Chuyển đổi số trong an sinh xã hội: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

07/02/2022 09:00 AM


Bước vào năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi lĩnh vực an sinh xã hội cần có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp. Trong đó, chuyển đổi số cũng là một ưu tiên để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, với tinh thần "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ".

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về nỗ lực chuyển đổi số của ngành trong bảo đảm an sinh cho người tham gia.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu

Phóng viên: Được đánh giá là một trong những cơ quan đi đầu trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam thời gian qua trong công tác bảo đảm an sinh cho người tham gia?

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Có thể khẳng định, chuyển đổi số được xác định là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0”. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Vì vậy, trong giai đoạn 2016-2020, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác của ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong bốn năm liên tiếp từ 2017 đến 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến, xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối bộ, ngành và xếp thứ nhất bảng xếp hạng chính phủ điện tử khối cơ quan thuộc Chính phủ.

Hiện nay, toàn ngành có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu với sáu trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành phải thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ. Nếu tính bình quân, mỗi cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ phải giải quyết khoảng 4.000 hồ sơ mỗi năm...

Đặc biệt, sau hơn một năm công bố và triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên thiết bị di động thông minh, cả nước đã có gần 30 triệu tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng. Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại. Từ ngày 1/6/2021, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc...

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) lần thứ 38 tổ chức cuối tháng 11 năm 2021 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vinh dự được ASSA trao tặng giải thưởng “Thực tiễn hiệu quả” tại hạng mục công nghệ thông tin cho ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên điện thoại thông minh. Điều đó cho thấy sự quan tâm, đánh giá cao của các tổ chức an sinh xã hội quốc tế đối với giải pháp công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia này.

Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối và chia sẻ.

Hiện  tại, chúng tôi đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế. Song song với đó, thực hiện kết nối liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ngành bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Điểm nhấn nữa là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, hơn 32 triệu dữ liệu thông tin công dân được chia sẻ để xác thực...

Hỗ trợ hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19

Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hai năm qua, nhất là khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như thế nào?

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Có thể nói, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đẩy nhanh chuyển đổi số trong thời gian qua đã giúp ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng và ngày càng hoàn thiện một nguồn cơ sở dữ liệu “đúng, đủ và rộng”.

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương. Đó là: lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vaccine, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh bệnh nhân F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động,...

Đặc biệt, nguồn cơ sở dữ liệu này đã giúp chúng tôi triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Với những phản hồi tích cực từ người lao động và người sử dụng lao động, trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, tôi tin rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với những kinh nghiệm và cơ sở dữ liệu hiện có, sẽ phối hợp tốt với các ngành, các cấp cùng đồng hành để tiếp tục đề xuất, triển khai các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ tối đa cho người dân, người sử dụng lao động.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ

Phóng viên: Năm 2021, bên cạnh những công việc thường xuyên, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ “chưa có tiền lệ” đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19. Ông đánh giá thế nào về những chính sách này?

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Xin chia sẻ rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ ngày 27/4/2021, với vai trò là cơ quan thực hiện chế độ, chính sách, trong năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp tục chủ động, tích cực đề xuất, tham gia phối hợp các bộ, ngành liên quan kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Cụ thể có: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021, Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021. Đặc biệt là Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến với doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cho thấy, chỉ sau 7 ngày, toàn ngành đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng. Mặt khác, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc; thành lập các đoàn công tác để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía nam.

Tính đến ngày 28/12/2021, toàn ngành đã giải quyết cho 846 đơn vị với 160.218 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.113 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.012.864 người lao động của 70.804 đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ.

Trong thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến 5/10/2021), toàn ngành đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với số tiền điều chỉnh giảm khoảng 7.594,6 tỷ đồng. Hiện đã có hơn 12,7 triệu người lao động được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, với tổng số tiền khoảng 30,11 nghìn tỷ đồng.

Các gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với người lao động và đơn vị sử dụng lao động đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng-hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.

Trong triển khai các chính sách, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt trong toàn hệ thống; đặc biệt nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động với phương châm lấy người dân, người lao động, người sử dụng lao động làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ (thậm chí có những thủ tục cắt giảm từ 5 ngày xuống còn không quá 1 ngày làm việc)… để chính sách hỗ trợ đến với người lao động, người sử dụng lao động một cách sớm nhất, hiệu quả nhất.

Việc ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện để phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, đẩy lùi dịch Covid-19, sớm ổn định kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân. Đáng chú ý, trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, có hơn 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).

Thích ứng linh hoạt trong giai đoạn mới

Phóng viên: Những tác động của dịch bệnh cũng đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu phải đổi mới phương thức hoạt động của ngành. Ông có thể cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để “thích ứng” trong giai đoạn mới?

Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:

Có thể thấy, dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Nguy cơ lan rộng, bùng phát của đại dịch vẫn còn hiện hữu. Hoạt động của các trung tâm kinh tế, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, tỉnh, thành phố lớn gặp nhiều khó khăn. Chuỗi cung ứng lao động bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch; đời sống người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức, do tạm dừng việc, nghỉ việc, thậm chí mất việc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành khi thực hiện các chính sách an sinh…

Những vấn đề đó đòi hỏi, yêu cầu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phải có kế hoạch thích ứng linh hoạt, phù hợp; tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống, đặc biệt là việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, sử dụng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong tình hình mới, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các chủ thể tham gia.

Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thống nhất quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ".

Mặt khác, cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Cũng cần chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường Internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ... Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành, như việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (big data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Tôi cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện nay, nếu không ngừng đổi mới, thực hiện chuyển đổi số thì sẽ rất bị lạc hậu, bỏ lại phía sau. Vì vậy, quá trình liên tục đổi mới và hoàn thiện, xây dựng, phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi an sinh cho mọi người dân và người lao động.

Trân trọng cảm ơn ông!

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động