Kiến nghị bổ sung mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT
11/02/2020 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 10/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Theo đó, có nội dung quan trọng là đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa và bổ sung mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực.
So với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: Giao thông vận tải đường bộ và phòng chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 24 về mức phạt tiền đến 75.000.000 đồng gồm lĩnh vực: Lao động, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp; BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phòng chống tệ nạn xã hội… Đặc biệt, Khoản 1 Điều 6 bổ sung thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính 2 năm đối với lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức- không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa, mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. “Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó”- ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, Ủy ban Pháp luật tán thành bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại là 30 triệu đồng, bởi đây là 2 lĩnh vực mới đã được Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban TVQH theo quy định tại Khoản 4, Điều 24 của Luật XLVPHC. Đồng thời, tán thành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ; tán thành bổ sung lĩnh vực an toàn thông tin mạng để thống nhất với Luật An toàn thông tin mạng, tuy nhiên đề nghị giải trình rõ hơn về căn cứ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 như: Giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, BH thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng... ở mức cao hơn để tăng sức răn đe. “Bài học rõ nhất là việc thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia với mức phạt hành chính cao và Nghị định 100/2019NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã góp phần thay đổi thói quen của người dân khi tham gia giao thông, người dân đã tự ý thức tránh xa rượu bia khi tham gia giao thông. Do vậy, tăng mức phạt hành chính đều có ý nghĩa răn đe, nhất là ở những lĩnh vực vi phạm đang ở mức phổ biến, chúng ta cần mạnh dạn tăng mức phạt thật nặng”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến nội dung này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, đối với 10 lĩnh vực tăng mức phạt tiền tối đa, chúng ta mới chỉ quy định mức trần, chưa quy định mức tối thiểu. Thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng, trong khi đó nếu quy định mức phạt là 30 triệu đồng như dự thảo Luật được Chính phủ trình, thì chưa đủ sức răn đe. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để tăng mức phạt trong lĩnh vực này.
VT (Báo BHXH)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động