Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) phải đảm bảo sự bền vững của chính sách

25/03/2022 02:50 PM


Chiều 24/3, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi).

Cấp thiết sửa đổi Luật BHYT

Từ 1/1/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008 (Luật BHYT 2014) chính thức có hiệu lực, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, điều chỉnh, hoàn hiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động quan trọng đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Tuy nhiên, sau 6 năm thực thi, luật này đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, được Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nhận thấy cần phải sửa đổi.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp

Chia sẻ quá trình xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) lần này, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT cho biết: Từ cuối năm 2020, Bộ Y tế đã có văn bản xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). BHXH Việt Nam đã tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo này. Tháng 7/2021, Bộ Y tế có Tờ trình số 983/Ttr-BYT gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), trong đó đề cập 5 chính sách chính cần sửa đổi cùng các mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện.

Chính sách thứ nhất là mở rộng đối tượng tham gia BHYT đến các nhóm đối tượng mà Luật BHYT 2014 chưa bao phủ hết, đặc biệt là bổ sung các nhóm đối tượng chưa quy định trọng Luật hiện hành như: Nhóm đối tượng do chủ SDLĐ đóng, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân (trẻ em dưới 6 tuổi sinh ở nước ngoài sau đó được đưa về sinh sống tại Việt Nam, người thuộc nhóm di biến động qua biên giới...); nhóm đối tượng là thân nhân NLĐ (được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng)...

Chính sách thứ hai là mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, với việc bổ sung một số dịch vụ về chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh tật, sử dụng vắc-xin phòng bệnh được quỹ BHYT chi trả. Để thực hiện chính sách này, một đề xuất đáng chú ý là người tham gia BHYT được quyền mua thêm các gói BHYT bổ sung để chi trả cho phần cùng chi trả chi phí KCB (gói BHYT bổ sung này do cơ quan BHXH thực hiện)...

Chính sách thứ ba là đa dạng loại hình cơ sở cung ứng DVYT, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở. Theo đó, Dự thảo đề xuất bổ sung các loại hình cung ứng DVYT như: Nhà thuốc; trung tâm chẩn đoán hình ảnh; trung tâm xét nghiệm, cấp cứu, vận chuyển người bệnh... 

BHXH họp lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi)

Chính sách thứ tư là nâng cao hiệu quả, chất lượng quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng DVYT và cơ quan BHXH trong hoạt động giám định BHYT. Với nội dung tập trung nâng cao hiệu quả giám định, Dự thảo đề xuất bổ sung thêm nhiều đối tượng khác tham gia hoạt động này cùng cơ quan BHXH; đồng thời chuẩn hóa công tác giám định, yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề cho giám định viên.

Chính sách thứ năm là phân bổ, sử dụng, quản lý quỹ BHYT hiệu quả, trong đó đề xuất đang chưa thống nhất là quy định quỹ BHYT được vay NSNN khi bội chi; quỹ BHYT ứng trước 80% chi phí chưa thống nhất...

Sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp, hiện Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) do Bộ Y tế chủ trì có 12 Chương, 59 Điều (Luật BHYT 2014 gồm 10 Chương, 50 Điều) đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp trước khi trình Quốc hội. Tại cuộc họp thẩm tra đề nghị đưa Dự án Luật BHYT (sửa đổi) vào Chương trình sửa đổi luật, pháp lệnh năm 2022 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, BHXH Việt Nam đã thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật BHYT, để đáp ứng tình hình thực tế, hướng tới hoàn thiện pháp luật về BHYT.

Sửa đổi chính sách cần bám sát thực tiễn

Theo ông Lê Văn Phúc, trong quá trình tham gia góp ý cho Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi), BHXH Việt Nam cũng đã chỉ ra một số điểm cần bổ sung, các điểm chưa phù hợp với thực tiễn mà Dự thảo Luật đề cập.

Về chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHYT, theo BHXH Việt Nam, cần rà soát tất cả các nhóm đối tượng tham gia BHYT đang được quy định tại các văn bản hướng dẫn Luật BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để không bỏ sót như: Nhóm đối tượng là người tham gia kháng chiến, nghệ nhân, nghèo đa chiều, dân quân tự vệ thường trực... Đề nghị cân nhắc việc đưa các đối tượng chưa đủ giấy tờ tùy thân hay chứng minh về nhân thân vào quy định là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT trong Luật, bởi tất cả các đối tượng đều phải được xác nhận về nhân thân theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT góp ý tại cuộc họp

Về chính sách mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, BHXH Việt Nam đề nghị cần đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi quyền lợi đồng thời với các chính sách khác như: Lộ trình điều chỉnh tăng giá DVYT, bệnh Covid-19 được chuyển sang nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B, khả năng điều chỉnh tăng mức đóng BHYT trong thời gian tới để đảm bảo được nguyên tắc phạm vi quyền lợi phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đề nghị làm rõ một số quyền lợi được mở rộng trong Dự thảo (nhưng không được nêu trong Tờ trình) như: Điều trị dự phòng bệnh tật, dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng, sản phẩm dinh dưỡng điều trị. Đồng thời, cần có giải pháp để loại bỏ sự chồng chéo giữa khám sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh và khám sức khoẻ định kỳ.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng đề nghị cân nhắc về đề xuất quy định gói BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận do tổ chức BHYT cung cấp. Bởi, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như WHO chỉ ra rằng, điều đó sẽ không đảm bảo công bằng trong tài chính y tế đối với người dân tham gia BHYT. Do đó, chỉ quy định các DN bảo hiểm thương mại tham gia cung cấp các gói BHYT bổ sung.

Về chính sách đa dạng loại hình cơ sở cung ứng DVYT, đề nghị bổ sung quy định giao Bộ Y tế ban hành các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của các cơ sở cung ứng DVYT được tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ KCB BHYT.

Về chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, ý kiến của BHXH Việt Nam cũng đề nghị làm rõ nội hàm của giám định BHYT. Hiện hoạt động này của BHXH Việt Nam bản chất là thực hiện kiểm soát chi phí KCB thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Và, quy trình giám định BHYT mà BHXH Việt Nam đang thực hiện là các quy trình kiểm tra, đối chiếu hồ sơ đề nghị thanh toán với chỉ định trên hồ sơ bệnh án, để xác định sự phù hợp với các quy định của pháp luật về BHYT, KCB và các văn bản khác có liên quan (đấu thầu mua sắm, quy định về giá...). Các công việc có thể do các CBVC có chuyên môn nghiệp vụ khác nhau thực hiện như: Y, dược, tài chính, CNTT. Điều này khác với hoạt động giám định tư pháp là do các chuyên gia hoặc người có kiến thức chuyên sâu thực hiện.

Nhấn mạnh “hoạt động giám định thực chất là hoạt động kiểm soát chi phí của cơ quan chỉ trả- cơ quan BHXH”, BHXH Việt Nam đề nghị không thực hiện xã hội hoá đối với hoạt động này. Bởi, nếu thực hiện, cơ quan BHXH vẫn phải kiểm tra, rà soát lại kết quả giám định của các tổ chức ngoài BHXH.... BHXH Việt Nam chỉ rõ: Vướng mắc chính trong công tác giám định hiện nay là do thiếu các quy chuẩn của công tác giám định (bao gồm cả các tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, tiêu chí chỉ định vào điều trị nội trú, nội trú ban ngày; tiêu chí chuyển tuyến đúng quy định... là những thước đo chuẩn mực cho công tác giám định); thiếu các quy định giải quyết khi có tranh chấp xảy ra; phương thức thanh toán theo phí dịch vụ và cơ chế tự chủ tài chính dẫn đến tăng cung ứng DVYT quá mức cần thiết trước đây gây vượt trần, vượt quỹ, hiện nay là vượt nguồn kinh phí KCB BHYT được giao hàng năm. Do đó, BHXH Việt Nam đề nghị cần đề xuất giải pháp dựa trên vướng mắc thực tiễn.

Tại cuộc họp, phân tích rõ hơn mục tiêu tổng quát của việc xây dựng văn bản luật này là thực hiện BHYT toàn dân bền vững, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh: Các góp ý cho Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) từ các đơn vị nghiệp vụ sẽ đảm bảo tính khả thi, thống nhất và đồng bộ của luật.

Tham gia góp ý kiến, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề cần làm rõ hơn trong Dự thảo Luật như: Thống nhất quy định về đối tượng tham gia BHYT; đánh giá tác động đến quỹ BHYT, việc thực hiện chính sách BHYT khi mở rộng đối tượng; các quy định giám sát, cơ chế tài chính đảm bảo quản lý quỹ BHYT hiệu quả, phù hợp thực tiễn...

Kết luận cuộc họp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Ban Thực hiện chính sách BHYT tiếp thu các ý kiến đóng góp, thống nhất quan điểm chung của BHXH Việt Nam, tích cực cùng Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) đúng tiến độ, đạt hiệu quả. “Các kiến nghị phải đảm bảo căn cứ từ thực tế, dự báo các tác động của chính sách với mục tiêu lớn nhất là hướng về người dân, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Tạp chí BHXH

Hình ảnh hoạt động