Tham gia chính sách BHXH, BHYT - Điểm tựa an sinh của người cao tuổi
01/03/2021 04:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với người cao tuổi (NCT), việc tham gia chính sách BHXH, BHYT sẽ tạo ra nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững; song vẫn còn 5% NCT thuộc diện hộ nghèo chưa có thẻ BHYT, đòi hỏi cần có lộ trình lâu dài trong thu hút đối tượng này tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước.
500.000 người cao tuổi thuộc diện nghèo chưa có thẻ BHYT
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết năm 2020, cả nước có gần 13 triệu NCT, chiếm 12% số dân; trong đó, khoảng 1,98 triệu người hơn 80 tuổi; gần 4,8 triệu NCT là nam giới. Với gần 7,7 triệu NCT sống ở nông thôn; tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước. Ðến nay, cả nước có 3,1 triệu NCT hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; 12,1 triệu NCT có thẻ BHYT; 1,8 triệu NCT nhận trợ cấp hàng tháng và hơn 1,4 triệu NCT hưởng trợ cấp người có công với cách mạng.
Là nhóm đối tượng đã suy giảm nhiều về thể lực sau thời gian dài lao động và cống hiến, NCT là nhóm có tần suất khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh bình quân cao hơn các nhóm đối tượng khác do bệnh ở tuổi già chủ yếu là các bệnh mạn tính (như tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, thoái hóa khớp…) phải điều trị suốt đời và điều trị nhiều bệnh cùng lúc; tính chất bệnh nặng... Vì vậy, thời gian qua, quỹ khám, chữa bệnh BHYT đã bảo đảm tốt quyền lợi cho người cao tuổi có BHYT.
Ảnh minh hoạ (nguồn: Internet)
Mặc dù vậy, theo thống kê của Ủy ban quốc gia về NCT Việt Nam, hiện còn hơn 500.000 NCT thuộc diện hộ nghèo chưa có BHYT. Theo các chuyên gia, để bảo đảm tốt nhất việc chăm sóc sức khỏe cho NCT, việc mở rộng, sớm hoàn thành tỷ lệ bao phủ BHYT đến 100% đối tượng này có ý nghĩa quan trọng. Do đó, cùng với việc nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc sức khỏe, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xây dựng kế hoạch giao nhiệm vụ cho từng địa phương, tập trung hỗ trợ, quan tâm đến nhóm đối tượng NCT.
Có thể nhận thấy, nếu có đề án, mục tiêu thực hiện theo lộ trình, Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch về chính sách bảo hiểm cho người dân, đặc biệt NCT, với quyết tâm thực hiện bao phủ BHYT hết 5% NCT thuộc diện hộ nghèo còn lại.
Thu hút người cao tuổi tham gia BHXH tự nguyện
Trong năm 2020, cả nước có thêm gần 1,1 triệu người dân tham gia BHXH tự nguyện, trong đó, tỷ lệ NCT tham gia lớn, đặc biệt là người từ 50 tuổi trở lên. Việc NCT tham gia chính sách BHXH, nhất là BHXH tự nguyện sẽ tạo nền tảng an sinh xã hội lâu dài và bền vững.
Ðề xuất xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để thu hút NCT tham gia BHXH tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho rằng, trước mắt, khi Luật BHXH chưa được sửa đổi, có thể nâng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện theo từng nhóm. Ðối với nhóm NCT, số tiền hỗ trợ không lớn, dự kiến chưa đến 200 tỷ đồng/năm.
Trong thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục đổi mới trong công tác tổ chức thực hiện; phối hợp tốt với Bộ, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về BHXH tự nguyện. Thực hiện theo hướng giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và bổ sung các chế độ BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tổng hợp các nguồn lực của Nhà nước dành cho đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, trong đó có NCT, trên tinh thần phân bổ nguồn lực hiệu quả, đúng đối tượng, giảm dần hỗ trợ trực tiếp, chuyển sang hỗ trợ NCT có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; từng bước kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ thông qua chính sách bảo hiểm cho NCT có hoàn cảnh khó khăn.
Những đóng góp nhằm tăng tính hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn nữa cho NCT tham gia BHYT, BHXH tự nguyện sẽ được triển khai và đẩy mạnh hơn nữa để BHXH thực sự là “chỗ dựa an sinh” cho người dân.
Lan Anh (Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động