BHXH Việt Nam: 12 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP

11/02/2020 07:34 AM


Ngày 01/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020. Vừa qua, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh ký Quyết định số 136/QĐ-BHXH ban hành Chương trình hành động của BHXH Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, phấn đấu số người tham gia BHXH chiếm tỷ lệ 35% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHTN chiếm tỷ lệ 29,2% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt 90,9% dân số tham gia BHYT.

(Ảnh minh họa)

Theo đó, để đạt mục tiêu trên, BHXH Việt Nam tiếp tục bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW, Đề án Lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, Chiến lược phát triển Ngành BHXH đến năm 2020, tham gia góp ý vào Dự thảo Đề án Cải cách BHXH theo Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-CP.

Triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch trọng tâm của BHXH Việt Nam thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ về BHXH, BHYT, BHTN (Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 63/NQ-CP, Nghị quyết số 51/NQ-CP, Nghị quyết số 27/NQ-CP, Chỉ thị số 34/CT-TTg, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 98/NQ-CP, Nghị quyết số 99/NQ-CP...).

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, các Nghị định, văn bản hướng dẫn về thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các Luật liên quan đến việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/08/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, đẩy nhanh tiến độ BHYT toàn dân. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thu nợ BHXH, BHYT đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT. Kết nối thông tin, liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành liên quan để quản lý đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới. Tích cực điều tra, khảo sát để xác minh số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT; từ đó có biện pháp đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT đầy đủ cho người lao động, đồng thời, xây dựng lộ trình khai thác mở rộng đối tượng.

Tăng cường quản lý công tác chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ cho người hưởng. Thực hiện giải quyết chính sách BHXH, BHYT đúng pháp luật, kịp thời, thuận tiện; hạn chế tình trạng trục lợi Quỹ BHXH, BHTN. Nâng cao chất lượng công tác giám định, giám sát chặt chẽ việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; tăng cường quản lý lĩnh vực dược và vật tư y tế trong khám, chữa bệnh BHYT; đảm bảo quyền lợi của người tham gia và hạn chế tình trạng bội chi Quỹ BHYT.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, quản lý tài chính chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các vi phạm.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Chú trọng việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam, kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh thêm các thủ tục hành chính ngoài quy định.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị sửa dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh; kiểm tra việc thực hiện quy định, quy trình nghiệp vụ của Ngành tại các đơn vị trong Ngành, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra và tăng cường theo dõi, đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra của BHXH các tỉnh, thành phố.

Nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến các cấp, các ngành, người lao động và nhân dân, đặc biệt quan tâm đến người sử dụng lao động và người lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân; tập trung tuyên truyền, phổ biến những điểm mới của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện BHXH, BHYT với mục tiêu công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan BHXH, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng. Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về phòng chống tham nhũng. Đấu tranh phòng chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Xử lý nghiêm những công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, gây phiền hà cho đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách cũng như đơn vị, doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế, phát huy tối đa nguồn lực và điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế góp phần xây dựng hệ thống An sinh xã hội tại Việt Nam bền vững, hiệu quả, hiện đại.

Tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, BHXH Việt Nam yêu cầu, căn cứ vào Chương trình hành động, Chương trình công tác năm 2020 của đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị; trong đó, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu theo kế hoạch được giao để có biện pháp chủ động quản lý, điều hành thực hiện gửi BHXH Việt Nam (Vụ Kế hoạch – Đầu tư là đầu mối) chậm nhất ngày 29/02/2020 để theo dõi, giám sát. Kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình công tác đã đề ra; tổ chức giao ban hằng tháng để kiểm điểm tình hình thực hiện Chương trình hành động của đơn vị, báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động của đơn vị năm 2020, gửi BHXH Việt Nam (Vụ Kế hoạch – Đầu tư là đầu mối) trước ngày 10/11/2020 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Xây dựng và triển khai chương trình công tác liên ngành với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Y tế và các ngành, cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2020. Kịp thời xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua yêu nước năm 2020 với chủ đề: “Công chức, viên chức Ngành BHXH nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020”; phong trào Cùng cả nước xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua khác theo đợt, theo chuyên đề với nội dung, mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện tốt Luật BHXH, Luật BHYT và các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.

Thành NS (Tạp chí BHXH)

Hình ảnh hoạt động