Triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP: Thể hiện rõ tinh thần phục vụ

20/02/2022 03:14 PM


Sau 3 tháng, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành triển khai chính sách hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho NLĐ và chủ SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn- Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 116 của BHXH Việt Nam đã chia sẻ về kết quả mà Ngành đạt được.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nhấn mạnh: Thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã chủ động vào cuộc với tinh thần cao nhất, nỗ lực nhất, góp phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, trong vòng 5 ngày (tính đến 5/10/2021), toàn Ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp tới 363,6 nghìn đơn vị SDLĐ với số tiền giảm trên 7.595 tỷ đồng.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn

Đến ngày 30/12/2021, đã chi hỗ trợ cho 12.941.196 NLĐ với số tiền khoảng 30,73 nghìn tỷ đồng.TP.HCM là địa bàn có số người được hỗ trợ lớn nhất (2,38 triệu người); tiếp đó là Hà Nội (1,68 triệu người); Bình Dương (1,06 triệu người); Đồng Nai (822.009 người); Hải Phòng (421.313 người); Bắc Ninh (417.952 người); Hải Dương (362.445 người); Thanh Hóa (322.327 người); Long An (322.018 người); Bắc Giang (300.781 người)…

* Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, chính sách này đã đến được với hơnchục triệu NLĐ và hàng trăm nghìn chủ SDLĐ. Phó Tổng Giám đốc có thể cho biết quá trình triển khai của Ngành như thế nào?

- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn:

Nhận thức được tầm quan trọng của chính sách, nên ngay trong ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành để triển khai thực hiện tới BHXH cấp huyện. Theo đó, đã ban hành Công văn 3068/BHXH-CSXH nêu rõ quan điểm chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện, từ khâu rà soát, gửi danh sách cho đơn vị SDLĐ cho đến khâu chi hỗ trợ cho NLĐ, cũng như quy trình giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã rút ngắn thời hạn thực hiện xuống 1/2 so với quy định tại Quyết định 28/2021/QĐ-TTg. Cụ thể, giảm còn 5 ngày làm việc đối với trường hợp có thông tin đúng, đủ và còn 10 ngày làm việc đối với trường hợp có điều chỉnh thông tin hưởng hỗ trợ.

BHXH Việt Nam cũng thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên như: Xây dựng quy trình thực hiện; theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện… Ngay trong ngày 1/10/2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành để phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ đến BHXH cấp huyện…

Trên CSDL có sẵn, BHXH các địa phương đã nhanh chóng xác định được số đơn vị giảm đóng, số tiền được giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp. Đồng thời, sau 5 ngày triển khai, BHXH các địa phương đã hoàn thành rà soát và gửi danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ đến 348 nghìn đơn vị, tương ứng hơn 10 triệu NLĐ (đạt 99% số đơn vị và số NLĐ thuộc diện hỗ trợ). Liên tục sau đó, toàn Ngành đã đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa nhân văn của chính sách; cũng như các thủ tục, quy trình hưởng hỗ trợ.

* Nhìn lại quá trình triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP, theo Phó Tổng Giám đốc, chúng ta đã rút ra được bài học gì?

- Có thể thấy, việc thực hiện chính sách này đã khiến ngành BHXH Việt Nam chịu rất nhiều áp lực, nhất là với những địa bàn có đông người tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Từ việc xây dựng quy trình, chuẩn bị nguồn lực, sửa đổi phần mềm nghiệp vụ, tuyên truyền để NLĐ liên hệ với cơ quan BHXH các cấp, hướng dẫn BHXH các quận, huyện đồng loạt thực hiện… tất cả đều phải thực thi nhanh, khẩn trương mới đáp ứng được yêu cầu tiến độ đặt ra. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số địa phương cũng khiến quá trình triển khai của cơ quan BHXH gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống, chúng ta đã từng bước vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, chúng tôi đã rút ra được nhiều bài học như: Với nguồn CSDL có sẵn, BHXH Việt Nam đã chủ động cùng với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban TVQH và Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, có tính khả thi cao. Toàn Ngành đã thể hiện tinh thần chủ động cao nhất, không có độ trễ trong triển khai thực hiện chính sách; cùng với đó là sự chủ động của BHXH các tỉnh, thành phố cũng rất đáng ghi nhận. Hệ thống dữ liệu của Ngành đã phát huy hiệu quả, khi trong khoảng một tuần, cơ quan BHXH đã thực hiện xong việc thông báo giảm đóng đến các chủ SDLĐ và gửi danh sách NLĐ thuộc diện được nhận hỗ trợ để rà soát thông tin.

Bên cạnh đó, các kênh giao dịch điện tử của cơ quan BHXH với người NLĐ, DN cũng đem lại nhiềuhiệu quả. Đáng chú ý, việc giao dịch qua Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC BHXH Việt Nam và đặc biệt là qua ứng dụng VssID đã giúp NLĐ có thể liên hệ với cơ quan BHXH địa phương gần nhất để làm thủ tục và nhận được hỗ trợ nhanh nhất, mà không phân biệt địa giới hành chính. Điều quan trọng đó là, thông qua các công cụ này, đã giúp hạn chế rất nhiều việc tiếp xúc trực tiếp, qua đó ngăn ngừa đáng kể nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Có thể khẳng định, sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ CCVC toàn Ngành trước yêu cầu nhiệm vụ đột xuất và đã hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn là điều cần được nhấn mạnh. Mặc dù có sự hỗ trợ tích cực của hệ thống phần mềm quản lý, nhưng việc triển khai chính sách vẫn có nhiều khó khăn đặc thù. Đơn cử: Quá trình đóng-hưởng BH thất nghiệp của NLĐ (nhất là tại các tỉnh, thành phố có các KCN lớn) thường phức tạp, do trong quá trình tham gia BH thất nghiệp, NLĐ hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp nhiều lần. Các khâu nghiệp vụ vẫn đòi hỏi kết hợp thao tác kiểm tra, qua nhiều đơn vị đối chiếu dữ liệu để đảm bảo tính chính xác, nên phát sinh khối lượng công việc rất lớn.

Ngoài ra, các yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên như: Thu, chi, giải quyết chế độ BHXH, BHYT trong dịp cuối năm cũng rất lớn. Bên cạnh đó là điều kiện làm việc trong tình hình dịch bệnh phức tạp, một số địa bàn phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc cách ly… Trong bối cảnh đó, cơ quan BHXH ở cơ sở đã phải hết sức cố gắng, không nề hà, quản ngại khó khăn, linh hoạt bố trí nhân sự, triển khai làm thêm giờ, làm đêm, làm cả ngày nghỉ, ngày lễ… để đảm bảo tiến độ công việc được giao, chi trả kinh phí hỗ trợ đúng vào thời điểm NLĐ cần được chia sẻ khó khăn nhất.

* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Tạp chí BHXH

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình ảnh hoạt động