Chủ nhật, ngày 26/01/2025

Kỷ niệm Ngày thành lập ngành BHXH Việt Nam (16/2/1995-16/2/2023): 28 năm- Hành trình kiến tạo an sinh

16/02/2023 11:12 AM


Trải qua 28 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, tạo nền tảng bền vững trong thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân; góp phần kiến tạo an sinh đất nước.

BHXH, BHYT hiện hữu ở từng gia đình

Sau 12 năm đóng BHXH bắt buộc và 8 năm đóng BHXH tự nguyện, đến năm 2023, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) bắt đầu được nhận lương hưu. Mức lương hưu tuy không cao (1,6 triệu đồng/tháng), nhưng tháng 1/2023, chị được nhận gộp 2 tháng, cũng đủ lo Tết cho gia đình. “Có lương hưu và có thêm thẻ BHYT nên tôi luôn thấy yên tâm...”- chị Oanh chia sẻ.

Cán bộ BHXH lan tỏa chính sách BHXH, BHYT

Hoàn cảnh gia đình chị Oanh cũng không dư dả gì. Các con đã lớn và ra ở riêng, nên chỉ có 2 vợ chồng ở cùng nhau. Chồng chị Oanh sinh năm 1962, trước đây là lao động tự do, nên nay không có thu nhập gì thêm. Mới đây, chồng chị phát hiện mắc ung thư, nhưng may mắn có thẻ BHYT được cấp theo diện cựu quân nhân, nên được quỹ BHYT chi trả phần lớn chi phí điều trị bệnh. Ngẫm hoàn cảnh của mình, chị Oanh thấy quyết định không rút BHXH một lần để đóng nối BHXH tự nguyện trước đây là vô cùng đúng đắn. “Thú thật, lúc đó tôi cũng định rút BHXH một lần, nhưng nghĩ cả 2 vợ chồng đều không có lương hưu thì khổ lắm, nên thôi”- chị Oanh tâm sự khi chăm sóc chồng tại BV Bạch Mai những ngày đầu Xuân.

Câu chuyện gia đình chị Oanh cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Những vất vả khi tuổi cao sức yếu, ốm đau bệnh tật là điều khó tránh khỏi với mỗi người. Thử đặt câu hỏi, nếu chị Oanh không có lương hưu và chồng chị không có thẻ BHYT, những khó khăn sẽ lớn đến nhường nào? Và, sự “may mắn có chủ đích” của gia đình chị Oanh chính là đã có lương hưu và thẻ BHYT làm điểm tựa, giúp anh chị vơi đi đáng kể những khó khăn trong cuộc sống. Sự “may mắn có chủ đích” này cũng hiện hữu tại không ít gia đình trong suốt 28 năm qua- kể từ khi thành lập ngành BHXH Việt Nam (năm 1995) đến nay. Đây là những minh chứng cho thấy giá trị thiết thực, khẳng định quyền được đảm bảo an sinh của mỗi công dân theo quy định của Hiến pháp 2013.

Kể từ năm 1995 đến nay, số người hưởng lương hưu đã tăng 179% (hiện cả nước có 3,3 triệu người nhận lương hưu hằng tháng). Về BHYT, từ năm 2003- năm đầu tiên sáp nhập BHYT Việt Nam vào BHXH Việt Nam đến nay, toàn Ngành đã giám định, thanh quyết toán cho khoảng 2.368 triệu lượt KCB BHYT (trung bình mỗi năm có 120 triệu lượt). Bên cạnh đó, có khoảng 146,62 triệu lượt hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK (bình quân mỗi năm có khoảng 5,4 triệu lượt). Còn về BH thất nghiệp, tính từ năm 2010- năm đầu tiên thực hiện chính sách BH thất nghiệp theo Luật BHXH 2006 đến nay, có khoảng 9,67 triệu lượt người hưởng các chế độ BH thất nghiệp…

Những con số trên cho thấy sự phát triển chính sách BHXH, BHYT cũng như sự lớn mạnh của ngành BHXH Việt Nam với những dấu ấn khá nổi bật như: Nếu như năm 1995 chỉ có 7,1 triệu người tham gia BHYT, thì đến năm 2022 đã tăng lên 91,04 triệu người- bao phủ 92,04% dân số cả nước. Tương tự, số tham gia BHXH cũng có sự gia tăng đáng kể từ năm 1995 đến nay, từ 2,3 triệu người tham gia năm 1995, tăng lên 17,5 triệu người năm 2023- chiếm 38,08% so với lực lượng lao động trong độ tuổi.

Kiến tạo nền tảng bền vững

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội nước ta với trụ cột chính là BHXH, BHYT đã phát huy vai trò mạnh mẽ, thực sự là điểm tựa cho hàng triệu NLĐ và hàng trăm nghìn đơn vị SDLĐ vượt qua giai đoạn khủng hoảng đầy khó khăn. Các chính sách hỗ trợ NLĐ và đơn vị SDLĐ gặp khó khăn do dịch COVID-19 đã được toàn Ngành triển khai hiệu quả, kịp thời. Trong đó, đã chi hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp cho trên 13,3 triệu lượt NLĐ với 31.836 tỷ đồng; giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 2.501 lượt đơn vị SDLĐ với trên 2.015,9 tỷ đồng; điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN cho gần 390.000 đơn vị SDLĐ với 4.164,1 tỷ đồng; giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho 346.600 đơn vị SDLĐ với 9.209,3 tỷ đồng.

Hoạt động nghiệp vụ của cơ quan BHXH

Cần phải nhấn mạnh rằng, các chính sách hỗ trợ được ngành BHXH Việt Nam triển khai trong một khoảng thời gian rất ngắn. Chẳng hạn như với chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ từ quỹ BH thất nghiệp được thực hiện từ tháng 10 đến tháng 12/2021; số tiền hỗ trợ được chi trả nhanh gọn, trực tiếp đến 13,3 triệu NLĐ. Điều này cho thấy, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, mức độ “sẵn sàng” của toàn hệ thống BHXH để ứng phó, đáp ứng với các yêu cầu mang tính cấp bách là rất đáng ghi nhận.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, bên cạnh quy mô thu, chi và phát triển người tham gia BHXH, BHYT không ngừng gia tăng, ngành BHXH Việt Nam đã có những chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng hiện đại. Nổi bật nhất chính là kho CSDL của Ngành với hơn 98 triệu người dân- tương ứng gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở KCB; có trên 620.000 tổ chức, DN sử dụng DVC trên toàn quốc. Bên cạnh đó, toàn Ngành đang có gần 30 ứng dụng CNTT quản lý các quy trình nghiệp vụ, với hơn 20.000 tài khoản CCVC trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, hầu hết hoạt động của Ngành và giao dịch của người dân, đơn vị, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia; cung cấp 7 DVC trên ứng dụng VssID. Hệ thống giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ (chưa tính mỗi năm có khoảng 170 triệu hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên Hệ thống thông tin giám định BHYT)…

Chắc chắn những con số nói trên chưa dừng lại. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã từng nhấn mạnh: “BHXH Việt Nam đã và đang cố gắng kiến tạo nền tảng an sinh xã hội vững chắc; các giải pháp theo định hướng “kiến tạo” được toàn Ngành triển khai với tinh thần chủ động, đồng bộ, toàn diện”. Theo đó, toàn Ngành đã và đang tiếp tục đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nhằm đem lại những thuận lợi, tiện ích mới cho người dân, DN trong quá trình tham gia và hưởng BHXH, BHYT. Đây là nền tảng quan trọng để sự nghiệp BHXH, BHYT ngày càng bền vững; lương hưu, thẻ BHYT sẽ hiện hữu ngày càng nhiều và là một phần quan trọng thiết yếu với mỗi gia đình.

Tạp chí BHXH

Hình ảnh hoạt động