“Ðiểm tựa” cho người lao động tự do

04/01/2021 08:00 AM


Năm 2020, thêm nhiều người tham gia BHXH tự nguyện như một cách để xây dựng chỗ dựa lâu dài khi về già. Sự lựa chọn của họ phản ánh niềm tin với một chính sách an sinh xã hội và góp phần lan tỏa chính sách này trong cộng đồng.

Lãnh đạo BHXH TX An Nhơn trao sổ tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động tự do

Chọn cho mình và người thân

Chị Nguyễn Thị Nhơn (40 tuổi, ở khu phố Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn) hiện là chủ của lớp mẫu giáo tư thục Phú Sơn. Chồng chị là thợ cơ khí với một cơ sở nhỏ tại nhà. Vợ chồng chị cũng nhiều năm trăn trở về việc chuẩn bị dần cho tuổi già, giảm gánh nặng cho con cái sau này. Mấy năm trước, chị Nhơn cũng đã tham gia bảo hiểm nhân thọ. 

Gần đây, chị Nhơn được tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện. Khi biết đây là chính sách an sinh, người lao động có thể hưởng lương hưu, mai táng phí và được cấp BHYT trong suốt quá trình hưởng lương hưu, chị Nhơn đặc biệt lưu tâm. Chị tâm sự: “Tôi thấy mức đóng BHXH tự nguyện mỗi tháng rất hợp lý, đặc biệt là có những mức đóng thấp để người lao động thu nhập thấp có thể tham gia. Đây giống như một hình thức bỏ ống heo cho tuổi già của mình nhưng được Nhà nước hỗ trợ với nhiều chính sách kèm theo. Tôi tin tưởng vào chính sách này của Nhà nước và đã quyết định tham gia cho cả hai vợ chồng từ tháng 12.2020”.

Tham gia BHXH bắt buộc ở công ty cũ được khoảng 2 năm thì chị Vương Thị Thu Hằng (33 tuổi, ở phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) nghỉ thai sản, dừng việc. Sau một thời gian chăm sóc con nhỏ, chị quay trở lại với công việc tại một cơ sở kinh doanh khác và nơi này không đóng BHXH cho chị. Được tư vấn từ nhiều nguồn, chị Hằng đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Chị cũng đăng ký BHXH tự nguyện cho cha của mình đang ở tuổi 60.

“Với bản thân mình, tôi đóng ở mức hơn 530 nghìn đồng/tháng. Ba thì tôi đóng mức thấp nhất là 138 nghìn đồng/tháng. Tôi cũng chọn cách đóng 3 tháng/lần từ tháng 11.2020 đến nay. Tôi tin đây là cách để mình giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, có lương hưu để phần nào ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động. Đây cũng là cách để tôi góp phần chăm sóc cho ba khi ông lớn tuổi”, chị Hằng chia sẻ.  

Đóng một lần để hưởng lương hưu

Cuối năm 2020, ông Nguyễn Văn Lục (60 tuổi, ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) đến tuổi về hưu nhưng lại mới chỉ tham gia BHXH bắt buộc 14 năm 9 tháng, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Giữa hai lựa chọn: Nhận BHXH một lần hay tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu, ông đã chọn cách thứ hai. Ông đóng 1 lần BHXH tự nguyện cho khoảng thời gian 4 năm 3 tháng còn lại và sẽ được hưởng lương hưu kể từ tháng 1.2021.

Tổng số tiền đóng BHXH tự nguyện một lần của ông là gần 170 triệu đồng. Đây không phải là số tiền nhỏ đối với một người làm công việc chăm sóc cây xanh tại một DN. Ông Lục bảo: “Với 4 năm 3 tháng, tôi chỉ cần đóng khoảng 43 triệu đồng là đủ điều kiện để hưởng lương hưu tầm 1,3 triệu đồng/tháng. Nhưng mà tôi mong muốn mức lương hưu của mình cao hơn (khoảng 2 triệu đồng/tháng) nên đã đóng thêm số còn lại. Hiện tại, tôi vẫn đi làm nhân viên hợp đồng trong điều kiện sức khỏe còn ổn định. Tiền lương từ công việc, cộng với lương hưu, cuộc sống sẽ ít khó khăn hơn”.

Thông tin từ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính BHXH tỉnh, năm 2020, nhiều trường hợp tương tự như ông Lục đã chọn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu. “Hầu hết các cô chú đều là người lao động có thu nhập vừa phải. Họ rất mong khi về hưu có được khoản thu nhập ổn định hằng tháng để yên tâm. Chính vì thế mà nội dung tư vấn của nhân viên Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính BHXH tỉnh và cấp huyện đều được bà con tiếp nhận và đăng ký tham gia BHXH tự nguyện”, bà Phạm Huỳnh Thị Hồng Vân, Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh cho biết”.

NGUYỄN MUỘI (Báo Bình Định)

Hình ảnh hoạt động