Phát triển BHXH tự nguyện theo Nghị quyết số 28-NQ/TW: Những bước tiến quan trọng

11/01/2021 08:00 AM


Năm 2020 được coi là năm bản lề đối với BHXH Việt Nam trong phát triển người tham gia BHXH, trong đó có mở rộng BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Chính nhờ xác định đúng và trúng, toàn Ngành đã đạt kết quả quan trọng, đặc biệt là việc mở rộng diện bao phủ ở nhóm lao động phi chính thức hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao.

Gia tăng niềm tin

Theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, việc cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện, không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến người nông dân, lao động khu vực phi chính thức- đây là “khoảng trống” vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Mới đây, bà Hoàng Thị Tám (Phú Thọ) đã được nhận lương hưu do tham gia BHXH tự nguyện

Từ năm 2008, khi chính sách BHXH tự nguyện bắt đầu được triển khai, ông Bùi Ngọc Thắng (Thanh Sơn, Phú Thọ) đã vận động vợ và anh em trong gia đình cùng tham gia. Ông Thắng luôn xác định rõ, đây sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp ông bà yên tâm hơn khi về già cũng như những lúc ốm đau, bệnh tật. Bản thân ông Thắng hằng ngày chứng kiến bố mẹ mình có lương hưu nên tâm lý lúc nào cũng phấn khởi, chủ động kinh tế để lo cuộc sống, thế nên vợ chồng ông cũng đau đáu mong muốn có lương hưu như bố mẹ và quyết định tham gia BHXH tự nguyện suốt 12 năm qua. “Tôi mừng nhất là khi đến tuổi nghỉ hưu có lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí. Với mệnh giá thẻ BHYT, nhà tôi được cấp thẻ BHYT trong 20-30 năm nữa cũng là số tiền không nhỏ”- ông Thắng chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Ngọc Huệ (Tuyên Quang) cũng vừa tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương hưu như chồng. Chị Huệ kể, chồng chị là công nhân nên tham gia BHXH bắt buộc, còn chị ở nhà làm nội trợ nên chi tiêu sinh hoạt chủ yếu trông vào tiền lương của chồng. Anh chị có 2 con đang tuổi ăn học, kinh tế không khá giả gì, nhưng khi được cán bộ BHXH tuyên truyền, giải thích, chị Huệ ưng ngay và quyết định tham gia với mức đóng 1 triệu đồng/tháng. “Tôi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện để về già có lương như chồng và cũng muốn tất cả thành viên trong gia đình đều được lĩnh lương hưu lúc về già”- chị Huệ phấn khởi nói.

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp, kéo dài trên toàn thế giới; thiên tai bão lũ liên tiếp xảy ra khu vực miền Trung, miền núi phía Bắc... gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, đời sống sinh hoạt người dân. Tuy nhiên, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thành vượt mức phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 28 đề ra. Nhận định về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, chính sách BHXH đặt ra trong Nghị quyết số 28 nhằm thực hiện một bước Hiến pháp năm 2013, đó là “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Theo ông Lợi, từ năm 2008 đến hết năm 2018, cả nước chỉ có khoảng 280.000 người tham gia BHXH tự nguyện; tuy nhiên đến năm 2019 số người tham gia đã có sự gia tăng ngoạn mục, khi cả nước có thêm gần 300.000 người đăng ký tham gia, nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện lên trên 580.000 người. Đặc biệt, trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai lũ lụt tại miền Trung nhưng BHXH Việt Nam đã thực hiện đúng theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”; kết quả đến nay đã có trên 1,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện,  gần gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, đạt 165% so với kế hoạch Chính phủ giao, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đã đề ra.

Người nghèo an tâm khi tuổi già

Theo ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH), việc mở rộng phạm vi bao phủ BHXH nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho mọi NLĐ, người dân. Do đó, Nghị quyết số 28 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Song dự kiến đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm trên 2%. “Như vậy, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, thiên tai lũ lụt, nhưng với các giải pháp đồng bộ, đặc biệt chú trọng tuyên truyền đúng, trúng nhóm đối tượng là lao động phi chính thức nên trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong phát triển BHXH tự nguyện”- ông Nam khẳng định.

Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, cả 3 tầng trong chính sách BHXH mà Nghị quyết 28 đề cập đều rất có ý nghĩa. Trong đó, chính sách BHXH cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân, không chỉ thực hiện BHXH bắt buộc mà mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt độ bao phủ BHXH toàn dân (NLĐ từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập đều tham gia vào hệ thống BHXH). Khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác là hết tuổi lao động, sẽ có lương hưu- đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chính sách này. “Có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng và Nhà nước, đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân. Quan điểm này thật sự rất đúng đắn”- ông Lợi khẳng định.

Trong lần cải cách này, chính sách BHXH sẽ được thiết kế rất linh hoạt. Theo đó, người tham gia BHXH không nhất thiết phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được nghỉ hưu. Họ có thể tham gia 15 năm; và đến một lúc nào đó có thể giảm thời gian tham gia xuống còn 10 năm. Trong khi đó, chúng ta cũng đã điều chỉnh phương thức đóng BHXH tự nguyện, giúp người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Điều này hết sức quan trọng, được coi là những điểm hết sức căn cơ, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước muốn đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHXH toàn dân.

“Rõ ràng, các chính sách của Đảng và Nhà nước đặt ra như vậy có tính chất kích thích NLĐ tham gia với một tinh thần trách nhiệm. Điều này góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Từ chỗ chỉ có đối tượng có quan hệ lao động tham gia BHXH, bây giờ mở rộng cho tất cả để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Qua chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Người dân cũng phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Nói cách khác, đó chính là góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân đối với việc tham gia hệ thống an sinh xã hội, từ đó bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động”- ông Lợi nói.

Vũ Thu (Tạp chí BHXH)

Hình ảnh hoạt động