Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH: Lựa chọn phương án có lợi cho người thụ hưởng

28/04/2021 07:48 AM


Dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến các bộ, ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng này vừa bảo đảm phù hợp với thành quả phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết được các yếu tố lạm phát, trượt giá và chăm lo đầy đủ cho mọi đối tượng.

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng đối với 8 nhóm đối tượng. Theo đó, với phương án điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, mức tăng dự kiến 10%; điều chỉnh tăng từ ngày 1/1/2022 với mức 15%.

Lý giải về đề xuất này, ông Nguyễn Huy Hưng- Cục trưởng Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 3.521 USD/người/năm (tương đương 6,7 triệu đồng/tháng); năm 2021 dự kiến 3.700 USD/người/năm (tương đương 7 triệu đồng/tháng). Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 bình quân 3,71 triệu đồng/tháng. Mức chuẩn nghèo của giai đoạn 2022-2025 dưới 2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị và dưới 1,5 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Do đó, mức 2,5 triệu đồng/tháng bằng 36% mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2021 và bằng 67,4% mức lương tối thiểu vùng. Như vậy, mức đề xuất tăng 15% nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng, do tác động từ yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của 3 năm trước và do trong năm 2020, 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH.

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, việc cải cách tiền lương đang khá chậm do có quá nhiều vấn đề phức tạp không thể giải quyết cùng một lúc. Trước đây, mỗi khi tăng lương cơ sở, chúng ta kết hợp tăng lương hưu luôn, nhưng kế hoạch tăng lương cơ sở từ 1/7/2020 đã phải tạm lùi. Nếu tách biệt lương hưu cũng tốt, nhưng thực hiện thế nào để người dân không sốc, không bị tâm lý. Do đó, việc thực hiện cải cách tiền lương cần có sự cân nhắc, lộ trình cần có sự tính toán cụ thể, hài hòa, dựa trên chỉ số trượt giá cũng như tốc độ phát triển kinh tế...

Hình minh hoạ (nguồn: Internet)

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, về cải cách lương hưu không quá lo, vì có 2 nguồn (NSNN và quỹ BHXH). Với những người về hưu trước năm 1995 sẽ dùng NSNN (số này không nhiều), còn những người về hưu từ sau năm 1995 sẽ do quỹ BHXH chi trả. “Hiện nay, đời sống của một bộ phận người về hưu đang rất khó khăn, nhất là với những người đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, dự thảo tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, thay vì tăng vào 1/7/2021 với mức tăng 10%, chúng ta có thể lùi thời điểm tăng tới từ 1/1/2022 và thực hiện tăng 15%. Với người dân tăng càng nhiều càng tốt, vấn đề là ngân sách có trụ được không”- ông Huân nói.

Bày tỏ quan điểm của mình, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho rằng, sẽ ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưu trí. Nhóm hưu trí có lương thấp đa số là CNLĐ trực tiếp. Do khi đi làm có thu nhập thấp nên kéo theo tiền đóng BHXH thấp, đến khi về hưu lại tiếp tục khó khăn hơn. Do đó, phương án có thể chậm hơn một chút, nhưng tỷ lệ được hưởng cao hơn, có lợi hơn cho người hưu trí thì sẽ hợp lý. “Phương án tăng lương hưu từ ngày 1/7/2021 có tính đáp ứng kịp thời do khó khăn chung, nhưng tỷ lệ lại thấp; những người khó khăn thì tăng sớm được ngày nào đều rất quý. Nếu có điều kiện tăng từ 1/7 với tỷ lệ 15% sẽ hợp lý nhất, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh hiện nay là hơi khó. Còn nếu như điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 thì so với thời điểm 1/7 là chậm đi 6 tháng; tuy nhiên NLĐ sẽ có thời gian tăng thêm mức hưởng”- ông Quảng phân tích.

Hình minh hoạ (nguồn: Internet)

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học LĐ-XH cũng nhận định, nhóm hưởng lương hưu thường gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó, việc tăng lương cho bất cứ nhóm nào cũng đều đáng quý và cũng phù hợp, vì khi đó tình hình kinh tế đã bước đầu được phục hồi. Tuy nhiên, việc tăng lương hưu trong bối cảnh năm 2021 và lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ra lạm phát. Bên cạnh đó, dù số người hưởng lương hưu không quá cao, nhưng cũng phải trích từ nguồn quỹ BHXH và NSNN, nên áp lực chi phí là không tránh khỏi. “Vì khó khăn, chúng ta phải giảm đóng, chậm đóng BHXH, dẫn đến nguồn thu của quỹ đã không dồi dào rồi. Nếu trong bối cảnh này mà lại chi nhiều hơn, thì càng gây áp lực cho quỹ”- bà Hương nói.

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động