Toàn Ngành tập trung, quyết liệt “về đích” trong tháng còn lại năm 2023

01/12/2023 04:52 PM


Sáng 01/12, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 12/2023. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị

Phát biểu mở đầu, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hội nghị đánh giá kết quả toàn Ngành đạt được trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023; từ đó đưa ra các giải pháp để quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian 1 tháng còn lại, làm tròn trách nhiệm với người dân về công tác an sinh xã hội. Hội nghị được trực tuyến đến BHXH cấp huyện để các cấp chủ động, nhanh chóng nắm bắt các chỉ đạo, khẩn trương, quyết liệt triển khai.

Tổng Giám đốc cũng thông tin, trong tháng 11, các đồng chí lãnh đạo Ngành đã có nhiều buổi làm việc với các địa phương; với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT một số tỉnh và huyện. Tổng Giám đốc cũng làm việc với BHXH các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền gồm: tại Hà Nội làm việc với BHXH 11 tỉnh, thành phố phía Bắc; tại Đà Nẵng với BHXH 8 tỉnh, thành phố miền Trung; tại TP.Hồ Chí Minh với BHXH 12 tỉnh, thành phố phía Nam.

Qua các buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, cơ bản BHXH các tỉnh, thành phố đã bám sát, nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của BHXH Việt Nam, của địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, “dư địa” trong phát triển người tham gia vẫn còn nhiều, cần khẩn trương, cố gắng triển khai các giải pháp để hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch của Ngành đã đề ra từ đầu năm.

Các chỉ tiêu chủ yếu tăng so với cùng kỳ

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành đến ngày 30/11/2023; trong đó tập trung vào các chỉ tiêu chủ yếu.

Về số người tham gia BHXH: Toàn quốc uớc đạt 17,523 triệu người, tăng 1,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,67% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,015 triệu người, tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2022; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,508 triệu người, tăng 8,95% so với cùng kỳ năm 2022.

Số người tham gia BHTN: Ước đạt 14,307 triệu người, tăng 0,94% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,75% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT: Ước đạt 91,837 triệu người, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 92,81% dân số. Số tiền thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn Ngành tăng 38.563 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 89,18% kế hoạch giao.

Một số điểm cầu tại Hội nghị

Toàn Ngành tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN.

Công tác truyền thông được thực hiện kịp thời, đặc biệt là những “vấn đề nóng” được dư luận quan tâm.  Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Tăng tốc, quyết liệt trong 1 tháng còn lại

Tại hội nghị, lãnh đạo BHXH các địa phương: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bạc Liêu, Quảng Trị đã báo cáo về kết quả thực hiện các chỉ tiêu lớn của Ngành, nêu các giải pháp cụ thể và cam kết hoàn thành trong tháng còn lại của năm 2023; đồng thời có một số đề xuất, kiến nghị cần hỗ trợ từ BHXH Việt Nam.

Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam: Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ; Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến; Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Trung tâm CNTT, Vụ Tài chính - Kế toán đã phát biểu, hướng dẫn BHXH các địa phương triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực và giải đáp các đề xuất, kiến nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố bám sát các giải pháp, kịch bản của BHXH Việt Nam về phát triển người tham gia và công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến sự phối hợp 3 bên giữa BHXH cấp huyện với Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã và các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương chưa kiện toàn được Ban chỉ đạo này đến cấp xã, vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu giao Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ theo dõi, hướng dẫn BHXH các địa phương khẩn trương thực hiện trong tháng 12/2023; đồng thời giao Trung tâm CNTT hoàn thiện, tổ chức tập huấn cho BHXH các địa phương về các điểm mới của phần mềm quản lý thu.

Về lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, BHXH các địa phương tăng cường công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia. Giám đốc các tỉnh cần rà soát các nhiệm vụ được BHXH Việt Nam và UBND tỉnh giao trong lĩnh vực này, cần nghiêm túc triển khai, không để tồn đọng; tập trung rà soát các chi phí tăng cao bất thường về chỉ định nội trú, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, tiền giường…; kiểm soát dữ liệu do các cơ sở y tế đẩy lên hệ thống phải khớp với hồ sơ thanh toán, cần có kiểm tra xác suất để đánh giá. Trong thanh toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức trước năm 2022 theo Nghị định số 146/NĐ-CP, được thanh toán theo Nghị định số 75/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT và BHXH các tỉnh rà soát kỹ các hồ sơ thuyết minh, đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thanh toán trùng. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng giao Ban Thực hiện chính sách BHYT và Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến chủ động hơn nữa trong phối hợp với Bộ Y tế và cơ quan liên quan trong xây dựng Luật BHYT sửa đổi và các Thông tư về mở rộng quyền lợi, danh mục thuốc thời gian tới.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường cho biết, vừa qua, HĐQL BHXH có thực hiện chương trình giám sát tại một số địa phương. Qua hoạt động giám sát, Hội đồng ghi nhận một số vấn đề trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT như tình trạng dữ liệu giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH có sự khác biệt lớn; tình trạng nghỉ ốm hưởng BHXH quá lớn tại một số doanh nghiệp; tần suất khám chữa bệnh, sử dụng thuốc, xét nghiệm, chỉ định điều trị nội trú bất thường tại không ít cơ sở khám chữa bệnh… Các vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sử dụng lãng phí, sai quy định các quỹ BHXH, BHYT, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH Việt Nam tăng cường hơn nữa vai trò của công tác giám định, thường xuyên thông báo đến các tỉnh, cơ sở y tế về tình hình KCB BHYT trên toàn quốc, với các số liệu bình quân chung về tần suất khám chữa bệnh, tỷ lệ điều trị nội trú, sử dụng biệt dược… để các tỉnh, cơ sở y tế biết, kiểm soát, điều chỉnh. Vấn đề sử dụng lao động, BHXH các tỉnh cần tăng cường rà soát với dữ liệu thuế, đây là thông tin quan trọng để xác định được các doanh nghiệp thành lập mới, cũng như đơn vị trốn đóng BHXH.

Hiện nay, tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN ở các thành phố lớn có xu hướng gia tăng, đồng chí Nguyễn Văn Cường đánh giá, giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; không chỉ là công tác thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam mà cần phối hợp với UBND, các sở, ngành như: Lao động, Y tế, Thuế, Công an… trên địa bàn thực hiện công tác thanh tra thường xuyên, liên tục hơn nữa. Về vấn đề rút BHXH 1 lần có xu hướng gia tăng, đồng chí Nguyễn Văn Cương cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố khó khăn của người lao động, cần tăng cường công tác truyền thông và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hạn chế tối đa. Với các địa phương đang có tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT thấp, đồng chí Nguyễn Văn Cường đề nghị, BHXH tỉnh khẩn trương phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND trình HĐND có thêm các chính sách hỗ trợ cho các nhóm khó khăn như người nghèo, cận nghèo, học sinh - sinh viên… được tham gia BHXH tự nguyện, BHYT một cách bền vững. Về một số kiến nghị của BHXH Việt Nam chủ yếu liên quan đến dự toán, quyết toán chi phí BHXH, BHYT, đồng chí Nguyễn Văn Cường cho biết, ngày 4/12 tới, HĐQL BHXH sẽ họp và có ý kiến tháo gỡ, quyết nghị.

 

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao kết quả toàn Ngành đạt được trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh nhiều khó khăn, chịu tác động sau dịch bệnh, suy thoái và xung đột toàn cầu. Các chỉ tiêu của Ngành đều đã tăng so với cùng kỳ, nhiều tỉnh đã tiệm cận số hoàn thành.

Nhấn mạnh việc hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu là trách nhiệm với người dân, người lao động, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, các đơn vị trong toàn Ngành rà soát lại tất cả các công việc, nhiệm vụ được giao từ đầu năm đến nay. Các công việc tồn đọng cần tập trung giải quyết, đến ngày 20/12, cần cơ bản hoàn thành. Các chỉ tiêu chủ yếu về độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT cần hoàn thành, nhất là độ bao phủ BHYT. Số thu BHXH, BHYT, BHTN cần đạt và vượt kế hoạch được giao; phấn đấu giảm số nợ xuống mức dưới 2,68%. “Giải pháp đã có nhiều, thời gian này, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần đôn đốc BHXH các tỉnh bám sát các quy trình, kịch bản trong phát triển người tham gia, thu, giảm nợ đã được Ngành ban hành, hướng dẫn thì mới hoàn thành được” - Tổng Giám đốc chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, BHXH các địa phương tiếp tục đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách cho người tham gia trên địa bàn; đặc biệt là các quy định mới theo Nghị định số 75/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 3/12 tới; đảm bảo kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ, chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân. Kiện toàn Ban chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến cấp xã. Trong giảm nợ, BHXH các địa phương thực hiện ngay việc gửi thông báo đến tất cả các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên trên địa bàn; kết hợp đồng bộ các giải pháp mời làm việc, cam kết, công khai thông tin, kiểm tra, thanh tra, chuyển cơ quan điều tra…

Công tác phòng chống lạm dụng, trục lợi các chế độ, chính sách cũng cần đặc biệt chú ý, BHXH các tỉnh đã có nhiều giải pháp, cần tăng cường hơn nữa trong những tháng cuối năm, thực hiện rà soát hệ thống, cán bộ, làm đúng các quy trình, quy định, phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý khi phát hiện sai phạm… Toàn Ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, công tác truyền thông; tăng cường kỷ cương, kỷ luật.

Tại hội nghị, Tổng Giám đốc cũng đánh giá cao công tác thông tin về các kết quả của Ngành trong thực hiện chính sách thời gian qua đến đông đảo người dân, người lao động, các cấp ủy, chính quyền, đại biểu quốc hội, phục vụ tốt quá trình xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội khóa XV. Tổng Giám đốc lưu ý, các nội dung mới của Luật khi được thông qua thì nhiệm vụ của Ngành là rất nặng nề với nhiều đối tượng tham gia mới, nhiều biến động vì vậy toàn Ngành cần chủ động nghiên cứu để có giải pháp quản lý, triển khai thực hiện./.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động