Ký kết Quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế
09/07/2021 05:15 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 9/7, tại Hà Nội diễn ra Lễ Ký Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng Cục Thuế. Tham dự buổi Lễ về phía BHXH Việt Nam có: Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh; Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Về phía Tổng Cục Thuế có: Phó Tổng Cục trưởng Đặng Ngọc Minh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng Cục Thuế.Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tham dự và chứng kiến Lễ Ký Quy chế.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, thực hiện Công văn số 235/TTg-KTTH ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ, về việc xây dựng Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH; ngày 31/12/2014 BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã ký Quy chế phối hợp công tác số 5423/QCPH-BHXH-TCT để thực hiện trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập; về công tác phối hợp và kết quả thanh tra, kiểm tra giữa cơ quan Thuế và cơ quan BHXH.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh: “Sau hơn 5 năm thực hiện Quy chế, đặc biệt là những năm gần đây khi ứng dụng mạnh mẽ CNTT và chuyển đổi số của 2 Ngành, việc cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu các DN, tổ chức, NLĐ liên quan đến chi trả thu nhập, đóng thuế TNCN, đóng BHXH, BHYT... rất thuận lợi và nhanh chóng có tác dụng tích cực đến công tác quản lý thuế, quản lý thu và quản lý người tham gia BHXH, BHYT."
“Từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị và cán bộ được phân công đã luôn chủ động, gắn kết, phối hợp chặt chẽ. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng và bền vững số lượng người tham gia BHXH, BHYT (trên 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 33,4 %LLLĐ; gần 91 % dân số tham gia BHYT và việc luôn hoàn thành dự toán thu BHXH, BHYT; Đồng thời, chống trốn, nợ đóng BHXH , BHYT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra) có sự đóng góp rất quan trọng qua công tác phối hợp giữa 2 Ngành”. Tổng Giám đốc khẳng định.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi lễ
Trong quá trình triển khai quy chế, mặc dù đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành nhưng do sự thay thế cơ chế, chính sách quản lý, sự phát triển nhanh của thực tiễn, việc chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và đặc biệt là của 2 ngành nói riêng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong nội dung chia sẽ dữ liệu thông tin cũng như cách thức và phương pháp phối hợp. Mặt khác, đối với ngành BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cần tăng cường quản lý chặt chẽ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, chống nợ, trốn đóng; đồng thời tăng cường quản lý quỹ an toàn, chặt chẽ và hiệu quả.
Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng Cục thuế gồm 3 chương và 12 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Theo đó, Quy chế quy định cụ thể việc chia sẻ dữ liệu và phối hợp công tác giữa hai cơ quan, gồm: Chia sẻ dữ liệu thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế (Tổ chức trả thu nhập và hộ kinh doanh, cá thể; thông tin cá nhân trong tổ chức trả thu nhập; thông tin ghi nhận việc trích và khấu trừ các khoản đóng BHXH, BHYT của tổ chức trả thu nhập qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan Thuế. Chia sẻ dữ liệu thông tin tổ chức trả thu nhập và cá nhân trong tổ chức trả thu nhập đang tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ-BNN; mức tiền đóng BHXH, BHYT; tiền nợ BHXH, BHYT; thông tin đóng BHXH, BHYT của tổ chức trả thu nhập qua thanh tra, kiểm tra của cơ quan BHXH. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức trả thu nhập. Quy chế áp dụng đối với BHXH Việt Nam, Tổng cục Thuế và các đơn vị trực thuộc của hai cơ quan ở tỉnh đến cấp huyện.
Toàn cảnh buổi lễ
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng cho rằng, trong quá trình triển khai quy chế, mặc dù đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành nhưng do sự thay thế cơ chế, chính sách quản lý, sự phát triển nhanh của thực tiễn, việc chuyển đổi số mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và đặc biệt là của 2 ngành nói riêng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong nội dung chia sẽ dữ liệu thông tin cũng như cách thức và phương pháp phối hợp. Mặt khác, đối với ngành BHXH Việt Nam, trong thời gian tới, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là cần tăng cường quản lý chặt chẽ và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, chống nợ, trốn đóng; đồng thời tăng cường quản lý quỹ an toàn, chặt chẽ và hiệu quả.
Với yêu cầu thực tế đặt ra và nhiệm vụ mới của 2 Ngành, việc có một quy chế phối hợp mới, phù hợp là tất yếu, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và quản lý của 2 Ngành.
“Hôm nay, 2 ngành đã xây dựng, hoàn thiện quy chế mới với nội dung thiết thực và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách BHXH và Luật BHXH, Luật Quản lý thuế với tinh thần cải cách nhất, thuận lợi nhất”- Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại Lễ Ký kết
Để thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị lãnh đạo hai cơ quan tăng cường quan tâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện tốt một số nội dung. Trong đó, thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung quy chế. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, phát triển, đảm bảo hạ tầng CNTT để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hai bên phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu được thông suốt. Thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể đối với cá nhân, các đơn vị nghiệp vụ và từng viên chức trong việc thực hiện Quy chế phối hợp, coi đây là nội dung, chỉ tiêu thi đua đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ CCVC hàng tháng, quý, năm. “Đặc biệt, ngay sau Lễ ký kết cơ quan BHXH và Cục Thuế các tỉnh, thành phố cần xây dựng, cụ thể hóa để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện Quy chế; hướng dẫn BHXH huyện, Chi cục Thuế thực hiện nghiêm túc các nội dung Quy chế; kịp thời phản ánh những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế”- Tổng Giám đốc nói.
Mục đích của Quy chế nhằm phục vụ công tác quản lý thu BHXH, BHYT và quản lý thuế, được dựa trên nguyên tắc cơ bản như: Việc chia sẻ dữ liệu giữa hai cơ quan phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu quản lý của BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế trong từng thời kỳ và phù hợp với quy định của pháp luật. Nội dung chia sẻ dữ liệu phải rõ ràng, cụ thể và thuộc phạm vi quản lý của hai cơ quan. Việc chia sẻ dữ liệu phải đảm bảo kịp thời, chính xác và đầy đủ theo yêu cầu đã được thống nhất. Các hoạt động phối hợp phải được BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế chỉ đạo thực hiện thống nhất trong toàn ngành...
Đại diện hai bên thực hiện ký kết
Đáng chú ý, Quy chế đã đưa ra những quy định rất cụ thể về nội dung chia sẻ dữ liệu giữa hai cơ quan; Đầu mối cũng như phương thức chia sẻ dữ liệu; việc đối soát, hiệu chỉnh dữ liệu và xử lý sự cố hệ thống CNTT; phối hợp trong công tác thanh tra kiểm tra...
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định rõ, BHXH Việt Nam và BHXH Việt Nam có trách nhiệm: phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trực thuộc; thực hiện các nội dung phối hợp quản lý thu BHXH, BHYT và quản lý thuế; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung thông tin cần chia sẻ phù hợp với thực tiễn quản lý; tập huấn, trao đổi nghiệp vụ; đánh giá kết quả triển khai thực hiện; đồng thời đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu được thông suốt, kịp thời...
So với Quy chế hai Ngành đã ký kết trước đây, Quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp được ký kết lần này có nhiều điểm mới nổi bật như quy định phối hợp trong công tác thanh tra, chia sẻ thông tin và kết quả thanh tra, kiểm tra giữa hai ngành; Hai ngành chia sẻ dữ liệu qua các hệ thống trung gian phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; trong trường hợp thông tin về người nộp thuế còn khác nhau, cơ quan BHXH gửi dữ liệu thông tin sai lệch để cơ quan Thuế thông báo cho người nộp thuế điều chỉnh thông tin theo quy định...
Chia sẻ những kết quả sau 5 năm phối hợp, ông Đặng Ngọc Minh- Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế cho biết, tính đến nay số lượng tổ chức trả thu nhập cơ quan Thuế cung cấp cho cơ quan BHXH khoảng 550 ngàn đơn vị/năm, với số lao động dao động trong khoảng 18 - 20 triệu người/năm. “Từ dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp, cơ quan BHXH đã rà soát, xác định số DN chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ; qua đó đã khai thác, phát triển được nhiều đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, với số đơn vị đăng ký tham gia là trên 115.000 đơn vị; số lao động đăng ký tham gia là trên 2,6 triệu người; số tiền truy thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là trên 214 tỷ đồng; số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đơn vị SDLĐ đã nộp là trên 3.600 tỷ đồng”- Ông Đặng Ngọc Minh nói.
Ông Đặng Ngọc Minh nhận định: “Quy chế được ký kết lần này đã hoàn thiện hơn về nội dung, mục đích và ý nghĩa đúng với chức năng, nhiệm vụ của mỗi Ngành. Đồng thời đáp ứng được tinh thần Nghị quyết 28/NQ-TW và Luật BHXH, Luật Quản lý thuế nhằm tạo điều kiện cho NLĐ, DN được tham gia đầy đủ chính sách BHXH, BHYT; cho NLĐ đóng thuế cũng được công khai, minh bạch qua cơ quan quản lý và DN với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình”.
Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam
Tham gia BHXH để tuổi già anh nhàn
TỌA ĐÀM VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH ...
Phóng sự “Hối hận khi rút BHXH một lần, tuổi già ...
Hình ảnh hoạt động