Thiết kế hệ thống hưu trí đa tầng để mở rộng lưới an sinh
21/12/2022 03:59 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Số liệu từ Điều tra dân số và kế hoạch hóa gia đình 2021 cho thấy, chỉ sau 2 năm (tính từ cuộc Tổng điều tra dân số năm 2019), tổng dân số Việt Nam đã tăng thêm khoảng 2,1 triệu người, trong đó dân số cao tuổi cũng tăng thêm gần 1,2 triệu (chiếm 56% phần tăng thêm của tổng dân số). Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2049 Việt Nam sẽ có 28,6 triệu người cao tuổi (chiếm gần 25% dân số), tức là cứ 4 người thì có 1 người cao tuổi.
Tuy nhiên, hệ thống hưu trí Việt Nam hiện được thiết kế đơn tầng, độ bao phủ còn hạn chế với 2 chế độ hưu trí: Thứ nhất, dựa trên đóng góp của NLĐ, DN (thuộc BHXH bắt buộc; BHXH tự nguyện); Thứ hai, không dựa trên đóng góp (hay còn gọi là hưu trí xã hội, do NSNN chi trả, dành cho người trên 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH khác và cho người 60-79 tuổi dựa trên gia cảnh). Tính chung 2 hệ thống này chỉ đảm bảo chế độ cho khoảng 40% người cao tuổi; số còn lại không có lương hưu và trợ cấp.
Có thể nói, hệ thống hưu trí hiện nay đang trong quá trình giao thoa giữa các thế hệ đóng và hưởng, trong đó “lát cắt” năm 1995 phân chia 2 nhóm: Thứ nhất, nhóm thuộc giai đoạn hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai, chưa phát triển, chịu ảnh hưởng khó khăn từ thời bao cấp hoặc phải “về một cục” theo Chế độ 176. Thứ hai, nhóm lao động tham gia sau 1995. Nhóm này vẫn còn hạn chế so với quy mô thị trường lao động. Chưa kể, 2 năm đại dịch COVID-19 vừa qua đã khiến cho nhiều lao động gặp khó khăn, “đứt gãy” về việc làm, thu nhập nên khó tham gia BHXH hơn.
“Già hóa dân số nhanh và hệ thống hưu trí đơn tầng có thể coi là 2 yếu tố cộng hưởng gây áp lực lên hệ thống an sinh xã hội”- PGS.TS Giang Thanh Long nhận định.
Để mở rộng độ bao phủ BHXH, cùng với việc phát triển người tham gia mới phải giữ được những người đang tham gia ở lại trong hệ thống. Tuy nhiên, trong thực tế, số người nhận BHXH một lần vẫn đang tăng. Theo PGS.TS Giang Thanh Long, nhiều người nhận BHXH một lần mong muốn lấy tiền kinh doanh buôn bán và tự lo cuộc sống khi về già. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ một số ít có thể dùng số tiền hưởng một lần đó thành công trong kinh doanh. Còn phần lớn số lao động hưởng BHXH một lần là người có mức thu nhập thấp. Họ dùng khoản tiền đó giải quyết khó khăn, chi cho những nhu cầu trước mắt như: Sửa chữa nhà cửa, chi tiêu hàng ngày hoặc cho giáo dục, KCB... NLĐ khi nhận BHXH một lần có nhiều bất lợi vì ngoài việc tự cắt bỏ các quyền lợi an sinh thì khoản tiền họ nhận về cũng không phải quá lớn để có thể đầu tư “ra tấm, ra món”.
Một số nghiên cứu về việc rút BHXH một lần của NLĐ ở châu Âu với dữ liệu SHARE (dữ liệu theo dõi cá nhân về việc làm, thu nhập... theo thời gian) đã chỉ ra rằng, phần lớn người xin rút BHXH một lần đều là lao động có thu nhập thấp và họ đã trở thành người cao tuổi nghèo, phải quay lại hệ thống an sinh xã hội để được hưởng trợ cấp thay vì hưởng hưu trí nếu tiếp tục tham gia khi còn trẻ. Chính vòng xoáy này khiến cho hệ thống BHXH chịu ảnh hưởng lớn, tạo gánh nặng cho NSNN vì phải tăng chi trợ cấp xã hội. Nếu tình trạng này diễn ra trên diện rộng có thể đe dọa sự bền vững cả về độ bao phủ lẫn tài chính của hệ thống an sinh xã hội. Để tránh đi vào con đường này, chính sách BHXH bắt buộc và tự nguyện ở Việt Nam cần khắc phục những điểm chưa phù hợp.
Thứ nhất, theo khảo sát thực hiện với khu vực phi chính thức, NLĐ lưỡng lự tham gia BHXH tự nguyện vì chỉ có 2 chế độ dài hạn (hưu trí và tử tuất) mà chưa có những quyền lợi sát sườn như: Ốm đau, thai sản hay TNLĐ, thất nghiệp. Trải qua đợt dịch COVID-19 kéo dài 2 năm vừa qua, người tham gia BHXH tự nguyện dù mất việc làm, mất sinh kế, nhưng họ cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ở góc độ khác, hiện nay, lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động. Đây là nhóm BHXH tự nguyện cần hướng tới để tăng độ bao phủ, nhưng tỷ lệ tham gia lại thấp. Những người không tham gia sẽ không được lưới an sinh bảo vệ. Họ chính là “nhóm mất tích” (the missing middle) trong hệ thống BHXH ở Việt Nam. Những lao động nhận BHXH một lần cũng rất dễ rơi vào nhóm “mất tích” này.
Để mở rộng lưới an sinh, tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) các cơ quan soạn thảo đã đi theo hướng giảm năm đóng BHXH để đủ điều kiện nghỉ hưu và siết điều kiện hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, theo quan điểm của PGS.TS Giang Thanh Long, đây vẫn chỉ là chính sách “nhất thời”, chưa mang tính tổng thể, dài hạn.
“Việc giảm năm đóng BHXH để NLĐ sớm có lương hưu có thể tạo nên nguy cơ nhiều hơn lợi ích, bởi dễ tạo nên xu hướng NLĐ chỉ tham gia BHXH trong ngắn hạn. Nghĩa là họ tìm đến chính sách an sinh như một nơi tạm trú để có một phần thu nhập thường xuyên, ổn định, chấp nhận sau này có lương hưu rất thấp. Hậu quả là, rất có thể NLĐ lại rơi vào vòng luẩn quẩn khi tuổi già đối mặt với sức khỏe kém, nhiều bệnh tật, nhưng vẫn phải làm việc kiếm sống. Việt Nam chưa đạt được mức phúc lợi như các nước phát triển mà ở đó người cao tuổi đi làm với mong muốn đóng góp cho xã hội và họ thực sự thích được làm việc hơn là thích có thêm thu nhập”- PGS.TS Giang Thanh Long nêu ý kiến.
Phương án giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu dù thuận lợi cho những người muốn nghỉ hưu sớm, song có thể lãng phí một lực lượng lao động còn khả năng làm việc với số năm lao động còn lại khá dài.
Vì thế, PGS.TS Giang Thanh Long cho rằng, có những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên học hỏi. Ví dụ, với BHXH bắt buộc, việc “linh hoạt” hưởng lương hưu chỉ nên thực hiện ở giai đoạn sau tuổi nghỉ hưu. Như Nhật Bản, tuổi nghỉ hưu theo quy định là 65 và sau tuổi này NLĐ có thể tiếp tục làm việc, đóng BHXH và được chọn độ tuổi nghỉ hưu phù hợp cho tới khi 70 tuổi. Lao động nghỉ hưu ở tuổi nào (trong khoảng 65-70 tuổi) sẽ được tính lương hưu ở tuổi đó và mức hưởng tương xứng với số năm và mức đóng, trong đó đóng ở độ tuổi càng cao thì mức hưởng lương hưu càng cao.
Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt theo hướng tuổi làm việc ở công sở theo quy định, nhưng tuổi nghỉ hưu nói chung với NLĐ thì không quy định “cứng”. NLĐ có thể đóng BHXH bình thường và tự chọn đăng ký nghỉ hưu ở độ tuổi muộn hơn. Ví dụ, NLĐ muốn nghỉ hưu ở tuổi 70 sẽ tính mức hưởng lương hưu theo tuổi này với những khuyến khích nhất định. Nhưng để làm được điều này, giai đoạn trước đó cần tạo việc làm bền vững, có tích lũy, nâng thu nhập của NLĐ để mức đóng cũng tăng theo, chứ không phải đóng trên lương tối thiểu vùng như hiện nay.
Ngoài ra, Chính phủ nên thiết kế một hệ thống hưu trí đa tầng với công thức hưởng khác nhau. Tầng dưới cùng dành cho lao động hưởng lương hưu dựa trên những năm đóng BHXH ở mức thu nhập tối thiểu. Hưu trí tầng này do Nhà nước phụ trách và nếu mức hưởng thấp hơn mức lương tối thiểu thì bù thêm. Tầng thứ hai là những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn làm việc, có thu nhập và tiếp tục tham gia BHXH theo nguyên tắc chia sẻ chung. Nhóm này tự chọn tuổi nghỉ hưu và mức hưởng tương xứng tuổi nghỉ hưu. Tầng thứ ba dành cho những người đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu như hình thức tài khoản cá nhân.
Còn với BHXH tự nguyện, cần bổ sung các chế độ rất thiết thực như: Ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp... để tăng sức hấp dẫn, mở rộng diện bao phủ BHXH vì đây là khu vực còn rất nhiều dư địa và rất tiềm năng.
Tạp chí BHXH
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động