Ngành BHXH Việt Nam: Thực hiện cải cách hành chính đồng bộ, thống nhất trên các lĩnh vực

06/02/2024 02:46 PM


Trong thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai công tác này một cách đồng bộ, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, các khâu, triển khai thống nhất từ BHXH Việt Nam đến BHXH các tỉnh, thành phố.

Ngành BHXH Việt Nam triển khai đa dạng, sáng tạo công tác truyền thông CCHC

Công tác truyền thông về CCHC được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục

Năm 2023, toàn ngành BHXH Việt Nam đã ban hành khoảng 970 văn bản liên quan chỉ đạo công tác CCHC, trong đó, riêng BHXH Việt Nam đã ban hành khoảng 30  văn bản liên quan đến công tác CCHC, tiêu biểu như: Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong ngành BHXH Việt Nam (Quyết định số 475/QĐ-BHXH), Quy trình giải quyết công việc nội bộ của Ngành BHXH Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (62 quy trình; Quyết định số 1212/QĐ-BHXH), Giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị (Quyết định số 459/QĐ- BHXH, Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tài chính, tài sản ngành BHXH Việt Nam (Chỉ thị số 49-CT/BCSĐ),…

Công tác truyền thông và kiểm tra về CCHC được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều đổi mới, sáng tạo góp phần lan tỏa tinh thần CCHC tới người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức. Công tác truyền thông CCHC được thực hiện đồng bộ, đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng TTĐT BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông mạng xã hội của BHXH Việt Nam. BHXH các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra về CCHC và tổ chức thực hiện theo đúng Kế hoạch. Nội dung kiểm tra tập trung vào thực thi công vụ, nhiệm vụ và công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC. Trong năm, BHXH các tỉnh, thành phố đã kiểm tra công tác CCHC tại 196 phòng nghiệp vụ và BHXH huyện.

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã tiếp tục rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu về TTHC trên Cổng DVC Quốc gia; mở rộng việc cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 của Ngành trên Cổng DVC Quốc gia và bổ sung, cung cấp dịch vụ, tiện ích, DVC trên ứng dụng VssID.Tính đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp 81 DVC (trong đó có 78 DVC toàn trình) và 02 TTHC liên thông. Hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, ban hành các quyết định, công bố các TTHC liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú thuộc trách nhiệm của BHXH Việt Nam.

Thực hiện cải cách tổ chức bộ máy và cải cách công vụ: Tại Trung ương đã sáp nhập 02 đơn vị cấp Ban; giảm 06 đơn vị đầu mối cấp phòng. Tại địa phương: đã giảm 63 đầu mối cấp phòng trực thuộc 63 BHXH tỉnh, giảm 311/462 Tổ nghiệp vụ. Tinh giản biên chế 16 trường hợp (13 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 03 trường hợp thôi việc).

BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Tài chính phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2022-2026 trên cơ sở đặc thù nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp. Năm 2023, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị (tăng 3% so với năm 2022 và vượt chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Trong năm 2023, BHXH Việt Nam đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐTTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ như: Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD gắn chíp, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia VneID thay thế thẻ BHYT giấy; Triển khai tích hợp, cung cấp DVC trực tuyến trên cổng DVC quốc; Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu CSDL quốc gia về dân cư; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành liên quan. Theo đó: 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip; giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.

Thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng: BHXH Việt Nam rút ngắn thời gian thời gian chờ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 05 ngày xuống còn 02 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 07 ngày.

Triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội với trên 18.000 người đến nộp hồ sơ. Sau triển khai cho thấy một số lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH.

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành tiếp tục được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tích hợp thông tin, triển khai ứng dụng VneID.

Năm 2024, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa  thủ tục hành chính (Ảnh minh họa)

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác CCHC năm 2024

Năm 2024, ngành BHXH tiến hành CCHC đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: TTHC, tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ số:

Theo đó, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác CCHC, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2024; tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính được giao tại các Nghị quyết số: 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.

Chú trọng việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, đảm bảo đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC và các hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Ngành; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ, đảm bảo tốt nhất quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của các chủ thể tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Cùng với đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới trên ứng dụng VssID - BHXH số; nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam.

Đồng thời tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm vi phạm.

Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ./.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động