Tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH

28/04/2022 10:00 AM


Ngày 27/4, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam phối hợp Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Tọa đàm tham vấn ý kiến quốc tế về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật BHXH. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn và ông Robert J.Palacios- Chuyên gia trưởng lĩnh vực ASXH khu vực Đông Á-Thái Bình Dương đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các thành viên Tổ xây dựng Luật BHXH (sửa đổi) cùng các chuyên gia WB.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn khẳng định, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng- hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động (NLĐ), bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng- hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội thảo

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Nghị quyết số 28-NQ-TW về cải cách chính sách BHXH có rất nhiều nội dung tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của ILO. Vì thế, việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW cần được triển khai thông qua việc sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản luật có liên quan theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó có Luật BHXH. “BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Do đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH (sửa đổi), BHXH Việt Nam nhận thấy một số nội dung cần được làm rõ và điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Luật BHXH (sửa đổi) lần này và những nội dung này rất cần những ý kiến đóng góp của các chuyên gia quốc tế có chuyên muôn và am hiểu về bản chất của hệ thống ASXH trên toàn cầu”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Ông Robert J.Palacios- Chuyên gia trưởng lĩnh vực ASXH khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho biết, việc sửa đổi Luật BHXH là rất quan trọng và rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam là quốc gia Châu Á đang già hoá nhanh nhất, nhanh hơn cả Nhật Bản và Trung Quốc nên vấn đề bao phủ BHXH cũng như các chế độ cần phải xử lý khi sửa Luật BHXH. Vì vậy, cùng với Nghị quyết số 28 thì Việt Nam cũng cần các biện biện pháp chủ động để tăng tỷ lệ người tham gia vào hệ thống BHXH nếu không Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “già trước khi giàu”.

Tại Tọa đàm, bà Đinh Thu Hiền- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH nêu lên thực trạng hiện nay một số chế độ BHXH đang được quy định tại các Luật khác như: Luật Việc làm (BH thất nghiệp); Luật ATVSLĐ (chế độ TNLĐ- BNN). Mặt khác, theo Luật BHXH năm 2014 đang bao phủ BHXH đối tượng có quan hệ lao động và Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian.

Hướng tới mở rộng lưới an sinh và phát triển bền vững

Cũng theo bà Hiền, Nghị quyết số 28 đưa mục tiêu đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH (trong đó 2,5% tham gia BHXH tự nguyện); đến năm 2030 có 60% tham gia BHXH (trong đó 5% tham gia BHXH tự nguyện). “Do vậy, để đạt mục tiêu trên cần mở rộng đối tượng làm việc không theo HĐLĐ, có công việc ổn định, có thu nhập, có sự ràng buộc trách nhiệm giữa người nhận công việc, nhận thù lao và người giao việc, trả thù lao; quy định các nhóm đối tượng tham gia BHXH theo lộ trình mở rộng dần và giao Chính phủ quy định đảm bảo cân đối và phù hợp với thu nhập từng thời kỳ; bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện”- bà Hiền đề xuất.

Về vấn đề mở rộng diện bao phủ BHXH và thực trạng tại Việt Nam, ông Christophe Lemiere- Quản lý Chương trình Phát triển Con người tại Việt Nam chia sẻ, năm 2019, Việt Nam có khoảng 23,6% lực lượng lao động tham gia đóng BHXH, trong đó hầu hết là lao động làm công (trừ nhóm hộ kinh doanh cá thể) nhưng không phải tất cả (có 21% số người không tham gia BHXH) với mức lương trung bình hàng tháng là 7,5 triệu đồng/người, số người không tham gia BHXH có mức lương trung bình là 5,2 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý, trong tất cả các ngành nghề thì thu nhập hàng tháng của nhóm tham gia BHXH cao hơn nhóm không tham gia. Tỷ lệ tham gia và mức đóng góp tại các nền kinh tế mới nổi còn thấp bởi quy định Luật BHXH năm 2014 đã loại trừ một số nhóm lao động, mức đóng BHXH cao và NLĐ không đủ thu nhập để tham gia BHXH. “Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam thấp là do quy định thời gian tối thiểu hưởng lương hưu dài (20 năm)- cao hơn so với các nước OECD. Đồng thời, Việt Nam cũng là một trong những nước cho phép NLĐ rút BHXH một lần. Như vậy, sẽ tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, và nhà nước phải hỗ trợ thu nhập cho người cao tuổi” ông Christophe Lemiere nói.

Tuy nhiên, ngành nào cũng có lao động có khả năng tham gia. Chính vì vậy, nếu Luật BHXH (sửa đổi) mở rộng nhóm tham gia BHXH bắt buộc đến tất cả lao động làm công (khu vực công, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh) thì số người tham gia vào hệ thống BHXH có thể tăng tối đa 21 điểm phần trăm lực lượng lao động (16%+1%+4%) (tăng tỷ lệ tham gia BHXH tăng từ 24% lên 45%). Và nếu hạ thêm mức đóng BHXH xuống thấp hơn 22% thì sẽ thu hút thêm được 8,2% lực lượng lao động tham gia BHXH (tổng số tăng lên 32,2%). Như vậy, vẫn chưa đạt mục tiêu 55% lực lượng lao động tham gia BHXH bắt buộc. - ông Christophe Lemiere khẳng định.

Theo ông Christophe Lemiere, từ năm 2018 người tham gia BHXH tự nguyện được NSNN hỗ trợ đóng nên hàng năm số người vào hệ thống đều tăng gấp đôi. Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hỗ trợ nhóm tham gia BHXH tự nguyện mà nhiều nước (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Phi-lip-pin, Colombia, Rwanda) đều hỗ trợ đóng góp nhằm khuyến khích người tham gia nhưng tiêu chuẩn hỗ trợ và kết quả khác nhau. Nếu NSNN vẫn hỗ trợ thì đến năm 2030 số người tham gia BHXH tự nguyện có thể lên đến 10 triệu. “Để bền vững chính sách, Chính phủ phải tăng diện tham gia BHXH bắt buộc, hủy bỏ chế độ rút trước BHXH một lần, hỗ trợ 30- 50% mức đóng BHXH tự nguyện cho nhóm nghèo (chi phí dao động trong khoảng 3.196 đến 20.482 tỷ đồng tùy thuộc vào giả định- tương đương 0,08% GDP) thì mới có thể đạt mục tiêu 60% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2030”- ông Christophe Lemiere đề xuất.

Tại buổi tọa đàm, các thành viên tổ xây dựng Luật BHXH cùng chuyên gia WB đã làm rõ những vấn đề liên quan độ bao phủ BHXH, tích hợp giữa chính sách BHXH với hưu trí xã hội, giải pháp về tài chính cũng như tính hấp dẫn thu hút lao động tham gia BHXH tự nguyện; khoảng trống giữa hưởng lương hưu với hưu trí xã hội; kịch bản truyền thông với từng nhóm đối tượng, từng vùng; cân đối quỹ BHXH; tỷ lệ hưởng BHXH một lần (nếu hủy bỏ hưởng BHXH một lần sẽ có hiện tượng chờ luật có hiệu lực NLĐ ồ ạt đi rút)…

Kết luận tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đã cảm ơn những chia sẻ và góp ý đầy trách nhiệm về kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển BHXH của các chuyên gia WB cũng như những chia sẻ rất cụ thể về nguồn lực kinh tế khi hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện (xác định % trên GDP) có ý nghĩa rất lớn cho các cấp có thẩm quyền ở Việt Nam. Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị các chuyên gia WB khi làm việc với các bộ ngành và Chính phủ sẽ là cầu nối đưa các thông tin tổng hợp vê tình hình như: lộ trình cụ thể về hỗ trợ của nhà nước với lương hưu xã hội; rút ngắn khoảng cách khu vực công- tư; nguyên tắc đóng- hưởng với cân đối quỹ lâu dài… Đồng thời, mong muốn WB tiếp tục hỗ trợ BHXH Việt Nam một số nội dung trong giai đoạn tới để việc thực hiện, quản trị BHXH đạt kết quả cao trong thời kỳ công nghệ số…

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động