Ngành BHXH Việt Nam đã góp phần làm bức tranh kinh tế xã hội khởi sắc trở lại

09/02/2022 02:00 PM


Thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, góp phần làm bức tranh kinh tế xã hội khởi sắc trở lại... Năm 2022, trách nhiệm đặt ra đối với ngành BHXH rất lớn, nhất là trong việc thực hiện nhiều chính sách và mục tiêu mới. Tại các Phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đánh giá cao sự quyết tâm của Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH Việt Nam trong công tác triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã có những đánh giá về vai trò của ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai những Nghị quyết này, từ đó thể hiện vai trò của ngành BHXH trong công tác an sinh xã hội cũng như đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (nguồn: Internet)

Ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc trong việc triển khai các Nghị quyết

Theo Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 bùng phát đợt 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, lao động, việc làm và an sinh xã hội của người dân và NLĐ. Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều cố gắng, một mặt vừa chủ động triển khai các chế độ chính sách BHXH. Mặt khác, đã chủ động tích cực và quyết liệt tham gia cùng với Bộ LĐ-TB&XH tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhất là các Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người dân, NLĐ và người SDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là các chính sách chưa có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh dịch bệnh tác động nặng nề lên nhiều mặt đời sống xã hội, đặc biệt đối với người dân, NLĐ và doanh nghiệp. Hai Nghị quyết này khi triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội. Nghị quyết 68, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho các đối tượng trong cuộc sống, đặc biệt với người dân, NLĐ trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” trong phòng chống dịch. Chỉ sau 7 ngày ban hành Nghị quyết, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN cho 375.000 đơn vị với trên 11,2 triệu lao động và khoảng 4.322 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho trên 3 triệu NLĐ của 71.142 đơn vị SDLĐ hưởng các chính sách.

Đặc biệt khi Nghị quyết 116 có hiệu lực, chỉ trong 5 ngày ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng vào quỹ BH thất nghiệp đến trên 363.000 DN với số tiền trên 7.595 tỷ đồng. Đến 31/12/2021 đã chi trả chế độ hỗ trợ cho 12,94 triệu lao động với tổng số tiền 30,73 nghìn tỷ đồng; hoàn thành trước thời hạn đề ra với các thủ tục đảm bảo nhanh, đơn giản, được doanh nghiệp và NLĐ đánh giá cao. Đây là chính sách vừa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng; vừa có sự chia sẻ rủi ro; thể hiện vai trò “giá đỡ” của Quỹ BH thất nghiệp cho NLĐ và người SDLĐ.

Qua đó, giúp NLĐ bớt đi khó khăn trong cuộc sống, người SDLĐ giảm chi phí duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, phục hồi và duy trì sản xuất. Đây là các Nghị quyết được thực hiện và triển khai nhanh nhất, rất có hiệu quả, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó là  có sự vào cuộc quyết liệt của cả chính trị và đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước.

Lãnh đạo và cán bộ ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc trong việc triển khai Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và các chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua. Những đóng góp của ngành BHXH Việt Nam đã góp phần làm bức tranh kinh tế xã hội khởi sắc trở lại, đảm bảo an sinh xã hội, tạo “sức bật” trong thời gian tới.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp

Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét: Trong giai đoạn 2019- 2021, với vai trò cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ngành BHXH Việt Nam đã đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương có những đóng góp tích cực trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, đặc biệt có sự bứt phá về phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Năm 2022 là năm đầu tiên chúng ta hướng tới hoàn thành các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng vì trong giai đoạn 2022- 2024, bình quân mỗi năm cần gia tăng khoảng 2 triệu người tham gia BHXH, trong khi tốc độ phát triển đối tượng ở giai đoạn trước đó chỉ khoảng 800.000 người/năm, chưa kể đến tác động rất lớn của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Vì vậy, để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu trên, trong thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam phải xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu, quan trọng nhất do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH; tổ chức thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; khai thác và quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định; giải quyết các chế độ BHXH chính xác, kịp thời; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số… để từng bước củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành thực hiện chỉ tiêu về phát triển đối tượng; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng còn kéo dài, đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam cần chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất, tham mưu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ NLĐ và doanh nghiệp để từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định thu nhập cho NLĐ, tạo tiền đề cho việc duy trì và từng bước phát triển đối tượng tham gia BHXH cho những năm tiếp theo.

Hình minh họa (nguồn: Internet)

Cần những giải pháp mang tính vĩ mô nhằm hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, số người hưởng BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng do tác động của dịch Covid-19, làm ảnh hưởng đến nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH. Hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH để ngày càng có nhiều người lao động khi hết tuổi lao động, về già được hưởng chế độ lương hưu hàng tháng, được đảm bảo thu nhập ổn định lâu dài, đồng thời có được sự chăm sóc về y tế, chăm lo sức khỏe góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, gia tăng độ bao phủ BHXH thời gian qua thì một bộ phận người lao động vẫn đang lựa chọn hưởng BHXH một lần, đặc biệt có xu hướng tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động dẫn đến người lao động không có việc làm, buộc họ phải tìm đến các nguồn tài chính có thể huy động được để đảm bảo cuộc sống trước mắt và BHXH một lần là một lựa chọn.

Giải pháp cho vấn đề trên chính là việc Nhà nước đã và đang tiếp tục triển khai các gói chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để vượt qua những khó khăn trước mắt (Riêng trong năm 2020-2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, BHXH Việt Nam tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ từ quỹ BHXH trên 50 nghìn tỷ đồng).

Về lâu dài, cần có những giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động. Chỉ khi người lao động có thu nhập ổn định, có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí trong sinh hoạt và có tích lũy thì khi đó sẽ nâng cao khả năng tiết kiệm, tham gia đóng góp để thụ hưởng khi về già. Với nguyên nhân nhiều người lao động còn chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ về chính sách để có thể đưa ra quyết định hợp lý thì tới đây ngành BHXH cùng với các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, thông tin về chính sách, chỉ khi người lao động nhận thức đầy đủ lợi ích của việc tham gia BHXH để hưởng quyền lợi hưu trí khi về già thì mới có thể đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn...

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hình ảnh hoạt động