“Nữ thuyền trưởng” và 06 năm vững lái “con tàu An sinh”: Kỳ 1. Quyết liệt trong công việc
13/02/2020 01:55 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Lần đầu gặp Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, ít ai ngờ ẩn sâu sau dáng người mảnh mai, dịu dàng của chị là một tính cách quyết liệt, quyết đoán với một cường độ làm việc cao và sức bền đến không ngờ. Và có lẽ cũng ít người biết, nữ “thuyền trưởng” của Ngành BHXH còn có những khoảng lặng rất đời thường...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ngày 14/06/2017
Ngày 20/11/2014 có lẽ đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng đối với chị Nguyễn Thị Minh. Đó không phải là ngày kỷ niệm đặc biệt nào đối với chị và những người thân trong gia đình mà đó là ngày Quốc hội thông qua Luật BHXH Sửa đổi. Là người đứng đầu Ngành trực tiếp giúp Chính phủ tổ chức thực hiện hai chính sách quan trọng, trụ cột của hệ thống An sinh xã hội Quốc gia, với chị Minh, niềm vui và hạnh phúc thực sự đong đầy khi trong công việc của Ngành đạt được những thành tựu mới...
Tháng 3/2014, khi vừa mới chân ướt, chân ráo về Ngành, chị Minh đã cùng với Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT - hai đạo luật cơ bản tạo hành lang pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện chính sách và cơ chế hoạt động của BHXH Việt Nam sau này.
Còn nhớ quá trình thảo luận đi đến thống nhất nội dung sửa đổi Luật BHXH, trên nghị trường, một số nội dung của Dự thảo nhận được nhiều ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận; điển hình là quy định về cách tính lương hưu, về BHXH một lần... Thậm chí ngay trước ngày dự kiến thông qua Luật, có đại biểu Quốc hội đề xuất chưa thông qua Dự thảo Luật tại kỳ họp lần này. Đến tận bây giờ, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một trong những người gắn bó và theo sát quá trình sửa đổi Luật BHXH, BHYT vẫn không thể nào quên ấn tượng với Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh - ngay trong lần đầu tiên dự một phiên họp tại Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã được các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn về những vấn đề hết sức “nóng” xoay quanh nội dung mới của 2 dự thảo Luật lúc bấy giờ.
Sau khi Luật BHXH (sửa đổi) chính thức được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực vào ngày 01/01/2016, các thành viên của tổ biên soạn sửa đổi Luật BHXH chia sẻ niềm vui chung về kết quả cuối cùng này. Với riêng chị Minh, niềm vui càng lớn khi quá trình dự thảo Luật có phần công sức của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn hệ thống BHXH Việt Nam, từ Trung ương đến địa phương.
Phấn khởi, vui mừng, nhưng hơn ai hết, chị Minh hiểu, hoàn thiện hành lang pháp lý chỉ là công việc khởi đầu. Chặng đường gian nan đưa chính sách vào cuộc sống còn đang ở phía trước. Khoảng thời gian tiếp theo, chị Minh cùng với Ban Lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ đạo các đơn vị giúp việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc bộ, ngành chức năng tham mưu với Chính phủ trong việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật. Đặc biệt là việc tham mưu với Chính phủ ban hành các quyết định về việc giao chỉ tiêu BHYT, BHXH cho các địa phương nhằm hiện thực hóa mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân đã được xác định tại Nghị quyết 21-NQ/TW, Nghị quyết 28-NQ/ TW và thể chế hóa tại Luật.
Trong hệ thống BHXH Việt Nam, chị quyết liệt chỉ đạo thực hiện tổng rà soát các quy trình nghiệp vụ, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới một nền hành chính không giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với cơ quan BHXH. Sau hơn 05 năm, đến nay, mục tiêu BHYT toàn dân đã cơ bản hoàn thành với gần 90% người dân có thẻ BHYT. Số người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc với tổng số người tham gia gần 600.000 người. Riêng con số phát triển BHXH tự nguyện trong nửa cuối năm 2018 và năm 2019 lớn hơn tổng số người tham gia của 10 năm trước đó. Đặc biệt, hoạt động phục vụ của Ngành BHXH có sự thay đổi cả về lượng và chất. Số thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH giảm mạnh, từ hơn 200 thủ tục xuống còn 27 thủ tục; 100% các thủ tục hành chính đã được thực hiện giao dịch điện tử ở mức độ 3, 4. Nhiều thủ tục hành chính đã được rút ngắn thời gian giải quyết, như thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, cấp thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày, và cấp lại thẻ BHYT ngay trong ngày đối với những trường hợp đang nằm viện hoặc không có thay đổi về thông tin... Qua đó, đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người lao động khi tham gia giao dịch với cơ quan BHXH. Ngành BHXH đã hoàn thành việc rà soát và cấp mã định danh BHXH cho trên 92 triệu dân. Xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử lưu trữ hồ sơ khám, chữa bệnh BHYT của trên 85 triệu người tham gia BHYT. Thực hiện kết nối và đồng bộ toàn diện các phần mềm nghiệp vụ... Khi BHXH Việt Nam liên tục thăng hạng và đứng thứ 2 về chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc) về chỉ số nộp thuế, BHXH trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chị Minh nói giản dị: Đó là công lao của trên 20.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống BHXH. Cá nhân chị chẳng bao giờ nhận chút thành tích nào về riêng mình.
Chính sách BHYT được thực hiện ở nước ta gần 30 năm và đã đóng góp đáng kể vào việc thay đổi cơ chế tài chính y tế quốc gia, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh của Nhân dân. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT cũng diễn ra khá phức tạp. Làm thế nào để kiểm soát hiệu quả sử dụng quỹ, để từng đồng quỹ được sử dụng đúng mục đích, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi cho người tham gia? - Câu hỏi ấy luôn trăn trở trong lòng nữ Tổng Giám đốc, không chỉ khi chị đã về công tác trong Ngành mà ngay từ khi chị còn là Thứ trưởng Bộ Tài chính và được giao phụ trách lĩnh vực này. Cán bộ Ngành BHXH có ai là không nhớ những tháng ngày lịch công tác của chị dày đặc các chuyến đi cơ sở, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để tăng cường mối quan hệ phối hợp và tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương với công tác quản lý Quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Đi thị sát thực tiễn, chị nhận thấy nếu chỉ với hơn 2.000 giám định viên BHYT, muốn kiểm soát tốt việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT sẽ là điều không tưởng nếu không áp dụng công nghệ. Đi tham khảo, học tập kinh nghiệm các tổ chức an sinh quốc tế, ý tưởng về một hệ thống giám định điện tử tập trung cứ lớn dần trong tâm thức chị. Những ngày đầu triển khai, có người nghi ngờ, có người phản đối, có người thiếu hợp tác... nhưng với sự nhạy cảm của nhà quản lý chuyên nghiệp, sự tâm huyết của người đứng đầu, chị đã hình dung ra chiến lược ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ, coi đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý thu, chi, khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực do tinh giản biên chế, mang lại sự minh bạch và là chìa khóa để cải cách hành chính thành công. Đến nay, Hệ thống thông tin giám định BHYT với các tính năng giám định tổng hợp, giám định chuyên đề đã từng bước phát huy hiệu quả. Khối lượng công việc thủ công của anh em được giảm bớt, việc giám sát, kiểm soát quỹ khám, chữa bệnh BHYT từng bước khắc phục được những hạn chế - với chị, đó là niềm vui.
Tuệ Anh (Tạp chí BHXH)
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hướng dẫn đăng nhập VssID bằng tài khoản định ...
Hình ảnh hoạt động