Tổng LĐLĐVN: Tăng cường thanh, kiểm tra, kiến nghị xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT

21/02/2020 11:00 AM


Vừa qua, tại TP.Cần Thơ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đồng tổ chức Hội thảo Thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp – Vai trò và sự tham gia của người lao động. Một trong các vấn đề được đưa vào chương trình thảo luận tại Hội thảo là giải pháp giải quyết tình trạng nợ BHXH của một bộ phận doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

(Ảnh minh họa)

 

Bên cạnh đó, chương trình thảo luận tại Hội thảo còn có các vấn đề như Vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước bối cảnh hội nhập; Đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động trong thực hiện trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp; Kinh nghiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy đối thoại giữa người sử dụng lao động - người lao động; Thực hiện trách nhiệm xã hội của HTX trong Liên minh HTX Việt Nam và thực hiện chính sách pháp luật về lao động trong khu vực HTX và Kỳ vọng của Liên minh Châu Âu (EU) và việc thực hiện trách nhiệm trong ngành gỗ, thủy sản tại Việt Nam.

Về đời sống, việc làm của người lao động Việt Nam, thông tin của Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương, thu nhập của người lao động Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Hầu hết người lao động có tiền lương, thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống, không có tích lũy, khi gặp biến cố, sự việc không may hay bệnh tật đều dễ lâm vào cảnh nợ nần, nghèo hóa; trong đó, trên 30% người lao động phải chi tiêu tằn tiện, tăng ca, làm thêm mới đủ trang trải cuộc sống. Mặc dù trong những năm gần đây, Việt Nam luôn quan tâm đến việc tăng lương, cải thiện thu nhập cho người lao động song để đạt được mục tiêu Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đề ra là “đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động” (năm 2019, mức tăng là 5,3% song theo tính toán mới chỉ đáp ứng trên 95% nhu cầu của người lao động) vẫn là vấn đề nan giải. Vì vậy, trong lần đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu cho năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu mà Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất để xác định mức sống tối thiểu của người lao động. Theo đó, xác định nhu cầu lương thực, thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày/người, dựa trên “rổ hàng hóa” tiêu dùng thiết yếu do Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2018; chi phí nuôi con bằng 70% chi phí tối thiểu của người lao động; tiền thuê nhà lấy theo số liệu của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất (294.000 - 431.000 đồng)...

Năm 2019, qua thanh tra 733 doanh nghiệp tại 43 tỉnh, thành phố, các cấp, ngành chức năng phát hiện 7.408 sai phạm liên quan đến lao động, BHXH, BHYT, BHTN...; trong đó, 214 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; 154 doanh nghiệp chưa xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động; 227 doanh nghiệp chưa thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh lao động... Tuy nhiên, 01 số đại biểu nêu ý kiến về mức phạt xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi không đóng hoặc trốn đóng BHXH cho người lao động tối đa 75 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe, nên chăng, cần nâng mức xử phạt để tạo hiệu quả hơn cho việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Đề cập đến giải pháp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cấp Công đoàn trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; đồng thời, tăng cường phối hợp thanh, kiểm tra với các cơ quan chức năng, từ đó có những kiến nghị xử lý doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Oanh Nguyễn (Tạp chí BHXH)

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình ảnh hoạt động