Khi ước mơ thành hiện thực

27/02/2021 05:00 PM


Không có nguồn thu nhập ổn định, không BHXH, BHYT và không có gì đảm bảo cho cuộc sống khi chẳng may gặp “sự cố”… là những rủi ro mà nhiều NLĐ tự do phải đối mặt. Thấu hiểu điều này, không ít người trong số họ đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện, để hiện thực hóa ước mơ có lương hưu, ổn định cuộc sống sau này.

Ước mơ…

Sống trong căn phòng trọ chưa đầy 10 mét vuông tại làng Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Minh (74 tuổi, quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) không nhớ nổi mình đã thuê trọ ở đây được bao nhiêu năm. Không con cái, không người thân, bà bỏ quê lên Thủ đô với mong muốn được đổi đời, nhưng số phận trớ trêu khiến bà trở thành người vô gia cư. Cũng do không việc làm ổn định, bà thường được người trong xóm trọ chở ra phố bán hàng rong.

“Trước đây không có chỗ ở, tôi trú tạm tại các chân cầu, công viên. Do sức khỏe yếu không thể làm được những việc nặng nên tôi đành…”- nói đến đây mắt bà Minh đỏ hoe. Rồi bà thở dài nói tiếp: “Nếu có lương hưu thì cuộc đời tôi cũng không khổ đến nông nỗi này”...

Còn anh Lê Văn Trường (42 tuổi, quê Nghệ An) đi làm tự do tại Hà Nội đã hơn 6 năm. Từ khi ra Hà Nội bươn chải đến nay, ngoài lương được chủ thầu xây dựng trả, anh Trường không có thêm chế độ gì, ngay cả ký HĐLĐ cũng không có. Sau khi trừ các khoản ăn ở, số tiền còn lại anh dành dụm gửi về quê nuôi 2 đứa con đang còn đi học. Anh Trường cho hay, trong tương lai anh sẽ cố gắng dành dụm để có thể tham gia BHYT, còn tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu thì anh chưa tính tới. “Lắm lúc cũng nghĩ giá như mình ăn học tử tế, có thu nhập ổn định để tham gia BHXH thì sau này chắc sẽ bớt khổ. Nếu có thể, tôi cũng sẽ tham gia BHXH tự nguyện, nhưng chắc còn xa lắm”- anh Trường nói thêm.

Hàng ngày, ở Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác vẫn có hàng triệu NLĐ tự do kéo đến tìm việc làm. Với họ, ngoài những khó khăn như công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp, thì điểm chung họ phải đối mặt là ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản, nhất là BHYT. Còn riêng với BHXH tự nguyện thì dường như vẫn là điều ước mà họ chưa với tới.

Điểm tựa tuổi xế chiều

Nếu như trước đây chỉ có những CBCCVC làm việc trong các cơ quan nhà nước hoặc những NLĐ có hợp đồng dài hạn tại các cơ quan, đơn vị, DN mới được tham gia đóng BHXH để được hưởng lương hưu, thì từ năm 2008 trở lại đây- khi Nhà nước ban hành chính sách BHXH tự nguyện, tất cả mọi đối tượng trong xã hội từ đủ 15 tuổi trở lên đều có quyền tham gia đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện. Đây được coi là hình thức chủ động tích lũy của nhiều người dân, khi họ không muốn phụ thuộc vào con cái lúc hết tuổi lao động.

Là người làm kinh tế giỏi, anh Nguyễn Đức Hòa (32 tuổi, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho cả 2 vợ chồng. Theo anh Hòa, với việc làm trang trại, vợ chồng anh đều có thu nhập ổn định, nên cũng muốn tham gia một loại hình bảo hiểm để có tích lũy cho tương lai. Sau khi lên mạng tìm hiểu, anh quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 1 triệu đồng/tháng cho cả 2 vợ chồng. “Dù còn trẻ nhưng vợ chồng tôi vẫn tham gia với mong muốn sau này có lương hưu và có một cuộc sống ổn định”- anh Hòa chia sẻ.

Có thể thấy, khái niệm lương hưu giờ không còn xa lạ với người dân. Chỉ cần bỏ ra hơn 100.000 đồng/tháng, đóng đủ 20 năm, người dân sẽ được hưởng lương hưu. Con số này có lẽ chỉ là bữa ăn sáng với một số người, nhưng lại là niềm ao ước của rất nhiều NLĐ tự do, hàng ngày đang phải gồng mình với vòng xoáy “cơm áo gạo tiền”…

Từng làm kế toán trong một DN, đầu năm 2020, cô Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do mới tham gia BHXH được 15 năm, nên cô chưa được hưởng lương hưu hằng tháng. Đúng thời điểm này, cô được cán bộ BHXH tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. “Hết tuổi lao động được về hưu, sống cuộc sống an nhàn là điều bất kỳ ai đều mong muốn, nên khi biết đến BHXH tự nguyện, cô quyết định tham gia và đóng gộp cho cả 5 năm để được hưởng lương hưu ngay”- cô Hoa chia sẻ.

Theo cô Hoa, mức lương hưu được hưởng hằng tháng của cô là hơn 2 triệu đồng. Số tiền lương hưu này dù không nhiều nhưng được cô xem như “điểm tựa” giúp mình yên tâm hơn. “Trước đây, ai cũng bảo lĩnh BHXH một lần để lấy tiền gửi ngân hàng, nhưng cô nhất quyết tham gia BHXH tự nguyện. Dù số tiền lĩnh hàng tháng không quá lớn, nhưng nó lại làm mình vui vẻ hơn, không phải tính toán hàng ngày, không phải tự ti với những người bạn trong xóm đều có lương hưu. Quan trọng nhất là mình không phải dựa dẫm vào con cái những lúc ốm đau, bệnh tật nữa”- cô Hoa bộc bạch.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn (65 tuổi, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) từng làm bảo vệ tại một trường học trên địa bàn, trước đây ông cũng đắn đo về việc có nên nhận BHXH một lần hay không. Sau khi được bạn bè tư vấn, ông quyết định tham gia BHXH tự nguyện để có khoản lương hưu hơn 3 triệu đồng/tháng. “Khi về già, mỗi người thường có 3 nỗi lo: Con cái, sức khỏe và tài chính. Lương hưu sẽ giúp mỗi người giảm nhẹ áp lực trên. Tôi vẫn luôn tự hào về việc mình có lương hưu, không trở thành gánh nặng cho con cái lúc tuổi già. Tôi vẫn dặn con cháu rằng phải luôn nhớ câu “tích cốc phòng cơ”, làm gì cũng phải tham gia BHXH để sau này có lương hưu, được cấp thẻ BHYT…”- ông Sơn cho biết.

Hoài Anh (Tạp chí BHXH)

Hình ảnh hoạt động