyện: Ngày càng lan tỏa

15/04/2022 04:02 PM


Không có nguồn thu nhập ổn định, không nơi nương tựa… sẽ khiến nhiều lao động tự do sẽ phải đối mặt với rủi ro trong cuộc sống, nhất là khi tuổi cao sức yếu. Hiểu rõ điều này, nhiều người đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để sau này có lương hưu, có thẻ BHYT, ổn định cuộc sống...

Bình yên cho tuổi già

Kể từ ngày 1/1/2022, lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng được điều chỉnh tăng thêm 7,4% so với mức lương hưu của tháng 12/2021. Ngay sau khi thông tin về Nghị định 108/2021/NĐ-CP được công bố, đường dây nóng của cơ quan BHXH đã nhận rất nhiều cuộc gọi hỏi về thời điểm điều chỉnh và thời điểm được nhận lương mới. Ai cũng háo hức được nhận trước Tết để có thể chuẩn bị một cái Tết tươm tất hơn.

Tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia BHXH tự nguyện của người dân

Không để NLĐ phải chờ đợi, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh, chi trả 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 1 và 2/2022 (theo mức lương đã điều chỉnh tăng tại Nghị định 108/2021/NĐ-CP) vào cùng một kỳ chi trả tháng 1/2022. Những chính sách trên được nhiều chuyên gia an sinh đánh giá là kịp thời, nhân đôi niềm vui cho những người đang hưởng lương hưu.

Có mặt tại Nhà Văn hóa để đợi nhận lương hưu theo mức điều chỉnh mới ngay những ngày đầu năm 2022, ánh mắt ông Đặng Văn Hảo (82 tuổi, trú tại phường Đội Cung, TP.Vinh, Nghệ An) ánh lên niềm vui. “Tôi về hưu năm 1990, mức lương cũ hơn 4,8 triệu đồng, nay còn được tăng thêm 7,4% nữa. Nhu cầu sống của tôi không nhiều, nhưng giá cả bây giờ đều leo thang, mình có thêm để đỡ đần cho con cháu trong thời điểm dịch bệnh là điều rất phấn khởi”- ông Hảo chia sẻ.

Niềm vui đó cũng khiến không khí tại điểm chi trả lương hưu tại phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thêm phần ấm cúng. Bà Nguyễn Thị Lan đếm xong số tiền vừa nhận, rồi nghẹn ngào kể: “Chồng tôi là thương binh, một đứa con bị nhiễm chất độc da cam, cháu cũng đang bị ung thư mắt. Cả gia đình trông cả vào 2 suất lương hưu của vợ chồng tôi, nhất là trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, không làm ăn, buôn bán gì được. Nay Nhà nước điều chỉnh tăng lương, tôi phấn khởi lắm. Với hoàn cảnh của tôi, tăng một đồng cũng là quý giá lắm!”.

Cùng cảm xúc, bà Trần Thị Hà (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) cũng đón thông tin tăng lương với bao kỳ vọng. Vì lý do sức khỏe, bà Hà phải nghỉ việc sớm, rồi chuyển sang đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu tuổi xế chiều. Gia đình thuộc diện cận nghèo, chồng là lao động tự do nên thu nhập bấp bênh, con vẫn đang đi học, nên số tiền lương hưu gần 3 triệu đồng của bà được xem là khoản thu nhập cố định để trang trải học phí và trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. “Vì dịch kéo dài, chồng tôi không có thu nhập, chi phí học tập của con gái út cũng cao hơn, nên nhiều lúc tôi cảm thấy rất bế tắc. Chính sách tăng lương cho những người hưởng hưu như chúng tôi thực sự rất nhân văn, kịp thời”- bà Hà trải lòng.

Lan tỏa mạnh mẽ

Hiểu rõ tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện, nên thời gian qua có rất nhiều người đã lựa chọn tham gia chính sách này những mong sau này có lương hưu để ổn định cuộc sống... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp nhiều người có được “tấm hộ chiếu” để tuổi già được sống an yên.

Nhờ tham gia BHXH tự nguyện nên nhiều người đã có lương hưu (Ảnh minh họa)

Tham gia BHXH tự nguyện khi đã ngoài 50 tuổi (từ năm 2021), nhưng với anh Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1964, xã Hy Cương, TP.Việt Trì, Phú Thọ) “dù muộn vẫn còn hơn không”. “Đến khi đủ tuổi về hưu, tôi sẽ tham gia đóng nốt những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu, an nhàn tuổi già”- anh Việt tự tin khẳng định. Không chỉ tham gia cho mình, anh còn tích cực lan tỏa chính sách này đến những người quen biết.

Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Được anh Việt chia sẻ về chính sách BHXH tự nguyện, anh Bùi Trung Toản (cùng trú tại xã Hy Cương) đã nhanh chóng liên hệ với cán bộ Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh Phú Thọ) để được tư vấn chi tiết. Sau khi hiểu rõ tính ưu việt của chính sách này, anh Toản quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng. Dù vợ ngần ngại do buôn bán khó khăn, nhưng anh Toản vẫn kiên quyết tham gia, với niềm tin vào chính sách đầy tính nhân văn của Đảng và Nhà nước. “Đợt này làm ăn, buôn bán khó khăn, nên anh tham gia với mức đóng khoảng 500.000 đồng/tháng và đóng theo tháng. Sau này làm ăn khá hơn sẽ tăng mức đóng lên và đóng theo quý hoặc theo năm cho dễ theo dõi”- anh Toản tính toán.

Cũng giống như trường hợp anh Toản, bà Nguyễn Thị Liên (TP.Phủ Lý, Hà Nam) vẫn duy trì đóng BHXH hằng tháng. Bà Liên chia sẻ: “Trước đây, tôi từng tham gia BHXH bắt buộc hơn 10 năm tại một DN. Lúc đầu, tôi cũng đã có ý định rút một lần. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ BHXH tư vấn, tôi quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện”. Đợt giãn cách, cửa hàng ăn sáng của bà Liên phải tạm đóng cửa, nhưng bà vẫn cố gắng duy trì tham gia BHXH tự nguyện. “Thành quả tích cóp của tôi đã ở trước mắt rồi. Chỉ vài tuần nữa là đủ năm tham gia BHXH để nhận lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng”- bà Liên vui mừng bảo.

Tham gia BHXH tự nguyện là một hình thức tích cóp, tiết kiệm để về già có nguồn thu nhập ổn định. Lương hưu và thẻ BHYT thực sự là chỗ dựa vững chắc nhất cho người tham gia BHXH tự nguyện khi tuổi cao, giúp họ tự tin vào cuộc sống.

Hà Thủy- Mai Hồng Ngọc

Hình ảnh hoạt động