Đẩy mạnh chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt

11/06/2020 02:20 PM


BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 1823/KH-BHXH về việc đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, từ năm 2020 đến năm 2025.

Thực hiện Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch “Đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng từ năm 2020 đến năm 2025”.

Mục đích của Kế hoạch nhằm xây dựng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng (bao gồm cả các tổ chức đại lý của ngân hàng) theo nhiệm vụ được phân công tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 149/QĐ-TTg và Chỉ thị số 22/CT-TTg phù hợp với lộ trình phát triển mô hình đại lý ngân hàng, kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ ngân hàng, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Để thực hiện hiệu quả công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, Kế hoạch của BHXH Việt Nam đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương của Chính phủ, của Ngành về việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng; tập trung tuyên truyền về hiệu quả, lợi ích của việc chi trả không dùng tiền mặt, quy trình, thủ tục thực hiện; các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy trình chi trả các chế độ BHXH, BH thất nghiệp và quản lý người hưởng nhằm phù hợp với quy trình cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng cung ứng dịch vụ chi hộ đảm bảo tính an toàn, bảo mật và thực hiện giao dịch điện tử.

Chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN để kết nối, chia sẻ thông tin với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó, hoàn thiện CSDL thông tin người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN; hoàn thiện hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm quản lý đảm bảo sẵn sàng kết nối, chia sẻ với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN, đảm bảo tính bảo mật trong giao dịch thanh toán theo đúng quy định; đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc chi trả, trao đổi thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ chi hộ là đại lý của ngân hàng.

Nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng (thông qua trao đổi đoàn công tác, hội nghị, hội thảo...).

Xây dựng mục tiêu, lộ trình và giao chỉ tiêu cho từng BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (BHXH tỉnh) thực hiện chỉ tiêu vận động, khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN nhận qua tài khoản cá nhân và tổ chức cung cấp dịch vụ chi hộ là đại lý của ngân hàng đến năm 2025 phù hợp với lộ trình phát triển mô hình đại lý ngân hàng, kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là ở các vùng chưa có hoặc ít có dịch vụ ngân hàng, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Kế hoạch số 1764/KH-BHXH ngày 23/5/2019 của BHXH Việt Nam; mục tiêu năm 2020 đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội ở khu vực đô thị được chi trả qua phương thức không dùng tiền mặt theo Quyết định số 241/QĐ-TTG ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ; đến năm 2021 phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ.

BHXH Việt Nam giao Vụ Tài chính-Kế toán chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan và BHXH các tỉnh tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch, tổng hợp báo cáo những khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả hàng năm. Đồng thời, chủ trì và phối hợp với Vụ Thi đua-Khen thưởng theo dõi và đề xuất khen thưởng đối với BHXH các tỉnh có thành tích trong việc đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt.

Trung tâm Truyền thông, Báo BHXH, Tạp chí BHXH theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của Ngành về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. 

Đối với BHXH tỉnh, căn cứ vào Kế hoạch này và chỉ tiêu do BHXH Việt Nam giao xây dựng Kế hoạch hành động, giải pháp thực hiện từng năm đạt chỉ tiêu về số người, số tiền nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp với các đơn vị tuyên truyền trên địa bàn tỉnh lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Chính phủ, của Ngành về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt gắn với nhiệm vụ chi trả chính sách an sinh xã hội.

Đồng thời, tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo ngân hàng, tổ chức đại lý của ngân hàng có các biện pháp đẩy mạnh việc người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thanh Hằng

Hình ảnh hoạt động