Tiếp tục hoàn thiện các nội dung sửa đổi Luật BHYT
23/09/2023 10:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 2 ngày (21-22/9), tại Hải Phòng, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến đề xuất các nội dung sửa đổi Luật BHYT. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa dự và chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH 20 tỉnh, thành phố.
Hội thảo tập trung ý kiến đóng góp vào những nội dung chính cần sửa đổi nhằm tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT; bảo vệ quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế; đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành quỹ BHYT; trách nhiệm của các bên.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh: Việc nghiên cứu, tham gia góp ý sửa đổi Luật BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, toàn Ngành cần tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, qua đó tạo sự thống nhất chung về quan điểm sửa đổi với các nội dung lớn trong Dự thảo Luật. Sự thay đổi chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014. Luật BHYT là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại hội thảo.
Trong những năm qua, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có trên 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% số dân, vượt chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao. Đến nay, số người tham gia BHYT là 91,438 triệu người, đạt 92,04% dân số.
Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người dân tham gia BHYT này vẫn duy trì, điều này chứng minh chính sách BHYT đã và đang là một nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội và chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội. Đến nay hơn 70% số lượt khám chữa bệnh BHYT thực hiện tại tuyến huyện và xã; hơn 80% trạm y tế xã tổ chức khám chữa bệnh BHYT...
Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao. Quỹ Bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: Phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh, các yêu cầu của thực tiễn và nhu cầu khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế của người dân ngày càng tăng, đa dạng hơn nhưng chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết. Một số vấn đề về cơ chế tài chính chưa tạo động lực cho sự phát triển của y tế cơ sở, chưa cụ thể rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán cũng như giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám chữa bệnh.
Công tác giám định BHYT đã có nhiều phát triển mang tính đột phá. Dù vậy, cơ quan BHXH vẫn thiếu các công cụ kiểm soát chi phí; chưa có căn cứ để đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế, chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ tài chính trong bối cảnh chưa hoàn thành lộ trình tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ KCB là một trong những yếu tố dẫn đến khó khăn trong bảo vệ quyền lợi BHYT của người dân; chi trả chi phí KCB từ tiền túi của người tham gia BHYT vẫn khá cao (khoảng 43%).
Toàn cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu, trao đổi một số nội dung trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Trong đó, tập trung cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến các quy định về công tác giám định BHYT, bổ sung nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT; mức đóng, trách nhiệm đóng; trách nhiệm thực hiện BHYT của các bộ, ngành có liên quan và UBND các cấp; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật...
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động