Luật BHYT (sửa đổi): Cần giải pháp đồng bộ chống trục lợi và đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT

10/02/2023 05:51 PM


Sáng 10/2, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và công tác phối hợp giữa 2 cơ quan trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, trong năm 2022, Ủy ban Xã hội và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng, qua đó hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung khó và phức tạp, được lãnh đạo Quốc hội đánh giá rất cao. Trong năm 2023, Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các mặt công tác, cả về xây dựng pháp luật lẫn giám sát.

Theo đó, đối với công tác xây dựng pháp luật, 2 cơ quan vẫn cần tiếp tục phối hợp để nghiên cứu xây dựng các dự án luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực y tế và dân số như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dân số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; Luật Phòng bệnh; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác (sửa đổi); Luật Trang thiết bị y tế…

Về công tác giám sát, năm 2023, Quốc hội tổ chức 2 Đoàn giám sát tối cao về “Việc quản lý, sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; “Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, về nông thôn mới và về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội cũng thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về: Tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế; tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN năm 2022, dự toán NSNN năm 2023 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tình hình thực hiện quản lý, sử dụng quỹ BHYT năm 2022; kết quả 2 năm (2021-2022) và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân…

Báo cáo tình hình xây dựng và dự kiến tiến độ trình các dự án luật về y tế trong Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tích cực và khẩn trương tiến hành các công tác cần thiết để sớm hoàn thiện các dự án luật như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Dân số; Luật Phòng bệnh; Luật Trang thiết bị y tế; Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi); Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi)…

Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ quy định về đối tượng, mức đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT; thẻ BHYT; phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; tổ chức KCB, cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT; giám định và kiểm soát thanh toán chi phí KCB BHYT; quỹ BHYT; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan đến BHYT. Đặc biệt, Luật sẽ hướng đến mở rộng bền vững đối tượng tham gia BHYT; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với sự phát triển của nền y học; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong quản lý và điều hành BHYT; trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Luật vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Luật Dược 2016, chỉ sửa đổi, bổ sung một số quy định về giải thích thuật ngữ, đăng ký, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thử thuốc trên lâm sàng và quản lý chất lượng thuốc. Luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa các chính sách tăng cường cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của người dân; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc đáp ứng yêu cầu an ninh-quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới; nâng cao hiệu quả quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội và thông lệ quốc tế...

Quan tâm đến việc sửa đổi Luật BHYT, các đại biểu đề nghị việc sửa đổi luật này cần đảm bảo thể hiện cụ thể hơn các quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XIII về an sinh xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Luật cần tập trung đẩy nhanh CCHC, ứng dụng CNTT từ quản lý BV, giám định BHYT, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, KCB từ xa. Đồng thời, cần ban hành “Gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả” phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT và “Gói dịch vụ y tế cơ bản do Nhà nước chi trả” phù hợp với khả năng của NSNN. Đồng thời, huy động các nguồn lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có cơ chế giá dịch vụ và cơ chế đồng chi trả phù hợp nhằm khuyến khích người dân KCB ở tuyến dưới và các cơ sở y tế ở tuyến trên tập trung cung cấp các dịch vụ mà tuyến dưới chưa bảo đảm được. Đa dạng các gói BHYT; tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại. Nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch. Thực hiện các giải pháp đồng bộ chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế.

Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm của các đại biểu đối với các nội dung cụ thể trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tiến hành giám sát cũng như tăng cường phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa hai cơ quan. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tích cực lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đối tượng chịu tác động để đảm bảo các dự án luật đạt chất lượng cao.

Tạp chí BHXH

Hình ảnh hoạt động