ĐBQH Đinh Công Sỹ: Hiệp định về Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc - góp phần cụ thể hoá Nghị quyết 28 - NQ/TW

16/12/2021 06:00 PM


Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 14/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Lễ ký Hiệp định về Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Theo dõi sự kiện ngoại giao quan trọng này, ĐBQH Đinh Công Sỹ- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đánh giá đây là Hiệp định mang lại nhiều ý nghĩa lớn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chứng kiến Lễ ký Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc về BHXH

Phóng viên: Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, sáng 14/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Lễ ký Hiệp định về BHXH giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc. Đại biểu đánh giá như thế nào về ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dịch chuyển lao động giữa các quốc gia đang diễn ra nhanh chóng, trong đó có lao động người Việt Nam ra nước ngoài làm việc tăng dần tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, cũng như lao động người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Việc dịch chuyển lao động, nhất là người lao động Việt Nam ra nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích trong đó có giúp người lao động có thu nhập tốt hơn, cải thiện đời sống bản thân và gia đình, việc lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển đất nước. Theo đó, quyền, lợi ích chính đáng của người lao động làm việc ở nước ngoài, cũng như người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cần được pháp luật bảo đảm. Hiện nay, người lao động Việt Nam làm việc, lao động tại Hàn Quốc khoảng 44 ngàn người, lao động Hàn Quốc tại Việt Nam khoảng 27 ngàn người.

Tuy nhiên, trong điều kiện hệ thống pháp luật của mỗi nước có quy định khác nhau hoặc chưa được quy định về một số nội dung cụ thể về bảo hiểm xã hội (BHXH) trong đó có nội dung tránh đóng BHXH hai lần và cộng gộp thời gian tham gia và tính BHXH. Cụ thể, có sự khác nhau hoặc chưa quy định ở trong Luật BHXH của Việt Nam và Luật Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc. Theo quy định pháp luật hiện hành của hai nước, những người lao động này đang phải đóng song trùng BHXH cả tại Việt Nam và Hàn Quốc, đồng thời cũng không được tính cộng gộp ở cả hai nước. Với quy định này sẽ bất lợi cho người lao động của mỗi nước.

Để khắc phục bất cập này, việc hai Chính phủ ký hiệp định là rất cần thiết; bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội năm 1966 của Liên hợp quốc. Việc ký Hiệp định BHXH với Hàn Quốc phù hợp với Nghị quyết số 28 - NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Tôi cho rằng, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Hàn Quốc lần này, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước hết sức tốt đẹp, trên cả kênh ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và ngoại giao nghị viện; trên tất cả các lĩnh vực, trong đó về lĩnh vực kinh tế, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Và đặc biệt chuyến thăm này, hai nhà Lãnh đạo khẳng định quan điểm ủng hộ việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Do đó việc Chính phủ hai nước ký Hiệp định BHXH thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam - Hàn Quốc với người lao động của mỗi nước, thông qua hướng đến cách tiếp cận chung của quốc tế về hoàn thiện các quy định pháp luật trong bối cảnh dịch chuyển lao động giữa hai nước diễn ra mạnh mẽ. Đồng thời còn khẳng định sự quyết tâm cao, sự tin cậy chính trị của các nhà lãnh đạo hai nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ

Phóng viên: Khẳng định việc Ký kết Hiệp định có ý nghĩa rất quan trọng, xin đại biểu cho biết một số nội dung cơ bản của Hiệp định này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ: Hiệp định BHXH Việt Nam - Hàn Quốc được xây dựng là một Hiệp định toàn diện, thể hiện ở chỗ nội dung của Hiệp định hướng đến mục tiêu tránh đóng BHXH hai lần và cách tính cộng gộp thời gian theo quy định của pháp luật mỗi nước để làm cơ sở hưởng. 

Về tránh đóng BHXH hai lần, Hiệp định chia ra làm ba nhóm lao động: Nhóm lao động phái cử, nhóm lao động tuyển dụng tại chỗ và nhóm đặc biệt khác. Theo đó, mỗi nhóm lao động này sẽ chỉ phải đóng BHXH theo pháp luật tại một nước trong thời hạn nhất định mà không phải đóng cùng lúc tại Việt Nam và Hàn Quốc và theo hướng áp dụng pháp luật của nước có lợi hơn cho người lao động. 

Về cách tính cộng gộp thời gian tham gia để tính hưởng BHXH: Hiệp định không chỉ giúp cho việc tránh đóng song trùng BHXH mà hệ quả ưu việt thứ hai đó là tối ưu hoá quyền lợi BHXH cho công dân mỗi nước Việt Nam - Hàn Quốc bằng việc tính tổng thời gian đóng BHXH ở cả hai nước (không bao gồm thời gian đóng trùng nếu có) để tính hưởng lương hưu theo quy định pháp luật mỗi nước.

Quy định về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí trong Hiệp định cho phép tính gộp thời gian đóng BHXH ở cả Việt Nam và Hàn Quốc vào thời gian tối thiểu đóng BHXH. Quy định này sẽ giúp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu (thay vì chỉ được nhận tiền BHXH một lần), sẽ tối ưu hóa quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động Hàn Quốc khi đi làm việc tại Việt Nam; bảo đảm tốt hơn về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động hai nước thực hiện một cách bền vững các quyền con người về kinh tế, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội ghi nhận. Nếu không có Hiệp định thì có người lao động sẽ không được hưởng chế độ hưu trí ở cả hai nước do không đủ điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vậy với những nội dung cơ bản nêu trên, đại biểu kỳ vọng gì vào hiệu quả và các cơ hội cho tương lại qua việc ký các hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia khác?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Đinh Công Sỹ: Đây là Hiệp định về BHXH song phương đầu tiên của Việt Nam ký kết với một quốc gia khác. Nội dung quy định tránh đóng BHXH song trùng và tính gộp thời gian nêu trên trong Hiệp định giữa Việt Nam và Hàn Quốc được xây dựng phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu thế chung thế giới. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu chúng ta phải hướng đến lộ trình sửa đổi pháp luật về BHXH trong đó có Luật BHXH năm 2014 và các luật có liên quan. Trong thời gian tới, để tiệm cận với xu thế pháp luật thế giới cần xem xét đến việc bổ sung các quy định về đóng BHXH ở nước ngoài cho lao động Việt Nam và ở Việt Nam với lao động nước ngoài. Từ đó sẽ tránh được việc lao động phải đóng BHXH hai lần, cộng gộp thời gian đóng BHXH ở cả trong nước và nước ngoài để tính hưởng chế độ BHXH và thời gian đóng BHXH, tuổi lao động để được hưởng chế độ hưu trí...

Việc ký Hiệp định này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc ký các hiệp định song phương về BHXH với các quốc gia khác có tỷ lệ lao động Việt Nam nhiều. Bên cạnh đó sẽ góp phần cụ thể hoá Nghị quyết 28 - NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH theo hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế.  

Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam

Hình ảnh hoạt động