Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy

22/09/2023 10:43 AM


Đó là một trong những nội dung BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tại Công văn số 2944/BHXH-VP về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo đó, Công văn nêu rõ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện nghiêm túc, quán triệt, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các văn bản của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn (CHCN): Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư và Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo cụ thể trách nhiệm của đơn vị, cá nhân; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm của đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định về PCCC.

Thứ hai, tổ chức xây dựng, kiện toàn lực lượng PCCC tại trụ sở BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã; đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố cháy nổ tại đơn vị.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kiến thức về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan, đơn vị khi có sự cố cháy nổ. Các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phải cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Thứ tư, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác PCCC, hỗ trợ kịp thời việc mua sắm trang thiết bị phục vụ PCCC phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị. Thường xuyên tổ chức, kiểm tra, khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị, kịp thời chấn chỉnh, trang bị, nâng cấp các trang thiết bị PCCC.

Thứ năm, phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội và các đơn vị PCCC tại địa phương để xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập các tình huống PCCC, CHCN, góp phần nâng cao kỹ năng PCCC, CHCN cho công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị.

Thứ sáu, phát huy phong trào “Toàn dân tham gia công tác PCCC” theo phương châm “bốn tại chỗ” gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở thành “hạt nhân” trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, an ninh trật tự trên địa bàn cơ quan, đơn vị, nơi cư trú (Tham gia tập huấn kiến thức, kỹ năng PCCC và diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư; Tự kiểm tra, đảm bảo an toàn PCCC trong gia đình; Chủ động trang bị các công cụ, dụng cụ PCCC, như: bình chữa cháy, thang thoát hiểm, có phương án tạo lối thoát khẩn cấp qua lô gia, ban công, lối lên mái,…;Tuyên truyền cho người thân, nhân dân nơi cư trú các kỹ năng, biện pháp chữa cháy và thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra).

Thứ bảy, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện nghiêm túc theo các chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành trên địa bàn về việc tăng cường công tác PCCC, CHCN; khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ, báo cáo BHXH Việt Nam để chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời./.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động