Đổi mới, sắp xếp bộ máy ngành BHXH: Hướng tới mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

06/02/2020 04:54 PM


Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ngành BHXH quán triệt nghiêm túc và tổ chức triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn hoạt động của hệ thống BHXH. Trong quá trình tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy BHXH Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của tập thể lãnh đạo và toàn thể CCVC trong Ngành nên đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Thực hiện nghiêm túc chủ trương

Ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương sáu, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 3/2/2018, Chính phủ ra Nghị quyết số 10/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Ngay sau khi các Nghị quyết trên được ban hành, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã chỉ đạo ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Có thể khẳng định, các chỉ tiêu nhiệm vụ của Ngành được Chính phủ giao rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi tầng lớp nhân dân nên BHXH Việt Nam đã xác định không quản ngại khó khăn, thách thức, quyết tâm đẩy mạnh cải cách, cải tiến, trong đó có đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành, nhằm mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân và các cơ quan, đơn vị, DN tham gia và hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Để có cơ sở nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Ngành, BHXH Việt Nam đã thực hiện khảo sát tại 5 địa phương (TP.Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Bình Định, TP.HCM). Qua đó, đã nhận được những kết quả tích cực, nhiều ý kiến đóng góp xây dựng trong và ngoài Ngành. Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam cũng đã thực hiện việc xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành BHXH ở cấp tỉnh, cấp huyện. Đa số các ý kiến cho rằng, mô hình bộ máy BHXH cấp tỉnh, huyện phải phù hợp với thực tiễn, đó là phải gắn với địa giới hành chính để thống nhất với công tác chỉ đạo của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương với cơ quan BHXH, nhằm phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách; tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân, đơn vị, DN...

Xây dựng bộ máy hiện đại, chuyên nghiệp

Ngày 10/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Quyết định số 856/QĐ-TTg). Đề án chú trọng gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ CCVC và NLĐ; tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao, nâng cao sự hài lòng của người dân và DN. Đồng thời, đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam cũng phải đảm bảo gắn với việc phục vụ người dân, với thời gian và chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất; đồng thời gắn với việc cải cách TTHC và thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở Trung ương, BHXH cấp tỉnh, BHXH cấp huyện để một tổ chức, một cán bộ BHXH có thể đảm nhiệm nhiều việc...

Bên cạnh việc sắp xếp phải bảo đảm tính kế thừa, kết hợp với đổi mới, phát triển; tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho NLĐ và người dân; tăng bộ phận trực tiếp phục vụ nhân dân, giảm bộ phận gián tiếp. Đồng thời, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức BHXH cấp huyện cũng phải gắn với Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy ngành BHXH được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể: Trong giai đoạn 2019-2020, ở cấp Trung ương, BHXH Việt Nam sẽ sắp xếp giảm ít nhất 2 đơn vị đầu mối cấp Ban trực thuộc; kiện toàn, chuyển đổi 1 đơn vị sự nghiệp hiện có thành “Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng” là đơn vị sự nghiệp có chức năng thực hiện giải quyết dịch vụ công trực tuyến và chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; cơ cấu lại Tạp chí BHXH và Báo BHXH phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tại 63 BHXH cấp tỉnh sẽ giảm 65 đầu mối cấp phòng; giảm 58 BHXH thành phố, thị xã trực thuộc BHXH cấp tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trực thuộc tại BHXH cấp tỉnh theo hướng mỗi BHXH cấp tỉnh giảm 1 đầu mối cấp phòng; đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với biên chế được giao của BHXH Việt Nam năm 2015…

Hiện thực hóa quyết tâm

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã chỉ đạo cần chủ động nghiên cứu, ban hành sớm các văn bản tổ chức thực hiện trong toàn Ngành. Vụ TCCB đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các dự thảo văn bản, tổ chức hội thảo cấp Ngành để lấy ý kiến góp ý.

Tiếp đó, ngày 19/7/2019, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký ban hành Kế hoạch số 2956/KH-BHXH về tổ chức thực hiện Quyết định số 856/QĐ-TTg; Quyết định số 969/QĐ-BHXH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương. Theo đó, thực hiện thí điểm cơ cấu tổ chức mới tại BHXH tỉnh Yên Bái và BHXH tỉnh Đồng Nai kể từ ngày 1/10/2019; các địa phương còn lại thực hiện từ ngày 1/1/2020. Đồng thời, thực hiện Công văn số 2712/BHXH-TCCB hướng dẫn thí điểm sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, bàn giao tài chính, tài sản, nhiệm vụ theo cơ cấu tổ chức mới.

Thực hiện Đề án, BHXH cấp tỉnh giảm 1 phòng trực thuộc (Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC trở thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC trực thuộc Văn phòng BHXH tỉnh) từ 11 phòng nghiệp vụ xuống còn 10 phòng; điều chỉnh nhiệm vụ và tên gọi từ Phòng Khai thác và Thu nợ thành Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng; chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của một số phòng chuyên môn. Chuyển giao nhiệm vụ thu nợ từ Phòng Khai thác và Thu nợ về Phòng Quản lý Thu; chuyển giao nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả TTHC từ Phòng Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC về Văn phòng; chuyển giao nhiệm vụ tuyên truyền từ Văn phòng về Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng; sáp nhập và chuyển giao chức năng nhiệm vụ của BHXH thành phố về BHXH tỉnh…

Sau khi tổng kết thí điểm việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định số 856/QĐ-TTg tại BHXH tỉnh Yên Bái và BHXH tỉnh Đồng Nai, kết quả cho thấy, cơ bản không có vướng mắc lớn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Trên cơ sở đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo hoàn thành việc sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy tại 61 BHXH các địa phương, từ ngày 1/1/2020 hoạt động theo cơ cấu tổ chức bộ máy mới.

Kiện toàn, tinh gọn bộ máy là vấn đề lớn, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm. Để thực hiện thành công, trước hết đó là sự quyết tâm cao, hành động quyết liệt, lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam.

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, kịp thời, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp trong tổ chức thực hiện, làm tốt công tác chuẩn bị có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình triển khai, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng và hành động của CCVC trong Ngành. Sự nỗ lực, đoàn kết của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố. Toàn thể CCVC toàn Ngành đã được phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức, sẵn sàng chấp hành việc phân công nhiệm vụ của tổ chức; BHXH địa phương cũng đã chủ động, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngành, công khai, dân chủ trong thực hiện sắp xếp nhân sự, nhiệm vụ, tài chính, tài sản, cam kết không để ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân. Đồng thời, quan tâm, giải quyết tốt chế độ, chính sách cho viên chức thuộc diện sắp xếp, điều động nên tạo được sự đồng thuận của CCVC trong hệ thống.

Với những kết quả bước đầu đạt được, tin tưởng sang năm 2020 BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thành công việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 1 của Đề án, gắn với chuyển đổi quy trình nghiệp vụ, liên thông các phần mềm quản lý thu- chi- giải quyết chế độ, hướng tới mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người dân và DN.

 

Lê Hùng Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam (Báo BHXH)

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình ảnh hoạt động