Để ngày mai không hối tiếc
21/04/2020 09:05 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hôm trước, tôi có đọc bài viết “Tôi sai rồi!” trên Tạp chí BHXH, kể về chuyển biến nhận thức của một người tham gia BHYT, từ sự coi thường chính sách đến thấm thía nỗi khổ của những người bệnh không có BHYT… Câu chuyện không mới mà khi đọc thấy thật buồn, chính sách BHYT được thực hiện ở nước ta trên 30 năm, đến nay đã bao phủ tới 90% dân số, vậy mà đâu đó, vẫn có những người tin vào những điều “nghe nói…” rồi từ đó kỳ thị chính sách. Cá biệt hơn, còn có những người không tham gia BHYT vì nghĩ mình khỏe, chỉ đến lúc ốm đau, nghe bác sĩ thông báo số tiền viện phí phải trả mới giật mình, vội vã tìm "cửa" để “mua” một tấm thẻ BHYT…
(ảnh minh họa)
“… đừng để có thêm lần sau!!!”
Cán bộ trong Ngành BHXH, có lẽ ai cũng ít nhất có một lần nhận được lời nhờ vả: mua giùm 01 tấm thẻ BHYT vì cần gấp. Những lúc như thế, cảm thấy thật chạnh lòng. Chính sách BHYT của Việt Nam được nhiều quốc gia, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới - WHO đánh giá là một trong những chính sách BHYT tốt nhất trên thế giới. Phạm vi chi trả BHYT không giới hạn (chi trả theo bệnh tật), với hàng ngàn loại thuốc, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục được chi trả, từ những dịch vụ kỹ thuật đơn giản đến những dịch vụ kỹ thuật phức tạp, có chi phí đắt đỏ. Vậy mà cá biệt vẫn còn có những người được hưởng chính sách ưu việt ấy “từ chối” quyền lợi của mình, hoặc chỉ lựa chọn tham gia vào lưới an sinh sức khỏe do Nhà nước tổ chức khi đã đứng bên “cửa tử”…
Cách đây chưa lâu, khoảng tháng 02/ 2019, tôi nhận được điện thoại của một người bạn (là Phó Trưởng Ban tại một cơ quan truyền thông quốc gia) hoảng hốt:
- Em ơi, giúp chị, cháu chị bị u não, phải đi mổ ở Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ nói bệnh này điều trị tốn kém lắm em ạ.
-Cháu đang đi học hay đi làm hở chị? Có tham gia BHYT ở đâu không ạ? - Cháu sinh năm 1986, làm việc tự do. Mọi năm gia đình chị vẫn mua thẻ BHYT cho cháu. Năm nay đã đưa tiền cho nó tự mua mà không hiểu sao tìm trong ví không thấy thẻ BHYT đâu. Thôi em giúp chị, mua thẻ BHYT khác cũng được.
- Chị cho em họ tên, ngày tháng năm sinh và địa chỉ của cháu. Em sẽ nhờ các bạn kiểm tra. Bây giờ Ngành em ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu rồi. Chỉ cần cháu có tham gia, bọn em sẽ kiểm tra và có thể cấp lại thẻ BHYT cho cháu được ngay chứ không phải và cũng không thể mua được thẻ khác đâu ạ. Ngập ngừng một lát, rồi chị đọc cho tôi họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú của cháu chị. Biết việc khẩn cấp, tôi nhấc ngay điện thoại liên lạc với một đồng nghiệp ở BHXH Thành phố Hà Nội nhờ kiểm tra giúp. Chưa đầy 05 phút, thông tin tôi nhận lại được là:
- Trường hợp này chưa từng tham gia BHYT. Năm 2014, có đăng ký tham gia BHXH tự nguyện nhưng sau đó được hơn 02 năm thì không đóng nữa rồi xin nhận BHXH một lần. Đại lý đã vận động nhiều lần nhưng vẫn không tham gia BHYT. Nếu bây giờ muốn tham gia BHYT thì chị sẽ giới thiệu gặp đại lý khu vực bạn ấy ở để đóng tiền, đầu tháng tới sẽ có thẻ ngay em ạ.
Cảm ơn người đồng nghiệp ở BHXH TP. Hà Nội, tôi gọi điện ngay cho người bạn, nhắc lại những thông tin vừa có được. Chị lưỡng lự giây lát rồi hỏi tôi:
- Không có cách nào để lấy thẻ được ngay hở em? Sang tuần cháu chị mổ rồi. Nghe nói chi phí điều trị hết cả trăm triệu. Em cố giúp chị, cần cảm ơn các anh chị ở BHXH thành phố như thế nào, gia đình chị sẽ lo…
- Lấy thẻ ngay thì không được đâu chị ạ. Vì đây là quy định của Luật BHYT. Cơ quan BHXH không thể làm sai đâu ạ. Nếu chị muốn tham gia BHYT cho cháu để sang tháng lấy thẻ thì em sẽ lấy số điện thoại của đại lý thu cho chị để chị đăng ký luôn.
- Thôi, nếu không lấy được thẻ để dùng cho đợt mổ này của cháu thì thôi. Sau này gia đình tự tìm đại lý mua sau em ạ!
Chị nói với tôi giọng hơi dằn dỗi. Vì là mối quan hệ công việc nên tôi vẫn cố mềm mỏng thuyết phục chị: Chị thông cảm giùm em, đây là quy định, bên em không làm sai được. Nhưng em nghĩ gia đình vẫn nên tham gia BHYT cho cháu luôn, vì em biết nhiều bệnh nhân u não, chắc sẽ không phải một lần điều trị này đâu chị ạ…
Chẳng chờ tôi nói hết câu, chị đã dập máy. Có lẽ trong lòng chị đang giận, nhờ việc bé xíu thế mà cũng không giúp!. Câu chuyện qua đi, tôi cũng dần quên vì những công việc bận rộn thường ngày. Chừng hơn tháng sau, tôi lại nhận được điện thoại của chị, có phần còn hoảng hốt hơn lần trước:
- Em ơi, chị lại phải nhờ em giúp chị rồi. Cháu chị mổ, điều trị xong, ra viện rồi, nhưng hôm qua cháu bị ngất, đưa vào viện cấp cứu, bác sĩ nói phải mổ lại. Đợt mổ và điều trị trước vừa chi phí hết hơn trăm triệu, bây giờ lại hơn trăm triệu nữa, cứ như thế này thì gia đình chị không lo nổi…
- Nhà mình đăng ký tham gia BHYT cho cháu chưa ạ?
-Chưa em ạ. Bữa em có nói chị tham gia, mà lúc đó nhà chị lo việc mổ cho cháu. Cũng cứ nghĩ tham gia lúc đó không kịp thanh toán ca mổ và đợt điều trị đó thì chẳng để làm gì. Lại nghĩ mổ xong là xong nên chưa cần tham gia ngay. Nào ngờ…
-Bây giờ em lấy số điện thoại đại lý cho chị, đóng tiền bây giờ chắc vẫn phải đến đầu tháng mới nhận thẻ chị ạ.
- Không có cách nào lấy thẻ ngay hở em?
- Không có cách nào đâu chị. Chị nghe em, tham gia BHYT cho cháu ngay đi ạ. Kẻo lại có lần sau như thế này nữa thì mệt lắm. Bệnh của cháu không phải chỉ điều trị ngày một ngày hai đâu…
Lần này chị không dập máy nữa, chị ngần ngừ một lát rồi bảo tôi:
-Đành vậy, em xin giúp chị số điện thoại của đại lý để chị đăng ký mua BHYT cho cháu.
Liên hệ với đại lý, giúp chị đăng ký tham gia BHYT cho cháu xong, trong lòng tôi vẫn thầm tiếc nuối. Giá như chị nghe tôi, tham gia BHYT cho cháu ngay từ lần trước thì lần vào viện này đã có BHYT rồi. Gia đình bớt được mối lo viện phí, chỉ tập trung vào việc chăm sóc; bản thân cháu cũng sẽ yên lòng và có tâm lý thoải mái hơn khi điều trị. Đúng là ở đời chẳng ai học hết được chữ “ngờ”. Gia đình chị chắc chẳng ai ngờ được cậu thanh niên 30 tuổi đang xoan lại có thể lâm trọng bệnh; khi phẫu thuật lần đầu cứ nghĩ một lần ấy là ổn, ai ngờ phải phẫu thuật tiếp lần 02 chỉ trong vòng chưa đầy 03 tháng…
Món quà sức khỏe
Khi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT được thông qua, nhiều người thắc mắc về quy định “BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân”. Có người nêu lý lẽ: “Chỉ bắt buộc được với những người đi làm công ăn lương thôi chứ những người tự đóng, tiền của người ta, người ta thích thì tham gia, sao phải bắt buộc, mà làm sao bắt buộc được?”. Có ai muốn và chịu hiểu: Nhà nước phải đưa chính sách BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc để khẳng định, mọi công dân Việt Nam đều CÓ QUYỀN ĐƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE BẰNG BHYT. Thử đặt câu hỏi: với mệnh giá thẻ BHYT hộ gia đình hiện nay, 804.600 đồng/năm, với những hộ gia đình có đông người tham gia còn được giảm trừ mức đóng, chỉ một đợt cảm xoàng đã tiêu hết. Nhìn vào con số tham gia và chi trả của Quỹ BHYT mới thấy rõ tính xã hội xã hội chủ nghĩa của chính sách BHYT mà Nhà nước ta đang thực hiện: Chỉ trong năm 2019, số người tham gia BHYT là 85,95 triệu người thì có tới trên 186 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Trong đó, có hàng triệu lượt người mắc các bệnh nan y, được quỹ chi trả chi phí khám, chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng…
Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Đức Định, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện E Trung ương – nơi mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca bệnh nặng, chi phí điều trị một đợt cho mỗi ca không dưới con số chục triệu đồng, có lần đã chia sẻ với chúng tôi: Bây giờ mỗi lần tiếp nhận 01 ca bệnh, sau khi thăm khám, chẩn đoán, câu đầu tiên chúng tôi hỏi bệnh nhân luôn là: Anh/chị/cô/chú/ bác có BHYT không? Bệnh nhân có BHYT, chúng tôi thở phào vì như thế là chỉ phải lo chữa bệnh thôi, không phải lo chuyện kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nữa. Những trường hợp cá biệt, có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu có BHYT rồi thì khi kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ, chỉ là giúp hỗ trợ chi phí sinh hoạt, số tiền không nhiều, sẽ dễ dàng hơn so với những người không có BHYT, phải kêu gọi hỗ trợ cả chi phí chữa bệnh và cả chi phí sinh hoạt. Có không ít trường hợp, chờ đến khi có tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ thì cơ hội chữa bệnh đã không còn. Vì vậy, chăm sóc cho sức khỏe của mình, hãy chủ động từ khi còn khỏe, đừng trông chờ vào ai và cũng đừng để đến khi quá muộn…
Không phải ngẫu nhiên khi vài năm trở lại đây, nhiều nhà hoạt động thiện nguyện lựa chọn tấm thẻ BHYT là một trong những món quà tặng người có hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói những chương trình hỗ trợ tham gia BHYT chính là một “cú huých” quan trọng trong lộ trình BHYT toàn dân. Xúc động biết bao là những chương trình “Tấm thẻ tặng ông, bà, bố, mẹ”, “Phụ nữ giúp nhau tham gia BHYT”, “Biến rác thải thành thẻ BHYT”, “Hội cha mẹ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT”, “Tặng thẻ BHYT, chia sẻ yêu thương”,… Những chương trình này không chỉ mang mục đích thiện nguyện, mà hơn thế còn góp phần lan tỏa thông điệp “Cộng đồng chia sẻ” của chính sách BHYT đầy nhân văn… Nếu người được tặng thẻ BHYT chẳng may ốm đau, bệnh trọng sẽ không bị rơi vào cảnh khốn cùng vì chi phí trị bệnh. Nếu họ không phải sử dụng đến nó thì còn gì tuyệt vời hơn. Và khi đó, những con người khốn cùng, tưởng như suốt đời chỉ “NHẬN” chứ không “CHO” thì thông qua việc giữ sức khỏe của mình, không phải sử dụng thẻ BHYT, đã “cho” số tiền đó không chỉ 01 người, mà là trên 85 triệu người Việt Nam đang tham gia BHYT, những người đang được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh, hoặc những người có thể sẽ phải điều trị bệnh ngày mai…
Và cuối cùng, xin được mượn lời một triết gia thay cho lời kết: Nếu bạn có sức khỏe, bạn sẽ có hàng trăm điều ước. Nếu bạn không có sức khỏe, bạn sẽ chỉ ước một điều duy nhất là sức khỏe. Vậy thì còn chần chừ gì nữa, hãy tự tặng 100 điều ước cho mình bằng việc tham gia BHYT ngay hôm nay./.
Tuệ Anh (Tạp chí BHXH)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động