Rút ngắn lộ trình BHYT toàn dân

14/08/2020 08:05 AM


Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 76/2014, tỷ lệ người dân có thẻ BHYT đạt gần 90% dân số; quyền lợi người tham gia được đảm bảo… Tuy nhiên, để tiến tới bao phủ BHYT toàn dân, đòi hỏi sự vào cuộc, giám sát tích cực hơn nữa của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương…

Độ bao phủ vượt chỉ tiêu 

Trong 6 năm qua, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam đã triển khai quyết liệt các quy định mới của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân như: Bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng theo số người tham gia; bổ sung một số đối tượng được NSNN đóng BHYT.

Đối với những tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp, 2 ngành đã chủ động làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan bàn giải pháp, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Chính phủ cũng đã bố trí kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do NSNN đảm bảo. Cụ thể: năm 2016 hỗ trợ 28.450 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp Y tế khoảng 20.000 tỷ đồng), năm 2017 là 33.080 tỷ đồng (chi từ sự nghiệp Y tế khoảng 21.000 tỷ đồng); tỷ trọng số thu BHYT từ NSNN chiếm khoảng 41% so với tổng số thu BHYT hằng năm.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1167/QĐ-TTg điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016- 2020. Nhờ vậy, năm 2016, cả nước có 75,928 triệu người tham gia BHYT, chiếm 81,9% dân số (tăng 6,25 triệu người so với năm 2015); năm 2017 có khoảng 79,295 triệu người tham gia BHYT, chiếm 86,4% dân số và  năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, chiếm 88,6% dân số- vượt chỉ tiêu đề ra tại Quyết định 1167/QĐ-TTg 3,4% (trong đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt hơn 15,8 triệu người, tăng hơn 1 triệu người so với năm 2017). Đến ngày 31/12/2019, toàn quốc có 85,95 triệu người tham gia BHYT, đạt 100,7% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 2,41 triệu người so với năm 2018 và đã đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89,3% dân số- vượt 1,2% so với Quyết định 1167/QĐ-TTg (trong đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 17,5 triệu người; tăng 1,7 triệu người so với năm 2018- tương đương tăng 10,8%). Nếu tính cả lực lượng vũ trang, cơ yếu tham gia BHYT, 63 tỉnh/thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ tại Quyết định 1167/QĐ-TTg.

Báo cáo kết quả 6 năm (2015- 2020) thực hiện Nghị quyết 76, Bộ Y tế nhận định, các tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số tập trung chủ yếu tại vùng Trung du, miền núi phía Bắc và một số tỉnh vùng đồng bằng (Điện Biên, Lào Cai, Sóc Trăng, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lai Châu, Thừa Thiên- Huế, Trà Vinh, Quảng Nam). Một số tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp so với tỷ lệ bình quân chung cả nước là: Bạc Liêu, Bình Thuận, Tây Ninh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh.

Phân tích theo từng nhóm đối tượng cho thấy, nếu năm 2016, nhóm do NLĐ và người SDLĐ đóng có 11,86 triệu người tham gia BHYT, chiếm 15,6% tổng số người tham gia BHYT và số tiền đóng bằng 41,1% tổng số thu BHYT thì đến hết năm 2019, nhóm này đã có 14,1 triệu người tham gia (còn khoảng 3 triệu người chưa tham gia). Nhóm đối tượng do tổ chức BHXH đóng có khoảng 3,2 triệu người đang tham gia BHYT, chiếm 4,2% tổng số người tham gia BHYT và số tiền đóng bằng khoảng 8,9% tổng số thu BHYT (đạt 100%). Nhóm đối tượng do NSNN đảm bảo 100% mức đóng khoảng 34,34 triệu người đang tham gia BHYT, chiếm 45,2% tổng số người tham gia và số tiền đóng bằng 29,9% tổng số thu BHYT. Nhóm được NSNN hỗ trợ một phần mức đóng BHYT có 15,2 triệu người năm 2016 thì đến năm 2019 đã tăng lên 17,6 triệu người (trong đó có 1,9 triệu người cận nghèo, chiếm 20% trên tổng số người tham gia BHYT) và còn khoảng 4- 5 triệu người chưa tham gia BHYT (chủ yếu là đối tượng thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình).

Đáng lưu ý, năm 2016 có 11,37 triệu người tham gia BHYT theo hộ gia đình (chiếm 15% tổng số đối tượng tham gia) thì hết năm 2019 đã lên 17,6 triệu người (hiện còn khoảng 3-5 triệu người chưa tham gia, trong đó có 10%- 20% là người có thu nhập cao). Tuy nhiên, việc phát triển và mở rộng số người tham gia BHYT trong nhóm này là khả quan trong thời gian tới.

Phấn đấu trên 90% dân số có thẻ BHYT

Báo cáo đánh giá cũng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng trên 10% dân số chưa tham gia BHYT là do những vướng mắc về chính sách pháp luật. Theo quy định của Luật BHYT thì BHYT là hình thức BH bắt buộc nhưng lại chưa có quy định, chế tài cụ thể đối với đối tượng tự đóng BHYT nếu họ không tham gia (HSSV, hộ gia đình). Đối tượng tham gia BHYT theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP vẫn còn chồng chéo như: Người từ đủ 80 tuổi trở lên hưởng trợ cấp hằng tháng; NLĐ được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác nước ngoài chưa quy định cụ thể có phải tham gia BHYT; chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHYT cho các đối tượng nạn nhân bị bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và đối tượng HLV, VĐV thể thao.

Bên cạnh đó, việc lập danh sách của một số đối tượng tham gia BHYT do NSNN đóng và hỗ trợ đóng bị chậm, phải điều chỉnh thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT (gia hạn) do cơ quan có thẩm quyền ban hành chậm như: Danh sách các xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đối tượng người DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội ĐBKK; đối tượng người thuộc hộ gia đình nghèo; cựu chiến binh, thân nhân NCC với cách mạng, thân nhân liệt sỹ.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC thì “Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT kể từ ngày sinh đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi. Trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT đến ngày 30/9 của năm đó. Song cơ quan Tài chính một số địa phương chỉ thanh toán tiền đóng BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi kể từ ngày lập danh sách đến ngày trẻ đủ 72 tháng tuổi mà không thanh toán số tiền đóng BHYT từ ngày sinh đến ngày cơ quan có thẩm quyền lập danh sách. Cùng với đó, dù Quyết định 1167 giao các địa phương chủ động ngân sách và huy động nguồn lực tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của nhóm cận nghèo, nhưng hiện tại vẫn còn 17 tỉnh chưa thực hiện hỗ trợ nốt phần còn lại, trong đó có 5 tỉnh, thành phố không hỗ trợ (Bến Tre, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình, Thanh Hóa) nên tỉ lệ tham gia BHYT của nhóm này chưa đạt 100%.

Chính vì vậy, để phấn đấu đến hết năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, Chính phủ xác định tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT. Tăng cường ứng dụng CNTT, kết nối dữ liệu trong quản lý KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi người tham gia và thụ hưởng; đổi mới cơ chế tài chính và phương thức thanh toán. Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác KCB BHYT; quan tâm đến các địa phương có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp và thường xuyên bội chi quỹ BHYT.

Chính phủ phải chỉ đạo UBND các tỉnh tích cực, chủ động hơn nữa trong tổ chức thực hiện BHYT. Đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng tham gia, đăc biệt là các địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp. Các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố cân đối ngân sách thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT. Đối với hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình mức hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT; đối với HSSV hỗ trợ thêm từ 20% mức đóng BHYT trở lên.

Ngoài ra, HĐND, UBND các tỉnh phải tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn; đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội hàng năm. Giao chỉ tiêu tham gia BHYT đến từng xã, gắn trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, huyện trong việc phát triển đối tượng tham gia BHYT, lấy chỉ tiêu phát triển đối tượng làm chỉ tiêu xét thi đua khen thưởng hằng năm…

Nguyệt Hà (Báo BHXH)

Hình ảnh hoạt động