Thực hiện chính sách BHXH tại các khu công nghiệp

12/05/2020 08:34 AM


Đến tháng 12/2019, cả nước có 335 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 96,5 nghìn ha, trong đó 256 KCN đã đi vào hoạt động và 79 KCN đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 53% (tương đương với cùng kỳ năm 2018); riêng các KCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 75%, tăng 2% so với với cùng kỳ năm 2018, thu hút khoảng 3,85 triệu lao động. Cùng với định hướng phát triển khu công nghiệp, các chính sách về nhà ở, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân khu công nghiệp từng bước được hoàn thiện.

(Ảnh minh họa)

Đến nay, nhìn chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện khá tốt chính sách BHXH đối với người lao động, bởi đây là những doanh nghiệp đã nghiên cứu tìm hiểu, chấp hành đầy đủ chính sách pháp luật trước khi vào đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn lớn có thương hiệu luôn đi đầu trong việc quan tâm chăm lo cho người lao động. Một số doanh nghiệp lớn vẫn trong tình trạng thiếu lao động, nên ngoài việc trả lương cao họ cũng quan tâm chăm lo đời sống để thu hút, giữ chân lao động gắn bó với mình.

Đặc biệt, thời gian qua với những nỗ lực rất lớn của ngành BHXH về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tham gia, đóng BHXH và chi trả các chế độ BHXH đã tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp và người lao động nói chung và các lao động ở khu công nghiệp nói riêng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, hằng năm, Ngành BHXH phối hợp với Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Công đoàn các cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tổ chức các buổi đối thoại, tuyên tuyền chính sách đến doanh nghiệp, cán bộ làm chính sách BHXH và người lao động tại các doanh nghiệp FDI trong các KCN. Theo đó, cán bộ BHXH cấp tỉnh đã trực tiếp truyền đạt một số nội dung, thông tin mới điều chỉnh của Luật BHXH, BHYT giúp người sử dụng lao động, cán bộ làm chính sách BHXH tại doanh nghiệp cập nhật, hiểu rõ thêm những thuận lợi để thực hiện cho người lao động thuộc doanh nghiệp mình một cách hiệu quả. Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn đẩy mạnh phối hợp với các ngành, các cấp, các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, … và các cơ quan thông tấn báo chí nhằm kịp thời tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người lao động và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực hiện chính sách BHXH đối với các khu công nghiệp ngày càng tăng cường nhằm hạn chế tối đa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH. Kể từ khi thực hiện Luật BHXH năm 2014, giao thêm quyền cho cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra đóng bước đầu đã góp phần đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ngành BHXH đã kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiên quyết khởi kiện (xử lý hình sự) đối với tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Phối hợp với LĐLĐ tỉnh khởi kiện ra Tòa án đối với các đơn vị nợ kéo dài BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên cung cấp thông tin về nợ BHXH của các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn cho các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. BHXH cấp tỉnh, hằng tháng phân công cán bộ chuyên quản trực tiếp xuống đơn vị hoạt động trong các KCN để đôn đốc, thu hồi nợ, ký biên bản đối chiếu thu nộp BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị có số nợ từ 03 tháng trở lên.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH ở các khu công nghiệp còn một số hạn chế như:

(i) Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp cố tình nợ đọng, nợ kéo dài hoặc chậm nộp tiền BHXH, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động;

(ii) Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến người lao động, người sử dụng lao động có thể không hiểu hết về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia cũng như khi thụ hưởng chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện;

(iii) Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp có khi chưa đồng bộ, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu để có thể kịp thời đôn đốc, theo dõi việc tham gia chính sách BHXH của doanh nghiệp, đảm bảo tốt quyền và lợi ích chính đáng của người lao động;

(iv) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở một số địa phương chưa thực sự thường xuyên để hướng dẫn thực hiện chính sách cũng như xử lý những hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong chính sách BHXH.

Để thực hiện tốt hơn chính sách BHXH đối với lao động ở các khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, theo chúng tôi cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, các cơ quan có liên quan cần xem xét theo dõi chỉ tiêu thống kê, cơ sở dữ liệu riêng về lao động ở các khu công nghiệp, lao động tham gia BHXH, lao động hưởng chính sách BHXH,… để có thể xem xét, nghiên cứu chính sách riêng đối với lao động khu công nghiệp, đặc biệt việc tham gia BHXH tự nguyện, BHXH bổ sung…

Thứ hai, tăng cường và nâng cao chất lượng tuyên truyền sâu rộng, cụ thể quyền, nghĩa vụ của chính sách, chế độ BHXH tự nguyện, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội phải làm chuyển biến cho chính thành viên của tổ chức mình tham gia BHXH trước để từ đó vận động người khác cùng tham gia. Làm như vậy mới thể hiện trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống Nhân dân... để người dân biết được tính ưu việt, nhân văn của chính sách này, nắm được quy trình thủ tục tham gia và hưởng chế độ.

Cần phải làm thay đổi nhận thức của người lao động và toàn xã hội về chính sách BHXH theo mục tiêu của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về An sinh xã hội vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động để bảo đảm An sinh xã hội trước những rủi ro có thể xảy ra trong và sau cuộc đời lao động. Quỹ BHXH của mỗi người dân chính là của để dành, tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già. Quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, quản lý tập trung, đầu tư tăng trưởng để bảo toàn quỹ và công khai, minh bạch. BHXH là chính sách trụ cột chính của an sinh xã hội mang tính bền vững và là một biện pháp an sinh xã hội chủ động, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, tiếp tục đơn giản các thủ tục hành chính trong các cơ quan cung cấp dịch vụ công, đặc biệt đối với ngành BHXH cần đảm bảo việc giao dịch "Một cửa", ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giao dịch hành chính, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện của người lao động nói riêng và người dân nói chung.

Thứ tư, các ngành có liên quan như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, BHXH… cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó cần tập trung vào các nội dung về tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện, hỗ trợ đối tượng tham gia về phí đóng góp định kỳ.

Thứ năm, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH: hoàn thiện pháp luật và nâng cao tính tuân thủ pháp luật; hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan BHXH Việt Nam với chức năng là cơ quan dịch vụ công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật; bảo đảm tính bền vững của hệ thống BHXH gắn chặt với nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và đẩy mạnh cải cách ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống cơ quan BHXH, hoàn thiện và hiện đại hóa công nghệ thông tin. Đảm bảo cân đối tài chính Quỹ BHXH, đầu tư tăng trưởng có hiệu quả theo nguyên tắc bảo tồn quỹ, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch. Bảo đảm sự liên kết, chia sẻ giữa quỹ ngắn hạn và quỹ hưu trí dài hạn.

TS.Bùi Sỹ Tuấn

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

(Tạp chí BHXH)

Hình ảnh hoạt động