Toàn Ngành tập trung, quyết liệt, bám sát địa bàn, cơ sở hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ

05/11/2023 02:57 PM


Chiều 04/11, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 11/2023.

Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo BHXH tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và BHXH cấp huyện.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị

Thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ, các chỉ tiêu tăng cao

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành đến tháng 11 năm 2023.

Theo đó, toàn Ngành tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự Luật, văn bản quan trọng liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT như: Luật BHXH (sửa đổi); Luật BHYT (sửa đổi); dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phòng, chống HIV/AIDS; góp ý dự thảo Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và BHXH Việt Nam thực hiện Đề án 06;…

Về các chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, số người tham gia BHXH: 17,515 triệu người, tăng 1,99% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ 37,58% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,012 triệu người, tăng 1,28%; 1,503 triệu người tham gia BHXH tự nguyện tăng 10,21%. Số người tham gia BHTN là 14,304 triệu người, tăng 1,43% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Toàn quốc có 91,796 triệu người tham gia BHYT, tăng 3,49% so với cùng kỳ năm 2022, đạt tỷ lệ bao phủ 92,77% dân số.

Tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT của toàn Ngành thực hiện trong tháng 10 năm 2023 là 39.216 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 10 năm 2023 là 377.931 tỷ đồng, tăng 32.542 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,6% kế hoạch giao.

Toàn Ngành tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách, giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ BHXH, đảm bảo quyền lợi người lao động. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chi đủ, phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Hình ảnh một số điểm cầu tham dự Hội nghị

Chủ động tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, triển khai các quy định thanh tra chuyên ngành đóng theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm về BHXH, BHYT, BHTN.

Công tác truyền thông được thực hiện kịp thời, đặc biệt là những “vấn đề nóng” được dư luận quan tâm.  Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, giảm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06).

Đánh giá khó khăn, nhiệm vụ, chỉ tiêu cần hoàn thành

Bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng đã nghe báo cáo từ BHXH các tỉnh, thành phố đang có tỷ lệ phát triển người tham gia còn thấp so năm 2022 và bình quân chung cả nước; có tỷ lệ chi BHYT có nguy cơ lớn vượt dự toán lớn.

Lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Bình, TP.Hà Nội đã chia sẻ cụ thể về các vấn đề này. Theo đó, việc giảm số người tham gia chủ yếu do tình hình suy giảm sản xuất, kinh doanh; nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng đã cắt giảm lao động; một số thay đổi về mức đóng BHXH tự nguyện, thay đổi nhóm hỗ trợ tham gia BHYT cũng khiến nhiều người dân dừng tham gia, nhất là ở vùng núi, nông thôn. Tại nhiều địa phương, số người khám chữa bệnh trong năm 2023 có sự gia tăng lớn do người dân đi khám các triệu chứng hậu covid-19…

Hiện nay, BHXH các địa phương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ phát triển người tham gia, bám sát cơ sở, các doanh nghiệp để rà soát, vận động đối tượng tiềm năng; đẩy mạnh công tác thanh tra; tăng cường công tác giám định BHYT, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định…

Tháo gỡ, chia sẻ với khó khăn của các địa phương, phát biểu tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã đánh giá, thảo luận, tháo gỡ, định hướng các giải pháp mà BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung triển khai.

Về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ Dương Văn Hào đánh giá, đã có những chuyển biến trong toàn Ngành về công tác thu, phát triển người tham gia. Tuy nhiên nếu không có các giải pháp đột phá thì không ít tỉnh hoàn thành được chỉ tiêu được giao.

Ông Hào cho biết, hiện nay BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành được kịch bản về phát triển người tham gia bao trùm được tất cả các giải pháp cơ bản nhất trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, qua thống kê, ở các địa phương việc thực hiện các kịch bản này còn ít, chưa hiệu quả.

Để hoàn thành công tác thu, phát triển người tham gia trong 2 tháng còn lại năm 2023, ông Hào đề nghị, BHXH các địa phương cần tập trung công tác tham mưu để cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm sự hỗ trợ cho các nhóm yếu thế; tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đến cấp xã. Các nhóm đối tượng tiềm năng cần tập trung rà soát, vận động là: người dân ở các xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đang tụt tỷ lệ bao phủ BHYT; học sinh, sinh viên; người được bổ sung hỗ trợ tham gia BHYT theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành…

Đối với công tác chi KCB BHYT, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc đã thông tin, hướng dẫn BHXH các địa phương trong thực hiện các quy định mới theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP về thu, sổ thẻ, thủ tục khám chữa bệnh; thanh toán chi phí vượt tổng mức, ký hợp đồng khám chữa bệnh, việc cảnh báo chi phí để các cơ sở điều chỉnh… Ông Phúc cũng lưu ý, những tháng cuối năm 2023, tình hình KCB BHYT trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022. Vì vậy, BHXH các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác giám định. Bên cạnh đó, các tỉnh cần thực hiện đúng quy trình giám định BHYT; tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thực hiện các giải pháp đảm bảo, tăng cường quyền lợi cho người KCB BHYT.

Các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Về công tác thanh tra, kiểm tra; chính sách BHXH, công nghệ thông tin, Thủ trưởng các đơn vị liên quan cũng có những hướng dẫn, giải đáp một số vấn đề, vướng mắc của BHXH các địa phương. Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cũng phổ biến các nội dung quan trọng theo Công điện số 968/CĐ- TTg ngày 16/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Toàn Ngành tập trung, quyết liệt, hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ

Phát biểu tại Hội nghị, các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã đánh giá các nhiệm vụ, chỉ tiêu cơ bản của Ngành; đồng thời có những chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các địa phương theo từng lĩnh vực phụ trách.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam đã ban hành các kế hoạch, kịch bản về công tác thu, phát triển người tham gia. Tuy nhiên, qua theo dõi, việc triển khai các nội dung này ở nhiều địa phương chưa quyết liệt, hiệu quả. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các địa phương bám sát các kế hoạch, giải pháp đã được BHXH Việt Nam ban hành; đồng thời nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất hiện nay là BHXH các địa phương khẩn trương tham mưu để thành lập, kiện toàn cho được Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến tận cấp xã; từ đó thực hiện giao chỉ tiêu đến từng thôn, bản. Không có sự vào cuộc của các cấp cơ sở này thì không thể hoàn thành được. Về giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH các tỉnh phải bám sát các quy trình của Ngành, phối hợp chặt chẽ giữa thu và công tác thanh tra, kiểm tra.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu, BHXH các địa phương tăng cường công tác cung cấp thông tin về thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn đến các Đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng hướng dẫn BHXH các tỉnh về phương thức, nguồn lực cho hoạt động của các Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Về lĩnh vực BHYT, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa làm rõ thêm các nguyên nhân về tình hình chi khám chữa bệnh tăng cao tại nhiều địa phương hiện nay; chỉ đạo nâng cao hơn nữa công tác giám định; kiểm soát chi phí, đảm bảo quyền lợi của người tham gia; đồng thời hướng dẫn về các nội dung mới theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ về lĩnh vực này.

Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh thông tin về một số kết quả triển khai Đề án 06 của BHXH Việt Nam với nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành. Trong đó, cơ sở dữ liệu của Ngành đã được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là nền tảng thuận lợi, phục vụ khai thác trong phát triển người tham gia, chi trả các chế độ của Ngành, BHXH các địa phương cần tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả hơn nữa.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá cao các kết quả toàn Ngành đạt được trong 10 tháng đầu năm. Các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành đều tăng so với cùng kỳ, là tiền đề quan trọng để toàn Ngành thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ trong 2 tháng còn lại.

Thông tin các nhận định, đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước 10 tháng và những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, có nhiều khởi sắc về sản xuất, kinh doanh, số doanh nghiệp thành lập mới tăng, tuy nhiên khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi.

Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn Ngành tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường thông tin về thực hiện chính sách BHXH, BHYT đến các Đại biểu Quốc hội phục vụ quá trình sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT thời gian tới.

BHXH các tỉnh, thành phố cần bám sát tình hình địa phương, khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; nhất là nâng cao vai trò, hoạt động của các Ban chỉ đạo thêm sôi nổi, hiệu quả hơn nữa. Bám sát kịch bản thu của BHXH Việt Nam, áp dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT; tập trung truyền thông, vận động đến các nhóm tiềm năng, nhất là các xã nông thôn mới đang sụt giảm tỷ lệ tham gia BHYT. Phát triển người tham gia BHYT, không chỉ là chỉ tiêu cần hoàn thành mà còn là trách nhiệm với người dân, giúp người dân không rơi vào nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Công tác thanh tra cần tiếp tục đẩy mạnh để giảm nợ, phòng chống trục lợi, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Về chính sách y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát chi phí. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, không để xảy ra chậm.

“Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc với các Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. Thời gian này, Giám đốc BHXH các địa phương cần tăng cường đi thực tế, bám cơ sở, quyết tâm hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động