Đổi mới dịch vụ công về an sinh xã hội: Yêu cầu cấp thiết

04/03/2020 04:01 PM


Tại Việt Nam, hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội từ chỗ chỉ có các chính sách đơn lẻ như: Việc làm, BHXH bắt buộc, BHYT, giảm nghèo…, đến nay đã mở rộng và bao phủ ngày càng rộng hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Do đó, để thực hiện hiệu quả các chính sách này, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chú trọng đổi mới dịch vụ công về an sinh xã hội, đảm bảo phù hợp thực tiễn, nhất là tạo thuận lợi cho người dân và các cơ quan, DN.

Chính sách an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhu cầu của người dân và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Trong 10 năm trở lại đây, Đảng ta đã ban hành 3 Nghị quyết quan trọng liên quan đến an sinh xã hội như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 “Về cải cách chính sách BHXH”.

Bưu điện tham gia chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội

Tại các nghị quyết trên, Đảng đã đưa ra quan điểm, giải pháp ở tầm chiến lược về bảo đảm an sinh xã hội, tiếp cận dựa trên quyền con người được thể hiện rõ trong Hiến pháp và pháp luật, qua đó khẳng định rõ vai trò trụ cột của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội đất nước. Tại Nghị quyết 28-NQ/TW, Đảng đã đề ra mô hình BHXH mới, từ đơn tầng sang đa tầng để mọi người dân, NLĐ đều có thể tham gia vào hệ thống BHXH. Đây là những chủ trương lớn, thể hiện rõ mong muốn tốt đẹp về việc xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong tổ chức thực hiện.

Theo nhận định của các chuyên gia về an sinh, cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại sự thay đổi mạnh mẽ cho thị trường lao động, nhưng cũng đòi hỏi năng lực mới, nhu cầu mới, phương thức mới gắn với năng lực sáng tạo và không gian phát triển vô tận. Tuy nhiên, xã hội cũng phải đối mặt với sự phân hóa, bất bình đẳng về kinh tế. Nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất cũ (truyền thống) có thể sẽ mất đi, kéo theo mất đi công ăn việc làm, mất đi thu nhập và số lượng lao động trong lĩnh vực đó giảm. Nhưng bên cạnh đó, nhiều ngành mới sẽ xuất hiện, tạo cơ hội việc làm, thu nhập và cũng đòi hỏi NLĐ phải có những năng lực mới.

Dự báo, trong 2 thập niên tới sẽ có khoảng 56% số lao động tại 5 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) sẽ đối mặt nguy cơ mất việc làm; 86% lao động dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ mất việc vì ứng dụng robot… Cùng với đó, Việt Nam đang bước vào quá trình già hoá dân số với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 10% và sẽ nhanh chóng trở thành một nước có dân số già. Già hóa dân số trong bối cảnh trình độ phát triển kinh tế- xã hội còn thấp đang tạo ra những sức ép lớn về chính sách an sinh xã hội trong việc thích ứng với những yêu cầu đảm bảo cuộc sống có sức khỏe, tinh thần và thu nhập cho người cao tuổi.

Cùng với quá trình đa dạng hoá và tăng độ bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam sẽ là quá trình gia tăng nhu cầu cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội với chất lượng đòi hỏi ngày càng cao. Kinh nghiệm cho thấy, yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội là tạo điều kiện cho người dân được quyền lựa chọn cơ quan, tổ chức dịch vụ công trong lĩnh vực an sinh xã hội (kể cả công và tư), tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói (góp ý) về chất lượng dịch vụ công, từ đó cải thiện khả năng tiếp cận của họ cũng như cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ công.

Trước yêu cầu mới, các cơ quan cung cấp dịch vụ công ở Việt Nam cần tập trung đổi mới thể chế, chính sách và cơ chế cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến an sinh xã hội. Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực an sinh xã hội phải đảm bảo tính ổn định; đồng thời phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và xu hướng hội nhập. Hệ thống này cũng phải được rà soát để đồng bộ hóa, nhằm đảm bảo các quyền lợi và trách nhiệm của mỗi tổ chức, công dân trong xã hội, hướng tới sự tổng hòa các lợi ích về an sinh xã hội của cộng đồng, xã hội và Nhà nước.

Nhà nước cũng cần cải cách mạnh mẽ hệ thống an sinh xã hội theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ chế để chuyển giao cho khối tư nhân thực hiện những dịch vụ công về an sinh xã hội mà Nhà nước không cần thiết nắm giữ cũng như tăng cường hợp tác công- tư trong lĩnh vực này. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để thực hiện dịch vụ công. Trong đó, việc dự báo phải vừa đảm bảo phù hợp với xu hướng chung, vừa có tính đột phá theo quy luật của thị trường lao động và công nghệ, nhất là dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Sự đổi mới dịch vụ công cũng cần đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng của người dân, đối tượng thụ hưởng an sinh xã hội; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc quản lý và cung cấp các dịch vụ công, ví dụ như trong đăng ký, giải quyết chính sách, chi trả cho đối tượng thụ hưởng chính sách, triển khai thẻ an sinh xã hội điện tử hay CSDL quốc gia về an sinh xã hội.

Tư vấn cho người dân về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng cường việc tuân thủ pháp luật về đóng BHXH đối với nhóm NLĐ thuộc diện tham gia bắt buộc. Nếu việc này được thực hiện nghiêm túc, sẽ có thêm khoảng 6 triệu NLĐ khu vực chính thức sẽ được tham gia BHXH. Bên cạnh đó cần thúc đẩy việc tiếp cận, tạo cơ hội, điều kiện tham gia BHXH tự nguyện cho khoảng 30 triệu lao động là nông dân, NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức. Muốn thực hiện hiệu quả, Nhà nước cần bố trí NSNN để hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhằm tạo cơ chế khuyến khích NLĐ khu vực không có quan hệ lao động tham gia chính sách này; tăng cường thông tin, tuyên truyền vận động người dân tham gia.

Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là mục tiêu trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới. Với BH hưu trí, đó là yêu cầu về tiếp tục cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già, tính bền vững của hệ thống BH hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn. Chiến lược an sinh xã hội phải tiếp tục được bổ sung, mở rộng và cơ cấu lại cho phù hợp với các nhóm chính sách cụ thể. Đó là nhóm chính sách phòng ngừa rủi ro, nhằm hỗ trợ tạo việc làm có thu nhập và chủ động tham gia thị trường lao động; nhóm chính sách giảm thiểu rủi ro nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; thực hiện BH sản phẩm nông nghiệp cho người dân; bù đắp thu nhập khi NLĐ bị suy giảm hoặc mất sức lao động.

Mặt khác, đối với một quốc gia có tới gần 70% lực lượng lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp, trong thời gian tới Việt Nam phải quan tâm tới nhu cầu an sinh xã hội ngày càng lớn của nhóm này. Phải từng bước mở rộng và bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời phải gắn với việc phát triển việc làm, thu nhập thỏa đáng với trình độ tay nghề, chuyên môn; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho NLĐ để họ có cơ hội và điều kiện chuyển sang khu vực lao động chính thức… Đây là mục tiêu quan trọng mà quá trình xây dựng, sửa đổi các đạo luật trong lĩnh vực xã hội như Luật Việc làm, Luật BHYT, Luật BHXH sắp tới cần phải hướng tới.

Nguyệt Hà (Báo BHXH)

Hình ảnh hoạt động