Đề xuất mở rộng các chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bảo vệ quyền lợi cho người tham gia
02/04/2024 10:51 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong những năm qua, mặc dù tỉ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN so với số tiền phải thu giảm dần qua từng năm, song vẫn còn cao. Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia vào chính sách an sinh, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm
Hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Đối với Luật BHYT, tại Điều 11, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ theo quy định, chưa quy định hành vi về chậm đóng, trốn đóng.
Tuy nhiên, Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành đều chưa có quy định tách biệt, định nghĩa rõ ràng về hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, BHYT dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng biện pháp xử lý đối với từng mức độ của mỗi hành vi theo các chế tài hành chính, hình sự.
Chế tài xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng chưa có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt VPHC về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự.
Vì vậy, hiện nay, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt VPHC. Thực tế cho thấy, trong quá trình xử phạt VPHC cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định...
Bên cạnh đó, Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng BHXH nêu rõ, người nào có nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên. Như vậy, một trong các yếu tố cấu thành tội trốn đóng BHXH là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác.
Về nội dung này, Hội đồng Thẩm phán đã có Nghị quyết số 05/2019/HĐTP ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng: “Trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN”. Tuy nhiên, do không có tách biệt rõ hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT nên có sự khác nhau trong việc hiểu và xác định hành vi, xác định yếu tố lỗi và các yếu tố cấu thành tội phạm giữa các văn bản.
Thực tiễn triển khai, hiện cơ quan BHXH không có công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán. Thực tế, khi một doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, việc phân biệt có sự “gian dối” (hay chỉ là nợ vì khó khăn khách quan) không dễ để có thể xác định, nhất là đối với trường hợp, việc nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể vì khó khăn chung của doanh nghiệp. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp và chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.
Đề xuất cần có chế tài hình sự riêng
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, để khắc phục bất cập của việc tổ chức thực hiện Luật hiện hành khi xử lý các vụ việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định chậm đóng, trốn đóng, xử lý chậm đóng, xử lý trốn đóng, để phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng BHXH, qua đó có thể áp dụng biện pháp xử lý phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên). Ảnh: HL
Đồng tình với hướng tiếp thu trên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc mở rộng các chế tài xử lý như Chính phủ trình là phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tuy nhiên, để tăng cường chế tài xử lý hành vi vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động, đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật cần bổ sung các chế tài nhằm tăng tính răn đe đối với trường hợp người sử dụng lao động cố tình trốn tránh đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, trừ những lý do khách quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị quy định về việc không xét tham dự đấu thầu các công trình, dự án do ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư đối với các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH kéo dài, để các đơn vị sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định pháp luật.
Đồng thời, bên cạnh quy định về xử lý hành chính, cần nâng cấp xử lý theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Bởi, theo đại biểu, Điều 216 Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh chậm đóng BHXH nhưng trong Luật BHXH hiện nay chưa có quy định về việc xử lý hình sự đối với tội danh chậm đóng BHXH của chủ sử dụng lao động, do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định này cho đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) phân tích, dự thảo Luật đã phân định rõ hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc thì đóng chậm hay trốn đóng đều xử lý vi phạm như nhau.
Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung biện pháp xử lý đối với hai hành vi vi phạm này cho phù hợp. Đồng thời, cần quy định rõ thời gian chậm đóng bao lâu sẽ được xem là trốn đóng BHXH.
Theo đại biểu, cần quy định khái niệm chậm đóng bảo hiểm bao nhiêu lâu, bao nhiêu lần, đồng thời quy định chế tài về hành chính, kinh tế… để xử lý vi phạm chậm đóng BHXH theo số lần vi phạm.
Đối với hành vi trốn đóng BHXH, đại biểu đề nghị, nên được xây dựng thành quy định tội phạm mới bổ sung vào Bộ luật Hình sự (như tội trốn thuế) và có chế tài hình sự riêng. Có như vậy mới xử lý đúng, trúng, nhanh, phù hợp với từng mức độ vi phạm trong trách nhiệm đóng BHXH./.
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động