Nhiều cơ sở y tế đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc

16/07/2022 08:00 AM


Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc, BHXH Việt Nam đã kịp thời quán triệt, chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác KCB BHYT. Cùng với sự vào cuộc của các địa phương trong đấu thầu, mua sắm thuốc dựa trên kết quả đấu thầu, đàm phán giá.. Đến nay, đã khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại nhiều địa phương...

Nhiều khó khăn cung ứng thuốc năm 2022

Theo BHXH Việt Nam, từ năm 2019 trở về trước (chưa có dịch Covid-19), cơ bản không xảy ra thiếu thuốc. Khi đó, tình trạng thiếu thuốc chỉ diễn ra cục bộ ở một số địa phương, cơ sở KCB và tại một số thời điểm, song nhờ việc điều phối giữa các cơ sở KCB nên vẫn đảm bảo thuốc, vật tư y tế cho hoạt động KCB BHYT. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, trong các tháng gần đây, tình trạng thiếu thuốc diễn ra trên diện rộng. Thống kê sơ bộ vào cuối tháng 6/2022, có tới 41/63 tỉnh, thành phố thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này được chỉ rõ là do lạm phát, vật tư giá cả tăng cao, nhất là nguyên liệu sản xuất thuốc, chi phí vận tải; do xung đột Nga-Ucraina; dịch bệnh nên một số nhà sản xuất ngừng sản xuất, cung cấp, đứt gãy chuỗi cung ứng; có nhà sản xuất bỏ cả bảo lãnh hợp đồng, ngừng sản xuất.

Về nguyên nhân chủ quan, hiện nay, việc đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp quốc gia tập trung vào các mặt hàng có số lượng, giá trị sử dụng lớn, nhưng thời gian qua công tác đấu thầu tập trung quốc gia bị chậm trễ do tập trung phòng chống dịch. Trong quá trình đấu thầu, Bộ Y tế đã yêu cầu Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia có văn bản thông báo cho Sở Y tế và các cơ sở KCB về tình hình đấu thầu chậm và đề nghị địa phương, cở sở KCB chủ động mua sắm bằng các hình thức khác. Tuy nhiên, về phía địa phương, việc Sở Y tế và các cơ sở KCB thực hiện mua sắm rất bị động, không xác định được giai đoạn mua sắm, đồng thời thủ tục mua sắm thường kéo dài.

Với hoạt động đấu thầu tập trung cấp địa phương, nhiều địa phương có quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế kéo dài và chậm, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc. Tại nhiều địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chỉ đấu thầu tập trung cấp địa phương 129 mặt hàng thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương (danh mục bắt buộc), còn các cơ sở KCB tự đấu thầu các mặt hàng còn lại dẫn đến nhiều khó khăn, nhiều cơ sở KCB đấu thầu chậm (năng lực của cơ sở KCB, và các khó khăn không thuộc chủ quan của cơ sở KCB)...

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, quy định về đấu thầu thuốc cũng còn một số bất cập. Hiện nay, các tỉnh và cơ sở KCB đang rất vướng về quy định phải có phê duyệt dự toán trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu thuốc nguồn dịch vụ (bao gồm nguồn BHYT). Trong đấu thầu tập trung cấp địa phương, nhiều tỉnh cũng đang gặp khó khăn liên quan đến nội dung này, dẫn đến việc đấu thầu kéo dài. Đồng thời, lượng thuốc hết hạn số đăng ký lớn, dẫn đến khó khăn cho đấu thầu thuốc (quốc gia, địa phương, cơ sở KCB) là một nguyên nhân lớn gây ra tình trạng thiếu thuốc hiện nay...

Nhằm đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT, tại Công văn số 1566/BHXH-CSYT (ngày 13/6/2022) của BHXH Việt Nam gửi Bộ Y tế, để việc cung ứng thuốc, vật tư y tế kịp thời cho nhu cầu KCB, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia và các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ đấu thầu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, Danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở KCB thực hiện mua sắm nhanh bằng các hình thức khác phù hợp với Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn, nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh BHYT, tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng BHYT.

Ngay sau đó, ngày 14/6/2022, BHXH Việt Nam cũng có văn bản số 4576/BHXH-CSYT chỉ đạo BHXH các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB BHYT, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân nói chung và quyền lợi của người tham gia BHYT nói riêng. Đồng thời, đã chỉ đạo, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố khẩn trương có văn bản gửi ngay Sở Y tế và các cơ sở KCB trên địa bàn để báo cáo UBND tỉnh, thành phố về việc phối hợp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ KCB BHYT, không để người bệnh tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

Đảm bảo cung ứng nhiều thuốc trong tháng 7/2022

Với sự nỗ lực của ngành Y tế, BHXH Việt Nam và các đơn vị liên quan, đến nay tình trạng thiếu thuốc đang được khắc phục. Theo tiến độ đấu thầu thuốc cập nhật đến ngày 13/7/2022 của BHXH Việt Nam, một số gói thầu thuốc, đàm phán giá cấp quốc gia đã có kết quả khả quan. Cụ thể: Với thuốc điều trị lao, BV Phổi Trung ương được giao đấu thầu tập trung quốc gia nguồn BHYT, hiện đã có kết quả đấu thầu. Theo đó, quỹ BHYT sẽ chính thức thanh toán chi phí thuốc lao từ nguồn quỹ BHYT từ ngày 1/7/2022 (trước thời điểm này, NSNN chi trả). Với thuốc ARV điều trị HIV, gói thuốc ARV đấu thầu tập trung quốc gia cho nhu cầu năm 2022 đã thực hiện xong, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã ký thỏa thuận khung, Trung tâm Giám định BHYT và TTĐT (BHXH Việt Nam) đã ký hợp đồng mua thuốc và thanh toán tập trung với nhà thầu, hợp đồng đến 31/12/2022. Với 2 thuốc ARV đàm phán giá, Bộ Y tế cũng đã có kết quả đàm phán giá thuốc.

Về danh mục thuốc đàm phán giá tại Thông tư 15/2020/TT-BYT, theo thông tin của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia, hiện tại Trung tâm đã có văn bản gửi nhà thầu để tiến hành đàm phán giá với 66 thuốc biệt dược gốc cho nhu cầu năm 2022-2023, dự kiến có kết quả đàm phán giá đợt 1 trong tháng 7/2022, đợt 2 sau 90 ngày. Cụ thể: Hiện đã đàm phán giá đợt 1 lần 1 đối với 62 thuốc (trong đó 15 thuốc đã đạt được kết quả phù hợp), còn 4 thuốc chuyển đợt 2.

Thực hiện kế hoạch đàm phán giá năm 2022, BHXH Việt Nam đã cung cấp dữ liệu thuốc biệt dược gốc được quỹ BHYT thanh toán năm 2021 gửi Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia để làm cơ sở báo cáo Hội đồng Đàm phán giá quyết định danh mục thuốc đàm phán giá cho nhu cầu 2023-2024 (các thuốc biệt dược gốc ngoài 66 thuốc đang đàm phán giá cho nhu cầu 2022-2023).

Với danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, hiện tại Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đang đấu thầu 106 thuốc generic cho nhu cầu sử dụng năm 2022-2023. Hiện tại vẫn đang trong quá trình đánh giá và thẩm định gói tài chính, nhưng dự kiến có kết quả trong tháng 7/2022. Đối với 17 thuốc (đợt 2) cho nhu cầu sử dụng 2022-2023, Trung tâm đang trong quá trình thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó có 7 thuốc có dạng bào chế ít phổ biến, giá cao hoặc chi phí điều trị cao (cefoxitin). BHXH Việt Nam đã có văn bản tham gia với Bộ Y tế đề nghị cơ sở KCB thực hiện rà soát, xác định tính cần thiết trong điều trị, nhóm đối tượng người bệnh cần thiết sử dụng, từ đó xác định, đề xuất nhu cầu số lượng sử dụng phù hợp để đảm bảo tính hợp lý, hiệu quả trong sử dụng quỹ BHYT...

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc cục bộ tại nhiều địa phương

Thực tế tại các cơ sở y tế trên toàn quốc cho thấy, hiện nay ngoài 22 tỉnh, thành phố không có tình trạng thiếu thuốc, các địa phương còn lại đang dần khắc phục được tình trạng này. Đơn cử: Tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt 3 gói thầu 875 mặt hàng; Quảng Ngãi đã có kết quả các gói thầu thuốc generic, gói thầu thuốc y học cổ truyền... nên đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc tại cơ sở y tế. Tỉnh Phú Yên thiếu thuốc do các loại thuốc theo gói thầu quốc gia chưa có kết quả, tuy nhiên các cơ sở KCB đang tiến hành mua sắm cung ứng theo kết quả đấu thầu thuốc địa phương (hiệu lực ngày 11/3/2022), các thuốc không trúng thầu và thuốc thầu cấp quốc gia, đàm phán giá được hướng dẫn mua sắm theo Điều 18, Thông tư số 15/2019/TT-BYT nên cũng không còn tình trạng thiếu thuốc...

Một số địa phương thiếu thuốc cục bộ cũng đang gấp rút tháo gỡ khó khăn từng gói thầu, từng cơ sở y tế. Tại Hà Nội, có 42/189 cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ (các mặt hàng khác nhau tại các BV). Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế đầu ngành như tại BV K đã mua sắm chỉ định thầu đối với một số thuốc đáp ứng điều trị, và hiện chỉ thiếu loại thuốc đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đang ký thỏa thuận khung. Tại TP.HCM có 34 cơ sở y tế thiếu thuốc, chủ yếu là thuốc hiếm. BHXH TP.HCM đã có công văn gửi từng cơ sở đề nghị mua sắm cung ứng kịp thời, nhưng hiện tại thiếu khoảng 70 loại thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm phải nhập khẩu do đứt chuỗi cung ứng của nhà thầu.

Tại Đắk Lắk, hiện vẫn còn thiếu các thuốc đấu thấu tập trung cấp địa phương do chưa thực hiện được vì nguyên nhân khách quan; tuy nhiên với các thuốc khác- sau khi có công văn của UBND tỉnh, các cơ sở đã chủ động mua sắm theo hình thức khác, cơ bản đã cải thiện việc thiếu thuốc. Tại Nam Định, sau khi có công văn phối hợp, Sở Y tế đã chỉ đạo cung ứng thuốc và đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, nên dự kiến trong tháng 7 có kết quả lựa chọn nhà thầu... Hiện tại, tình trạng thiếu thuốc tại Nam Định đã giảm, chủ yếu tại BVĐK tỉnh do chậm thầu tập trung, còn các đơn vị khác thiếu cục bộ một số mặt hàng.

Tại Điện Biên, BHXH tỉnh đã kiểm tra và phối hợp với Sở Y tế nắm bắt tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế sử dụng cho bệnh nhân tại các cơ sở KCB trên địa bàn. Hiện tại, cơ bản thuốc, vật tư y tế tại địa phương này đã đáp ứng được công tác điều trị BHYT. Riêng BVĐK tỉnh thiếu thuốc Cetriaxon do nhà thầu không cung ứng được vì hết hạn số đăng ký (BV có thuốc kháng sinh khác thay thế); còn thuốc y học cổ truyền thiếu ít do vướng mắc tại Thông tư số 38/2021/TT-BYT.

Tại Lâm Đồng, có tình trạng thiếu thuốc tại 4 BV công lập (BVĐK tỉnh, TTYT Đà Lạt, TTYT Lâm Hà, BV Nhi tỉnh). Tuy nhiên, bệnh nhân không phải mua thuốc ngoài, mà sử dụng thuốc thay thế hoặc chuyển BV lân cận. Hiện nay, BV Nhi và BVĐK tỉnh đã có kết quả trúng thầu, nên không còn thiếu thuốc...

Tại cuộc họp ngày 14/7 với lãnh đạo Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và một số đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu, bên cạnh những giải pháp như rà soát, bổ sung, hướng dẫn, cần tập trung vào một số giải pháp đủ hiệu quả, thực hiện ngay trong ngắn hạn. Theo đó, Bộ Y tế cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành: Tài chính, KH-ĐT, BHXH Việt Nam để tháo gỡ ngay vấn đề khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để các địa phương, BV có căn cứ thực hiện như điều chỉnh kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu sử dụng trước khi có dịch Covid-19; xây dựng, thẩm định giá đấu thầu, sử dụng thuốc, vật tư thay thế các loại thuốc, vật tư thường dùng…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nếu chưa rõ về pháp luật, dễ gây hiểu khác nhau, gây suy diễn liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế…, thì Bộ Y tế nên xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ.

Tạp chí BHXH

Hình ảnh hoạt động