Sớm có chính sách hỗ trợ để 100% người cao tuổi có thẻ BHYT

17/03/2022 08:00 AM


Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam.

Tại buổi làm việc, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, NCT và công tác NCT Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng, gia đình đặc biệt quan tâm sâu sắc và đạt được những kết quả rất đáng mừng.

Tuyệt đại bộ phận NCT được gia đình, dòng họ, xã hội trân trọng, chăm sóc, điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn trước, tuổi thọ nâng lên nên sau nghỉ hưu, số lượng người còn sức khỏe, còn có thể cống hiến tăng lên. “Qua thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật và chính sách pháp luật về NCT ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, đi vào cuộc sống tốt hơn. Mức trợ cấp cho NCT nâng lên từ 90.000 đồng/tháng nay là 360.000 đồng/tháng. Một số đối tượng mức trợ cấp hơn 1 triệu đồng/tháng. Có nhiều mô hình chăm sóc người cao tuổi rất tốt cả về công lập và ngoài công lập”- ông Dung nói.

Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam đi vào cuộc sống, chăm lo tốt hơn cho NCT. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và Hội người cao tuổi cơ bản nhịp nhàng. Tuy nhiên, cần nhìn nhận NCT ở cả 3 vấn đề: Bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Bởi hiện nay, đang đặt ra các xu hướng về NCT (xu hướng già hóa dân số rất nhanh). Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam cũng đã có những chính sách đón đầu xu hướng này bằng cách kéo dài tuổi nghỉ hưu cho NLĐ. Mặt khác, nếu trước đây, gia đình sống theo mô hình tam, tứ, ngũ đại đồng đường nhưng nay tách ra thành nhiều gia đình riêng lẻ, con cháu ra ở riêng nên số NCT sống đơn thân tăng lên. Cùng với đó, xuất hiện một số vụ bạo hành NCT gây bức xúc xã hội…

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Về những giải pháp trong thời gian tới, ông Đào Ngọc Dung cần sớm tổng kết và sửa đổi pháp luật để hệ thống pháp luật đồng bộ và đi vào cuộc sống hơn. Dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi Luật Người cao tuổi vào năm 2024 và nội dung sửa đổi tập trung vào những nội dung thiết yếu đặc biệt là rút ngắn độ tuổi NCT được hưởng trợ cấp xã hội.

Trong lúc chưa sửa Luật có thể trình ngay vào Luật BHXH để thiết kế tầng thứ nhất BHXH. Bên cạnh đó, người già cần nhất là chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 5% NCT tương đương với hơn 500.000 người chưa có thẻ BHYT. Vì vậy, phải vận dụng nhiều cách khác nhau để đảm bảo 100% người cao tuổi có BHYT. “Trong buổi Thủ tướng làm việc với Trung ương Hội người cao tuổi, Hội nên kiến nghị Thủ tướng ra Nghị quyết, giao HĐND các tỉnh/thành phố đánh giá đầy đủ và dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ mua thẻ BHYT cho NCT”- ông Dung đề xuất.

Chương trình Hành động quốc gia NCT cần chọn một vài nội dung chính làm điểm nhấn. Đặc biệt, cần suy nghĩ tìm cách giải quyết việc làm NCT phù hợp với sức khỏe, khả năng và nguyện vọng. Ví dụ ở Nhật Bản có chương trình hỗ trợ NCT khởi nghiệp theo sức khỏe, năng lực. Nhật Bản dành riêng nghề lái taxi cho NCT. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu kiến nghị Chính phủ để dành một nghề phù hợp cho NCT làm việc.

Cũng tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Bình- Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng thời gian qua, NCT ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu Chính phủ kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong đó có NCT nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, Hội Người cao tuổi Việt Nam rất mong Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sớm sửa đổi Luật người cao tuổi; phối hợp để giải quyết 5% số NCT hiện nay chưa có thẻ BHYT để 100% NCT được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT…

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình ảnh hoạt động