Nhiều điểm mới trong khám chữa bệnh BHYT
28/12/2020 05:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ông Võ Năm, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Năm 2021, nhiều chính sách mới về BHYT sẽ được triển khai, để tạo điều kiện cho người dân khi tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, cùng với đó cũng nảy sinh một số vướng mắc.
● Cụ thể, những thay đổi về BHYT sẽ được áp dụng từ năm 2021, thưa ông?
- Năm 2021, sẽ có 3 thay đổi quan trọng liên quan đến BHYT mà người dân cần lưu ý.
Thay đổi quan trọng nhất và có hiệu lực ngay từ ngày 1.1.2021 đó là người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh (KCB) sẽ được hưởng 100% chi phí KCB trái tuyến nội trú đối với tuyến tỉnh. Đây là một trong những chính sách KCB BHYT mang lại niềm vui lớn cho người tham gia BHYT trên cả nước. Cụ thể, theo khoản 3, Điều 22, Luật BHYT 2014 sửa đổi, bổ sung, người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến (thẻ đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB khác, nhưng không có giấy chuyển tuyến; không phải trường hợp cấp cứu) tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh trong cả nước được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú trong phạm vi và quyền lợi được hưởng của nhóm đối tượng tham gia BHYT (hiện chỉ thanh toán 60%). Chính sách này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến từ dưới lên trên như trước đây. Quy định mới chỉ áp dụng khi điều trị nội trú.
Thay đổi thứ hai là sử dụng mẫu thẻ BHYT mới với nhiều tiện ích từ ngày 1.4.2021. Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, mẫu thẻ BHYT mới sẽ được sử dụng thống nhất cả nước. Tuy nhiên, thẻ BHYT đã cấp còn thời hạn sử dụng trước ngày này vẫn được dùng để KCB BHYT. Mẫu thẻ BHYT mới có nhiều ưu điểm như: Kích thước nhỏ hơn, được ép plastic sau khi in để người dân dễ dàng mang theo cũng như bảo quản; mã số thẻ ngắn gọn với 10 ký tự (hiện nay là 14 chữ số) giúp thực hiện thủ tục nhanh chóng; thêm thông tin nơi cấp, đổi thẻ để người dân tiết kiệm thời gian tìm kiếm; hướng dẫn tra cứu thông tin về thẻ, kiểm tra chi phí KCB, tổng đài tư vấn giải đáp thắc mắc…
Điểm mới thứ ba là từ ngày 1.7.2021, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình. Điều này được đề cập tại Luật Cư trú năm 2020.
● Người dân rất quan tâm về chính sách hưởng 100% chi phí KCB BHYT trái tuyến ở tuyến tỉnh, cụ thể tại Bình Định thực hiện như thế nào?
- Tại Bình Định, bệnh nhân tham gia BHYT có thẻ đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB khác trong tỉnh hoặc ngoài tỉnh khi đến điều trị nội trú tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh được hưởng quyền lợi KCB BHYT như đúng tuyến, bao gồm: BVĐK tỉnh, BVĐK khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện Quân y 13, Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Quy Nhơn, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần…
● Tuy nhiên, dự báo việc triển khai thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến tỉnh sẽ làm tăng lượng bệnh nhân, dẫn đến bất cập trong giao dự toán chi KCB BHYT tại các cơ sở tuyến tỉnh...?
- Việc thực hiện thông tuyến KCB BHYT tại bệnh viện tuyến tỉnh trong toàn quốc, mức hưởng trong điều trị nội trú của người tham gia BHYT khi tự đi KCB không đúng tuyến được tăng từ 60% lên 100% theo quyền lợi được hưởng của từng đối tượng. Điều này dự báo khả năng sẽ gia tăng chi phí KCB BHYT và tăng số lượng bệnh nhân BHYT đến điều trị nội trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, nguy cơ dẫn đến quá tải.
Từ ngày 1.1.2021, điều trị nội trú không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh vẫn được chi trả 100% chi phí BHYT trong phạm vi, quyền lợi được hưởng của từng đối tượng tham gia BHYT.
- Trong ảnh: Bệnh nhân KCB BHYT tại BVĐK tỉnh.
Riêng về vấn đề quỹ KCB BHYT, năm 2021 sẽ có thay đổi về phương thức thanh toán BHYT (theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan - DRG). Trong khi đó, mệnh giá thẻ BHYT không tăng và số lượng người tham gia BHYT ngày càng tăng cao (năm 2020 tỷ lệ trên 95%), nên có nguy cơ vượt dự toán năm 2021 nếu không được tính toán bổ sung hợp lý.
● Với những tác động đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần chuẩn bị những gì để hạn chế?
- Bộ Y tế đã có Chỉ thị 25/CT-BYT, ngày 21.12.2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng KCB BHYT, đặt quyền lợi người bệnh lên trên. Về mặt tâm lý, người bệnh luôn muốn lên tuyến trên cho yên tâm, nhưng chỉ định điều trị lại là quyền của bác sĩ. Bệnh nhân thực sự cần điều trị nội trú thì chỉ định nội trú. Nếu bệnh có thể điều trị ở tuyến huyện, xã cũng nên nói rõ, không nhất thiết phải lên tuyến trên. Các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát lại số giường bệnh, việc kê thêm giường có đúng quy định hay không. Đồng thời truyền thông cho người dân biết chất lượng y tế tuyến dưới đã dần được cải thiện, không thể nghe thông tuyến là đổ về các bệnh viện tuyến tỉnh.
Cơ quan BHXH sẽ phối hợp Sở Y tế giám sát chặt chẽ, có biện pháp ngăn ngừa nếu phát hiện bệnh nhân nhẹ vẫn được chỉ định điều trị nội trú, hoặc có tình trạng lôi kéo người bệnh, thu hút để đưa vào điều trị nội trú. BHXH tỉnh, thành phố sẽ theo dõi, để có đánh giá, kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp nếu gặp vướng mắc.
● Xin cảm ơn ông!
MAI HOÀNG (Báo Bình Định)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động