Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam
05/08/2020 03:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 04/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam.
Theo đó, Nghị định gồm 4 Chương, 13 Điều, có hiệu lực từ 20/9/2020 và thay thế Nghị định 01/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam và hết hiệu lực một phần Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật.
BHXH Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về BHXH, BH thất nghiệp; của Bộ Y tế về BHYT; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT.
Về cơ cấu tổ chức: BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương, gồm có: Ở trung ương là BHXH Việt Nam; Ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc BHXH Việt Nam; Ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực thuộc BHXH tỉnh.
Đáng chú ý, không tổ chức đơn vị BHXH huyện tại đơn vị hành chính là thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, nơi có trụ sở BHXH cấp tỉnh đóng trên địa bàn. BHXH Việt Nam có Tổng Giám đốc và không quá 05 Phó Tổng Giám đốc.
Cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam ở trung ương bao gồm 21 đơn vị: 1. Vụ Tài chính - Kế toán; 2. Vụ Hợp tác quốc tế; 3. Vụ Thanh tra - Kiểm tra; 4. Vụ Thi đua - Khen thưởng; 5. Vụ Kế hoạch và Đầu tư; 6. Vụ Tổ chức cán bộ; 7. Vụ Pháp chế; 8. Vụ Quản lý đầu tư quỹ; 9. Vụ Kiểm toán nội bộ; 10. Ban Thực hiện chính sách BHXH; 11. Ban Thực hiện chính sách BHYT; 12. Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; 13. Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 14. Viện Khoa học BHXH; 15. Trung tâm Truyền thông; 16. Trung tâm Công nghệ thông tin; 17. Trung tâm Lưu trữ; 18. Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; 19. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng; 20. Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH; 21. Tạp chí BHXH.
Các đơn vị quy định từ khoản 1 đến khoản 13 là các đơn vị chuyên môn giúp việc Tổng Giám đốc, các tổ chức quy định từ khoản 14 đến khoản 21 là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính - Kế toán, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kiểm toán nội bộ có 4 phòng; Ban Thực hiện chính sách BHYT, Vụ Thanh tra - Kiểm tra có 5 phòng; Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ có 6 phòng; Văn phòng có 9 phòng, bao gồm đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
BHXH Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn: Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án, đề án khác của BHXH Việt Nam thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án sau khi được phê duyệt; Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật; Thực hiện hợp tác quốc tế về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các hiệp định song phương, đa phương về BHXH thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành BHXH theo quy định; Quản lý tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản;…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/9/2020 thay thế Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định này cũng làm hết hiệu lực thi hành Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Xem chi tiết Nghị định 89/2020/NĐ-CP tại đây./.
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động