Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Bảo đảm và nâng cao quyền lợi BHXH, kiên quyết xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH
10/06/2023 09:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu ra tại các phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ chú trọng bảo vệ quyền của NLĐ trong khu vực chính thức, phi chính thức, khuyến khích và hỗ trợ NLĐ ký kết HĐLĐ tham gia BHXH; kiên quyết xử lý đơn vị nợ đọng BHXH…
Phát biểu làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trân trọng cảm ơn các vị ĐBQH, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và có ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm về các đề án luật và báo cáo của Chính phủ.
Về cập nhật tình hình kinh tế- xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép và phải chống chịu với sức ép cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư FDI 5 tháng gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động khoảng 95.000 doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức cả bên trong và bên ngoài như: Tăng trưởng kinh tế thấp, tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 88.000 doanh nghiệp. Việc thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phục hồi phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và công tác quy hoạch còn chậm. Đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là công nhân lao động, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Song Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời chú trọng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho Nhân dân.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, về an sinh xã hội và lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành triển khai và thực hiện hiệu quả và đạt kết quả quan trọng được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng lao động bị mất việc, giảm giờ làm xảy ra cục bộ tại một số địa phương, trong đó có một số ngành nghề trong 5 tháng đầu năm có 510.000 lao động bị ảnh hưởng, trong đó có 279.000 lao động bị thôi việc, mất việc, chậm đóng, trốn đóng và rút BHXH một lần gia tăng… Do đó, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho NLĐ.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06 ngày 10/1/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động; theo dõi sát tình hình NLĐ mất việc làm, thôi việc, giảm giờ làm để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại, chú trọng các chính sách đào tạo việc làm, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động. Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng phù hợp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn. Báo cáo cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết. Thực hiện tốt các chính sách BHXH, BH thất nghiệp, xây dựng quan hệ hài hòa lao động, ổn định tiến bộ và hội nhập. Làm tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và quản lý lao động ở nước ngoài tại Việt Nam. Chú trọng bảo vệ quyền của NLĐ trong khu vực chính thức, phi chính thức, khuyến khích và hỗ trợ NLĐ ký kết HĐLĐ tham gia BHXH, giám sát hiệu quả các ngành nghề, đơn vị thuê lao động phi chính thức trong việc bảo đảm an toàn lao động và các điều kiện làm việc tối thiểu. Khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Bảo đảm và nâng cao quyền lợi tham gia BHXH cùng với tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Kiên quyết xử lý các cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Về năng suất lao động xã hội, tăng năng suất lao động là yêu cầu cấp bách, khách quan, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2022 ở mức 4,8%, không đạt mục tiêu đề ra là 5,5%. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ khoa học, công nghệ trong nhiều ngành, lĩnh vực còn lạc hậu, chưa theo kịp với khu vực và thế giới. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội ngành còn nhiều bất cập, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực công nghiệp, dịch vụ còn chậm. Đồng thời, do phương pháp tính GDP trên tổng người làm việc bình quân nên năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng do yếu tố đặc thù của năm 2022 là lực lượng lao động có việc làm tăng mạnh sau khi kiểm soát thành công dịch Covid-19.
Trả lời chất vấn của ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử đã và đang có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập đời sống của một bộ phận NLĐ, người dân. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay tình hình như các vị đại biểu biết là những tháng đầu năm đã xảy ra những hiện tượng bị mất việc, giảm việc tại những thành phố lớn, những khu công nghiệp như khu trọng điểm kinh tế phía Nam, phía Bắc và miền Trung. Số lao động bị ảnh hưởng thì trong báo cáo giải trình vừa rồi tôi cũng có đề cập là khoảng 510.000 người, trong đó mất việc, thôi việc khoảng 279.000 người và số lao động giảm giờ làm là khoảng 195.000 người, tình trạng chung phản ánh là việc làm giảm, lao động giảm việc, mất việc.
Thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp để xử lý tình huống này trong điều kiện tốt nhất. Những giải pháp trong thời gian vừa rồi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Thứ nhất, làm sao để các doanh nghiệp hoạt động bình thường, hoạt động có hiệu quả, cải thiện tình hình hoạt động của doanh nghiệp thì việc làm của các công nhân sẽ đáp ứng được và sẽ xử lý được tình huống giảm việc. Thứ hai, trong điều kiện như vậy các ngành, các cấp và địa phương theo chính sách, chế độ của Nhà nước hỗ trợ cho NLĐ thực hiện những chính sách liên quan tới BHXH, liên quan tới BH thất nghiệp, liên quan tới BHYT. Thứ ba, tăng cường kết nối cung cầu và tạo điều kiện cho NLĐ tiếp cận việc làm, nhất là những sàn giao dịch việc làm ở các địa phương để NLĐ có được đầy đủ các thông tin, chuyển dịch vị trí lao động phù hợp nhất để tạo điều kiện cho NLĐ có việc làm. Thứ tư, đề nghị các địa phương và các ngành nắm bắt kịp thời để ngăn chặn tình trạng lôi kéo, kích động bằng những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng tới việc làm cũng như ảnh hưởng tới hành vi của NLĐ như việc rút BHXH một lần…
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động