Tăng cường thực hiện hoạt động ủy quyền với các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT

17/05/2023 05:34 PM


BHXH Việt Nam vừa có Công văn 1362/BHXH-TST gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện hoạt động ủy quyền với các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT.

Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là BHXH tỉnh), tính đến 31/12/2022, BHXH tỉnh đã ký Hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT với 527 Tổ chức dịch vụ trên địa bàn, mở rộng mạng lưới với 53 nghìn nhân viên thu, phân bổ tại 27.452 điểm thu; bước đầu đã triển khai vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo chỉ tiêu đã cam kết.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số hạn chế trong hoạt động ủy quyền thu của Tổ chức dịch vụ như: còn 68 xã chưa bố trí được điểm thu; có 9,8 nghìn điểm thu chưa được trang bị biển hiệu; một số điểm thu không phát triển mới được người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hoặc số người tham gia rất thấp, không hoàn thành chỉ tiêu đã cam kết với cơ quan BHXH; thực hiện chưa tốt công tác quản lý nhân viên thu và địa bàn hoạt động; việc phối hợp với cơ quan BHXH và Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã để triển khai hội nghị khách hàng chưa tốt. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh giữa các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT và sự can thiệp không khách quan của cán bộ BHXH trong việc chỉ định người tham gia với các Tổ chức dịch vụ... 

Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế trên là do một số BHXH tỉnh: Không thực hiện tốt việc rà soát năng lực của các Tổ chức dịch vụ trước khi ký hợp đồng ủy quyền; chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Tổ chức dịch vụ trong tổ chức thực hiện; công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, cập nhật chính sách, quy trình nghiệp vụ cho nhân viên thu chưa kịp thời, chất lượng chưa cao; việc cập nhật, chuyển giao danh sách đối tượng tiềm năng chưa tham gia, đang tham gia của cơ quan BHXH cho các Tổ chức dịch vụ tại địa bàn xã chưa tốt. Bên cạnh đó, một số Tổ chức dịch vụ chưa quyết liệt giao chỉ tiêu cho các điểm thu, nhân viên thu; quan hệ phối hợp giữa cơ quan BHXH với các Tổ chức dịch vụ, giữa các Tổ chức dịch vụ với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị, đoàn thể tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa phát huy thế mạnh của hệ thống chính trị tại địa phương để tổ chức thực hiện các chi tiêu, nhiệm vụ.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện một số nội dung:

Một, tiếp tục gửi thư mời/giấy mời rộng rãi, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các đơn vị/doanh nghiệp đăng ký làm Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT theo quy trình hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Công khai danh sách các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT đã ký Hợp đồng, danh sách nhân viên thu của Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên Cổng thông tin điện tử, niêm yết danh sách Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT và danh sách nhân viên thu của Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT tại trụ sở BHXH tỉnh/huyện và tại các Điểm thu để người dân biết và tiện liên hệ.

Hai, rà soát các điểm thu trên địa bàn, tổ chức điều phối địa bàn hoạt động của các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT linh hoạt, phù hợp với quy mô địa bàn, tỷ trọng dân số và đối tượng tiềm năng. Để đảm bảo hoạt động hiệu quả, không chồng chéo, mỗi xã nên bố trí vừa đủ Tổ chức dịch vụ hoạt động trên cùng một địa bàn, Tổ chức dịch vụ đăng ký hoạt động trên địa bàn nào thì chỉ hoạt động đúng địa bàn đó. Trang bị đầy đủ biển hiệu điểm thu để người dân dễ dàng nhận diện Điểm thu BHXH, BHYT trên địa bàn. Mở rộng đội ngũ nhân viên thu, cộng tác viên thu; tăng cường công tác quản lý nhân viên thu, 01 nhân viên thu không được đăng ký làm cho 02 Tổ chức dịch vụ. Chấm dứt hoạt động của nhân viên thu mà không phát triển được người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT trong thời gian 06 tháng liên tục.

Ảnh minh họa

Ba, cập nhật danh sách đối tượng tham gia tiềm năng trên địa bàn cấp xã và chuyển giao kịp thời cho các Tổ chức dịch vụ để vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng tuần, hàng tháng triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, phù hợp, không để xảy ra tình trạng lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh để thu hút người tham gia BHXH, BHYT; thống nhất với Tổ chức dịch vụ để đảm bảo mức thù lao cho nhân viên thu và cộng tác viên.

Bốn, đôn đốc, hướng dẫn Tổ chức dịch vụ phối hợp với cơ quan BHXH và Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp xã xây dựng quy chế phối hợp, triển khai thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam.

Năm, xây dựng kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng, tập huấn cho nhân viên thu, chuẩn bị kỹ về chất lượng nội dung kiến thức cần trang bị như: Chính sách pháp luật BHXH, BHYT; quy trình nghiệp vụ của BHXH Việt Nam; kỹ năng tuyên truyền, vận động người tham gia...

Sáu, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ chức dịch vụ và nhân viên thu trên địa bàn theo các nội dung đã ký kết trong Hợp đồng ủy quyền như: Thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT; thu tiền đóng của người tham gia và nộp cho cơ quan BHXH; quản lý biên lai thu tiền; trả sổ BHXH, thẻ BHYT cho người tham gia. Không vận động, thu tiền đóng đối với trường hợp người đang tham gia BHXH, BHYT (tái tục) mà trước đó người tham gia đã được Tổ chức dịch vụ khác vận động, thu tiền đóng, lập danh sách và đang quản lý.

Bẩy, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT hoặc hợp tác với Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT để can thiệp với mục đích vụ lợi, cạnh tranh không lành mạnh giữa các Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, ảnh hưởng đến uy tín của Ngành BHXH Việt Nam./.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động